Thêm nhiều doanh nghiệp bán tài sản lớn để cơ cấu nợ

Bán vốn góp và nhà máy để trả nợ

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - Mã: AGM) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng hết phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex – Kitoku (AKJ), tương đương với gần 33% vốn cho đối tác APC Holdings.

Đây là hoạt động tái cơ cấu mới nhất của Angimex và tiếp tục diễn biến bán tài sản xuyên suốt từ năm 2023 đến nay để gỡ rối cho hoạt động kinh doanh chung.  

Chẳng hạn, hồi đầu tháng 3 vừa qua, lãnh đạo công ty thông qua chủ trương chuyển nhượng tối đa 3,25 triệu cổ phiếu, tương đương 32,5% vốn Công ty cổ phần Golden Paddy cho đối tác The Golden Group với giá chuyển nhượng 32,5 tỷ đồng. 

Trong tháng 2, HĐQT thông báo chuyển nhượng toàn bộ 25% vốn Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn – An Giang (Sagico). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị vốn 46 tỷ đồng. Đối tác muốn mua lại cổ phần là Saigon Co.op và Afiex.

Angimex chấp nhận bán phần vốn góp tại chuỗi cửa hàng xe máyAngimex Furious để giải quyết nhu cầu vốn. Ảnh: AGM.

Cuối năm 2023, công ty bán thêm giai đoạn 1 một phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex Furious (chuyên kinh doanh xe máy và phụ tùng xe), tương ứng 21% vốn cho đối tác The Golden Group.

Các hoạt động tái cấu trúc của Angimex diễn ra sau kỳ đại hội bất thường tháng 11/2023, trong đó cổ đông chấp thuận cho lãnh đạo công ty được chuyển nhượng phần vốn góp tại 8 công ty thành viên và 4 nhà máy đang sở hữu.

Angimex có khoản nợ trái phiếu lớn khiến cơ cấu vốn bị mất cân đối. Việc này là đo Angimex sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu (1-2 năm) để đầu tư các nhà máy dài hạn, nhưng sau đó không được gia hạn dẫn đến mất khả năng thanh toán lãi và gốc. 

Lãnh đạo doanh nghiệp từng nói thiếu hụt dòng tiền để trả nợ và không có nguồn vốn để hoạt động kinh doanh. Do đó để giúp giải quyết nhu cầu về vốn, công ty muốn cổ đông thông qua việc chuyển nhượng nhiều tài sản đang sở hữu. 

Theo báo cáo tự lập, công ty này lỗ tiếp 214 tỷ đồng trong năm 2023, qua đó ghi nhận mức lỗ lũy kế là 153 tỷ đồng. Công ty đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động 350 tỷ đồng để trả nợ toàn bộ lô trái phiếu đang chậm thanh toán.

Qua thời đỉnh cao, Hùng Vương và Pomina bán tài sản lớn

Cuối tháng 2, Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) đã công bố văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc thoái vốn một số công ty thành viên và bán tài sản để thu tiền thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay hiện hữu.

Đáng kể nhất là kế hoạch rút hết 50,38% cổ phần tại Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) - công ty con có vốn điều lệ 1.045 tỷ đồng. Các thương vụ khác là bán hết gần 80% vốn XNK Thủy sản An Giang, gần 90% Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long và 85% cổ phần Hùng Vương Châu Á. 

Hùng Vương từng là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhưng sau đó lao dốc do việc mở rộng thất bại. Trong báo cáo gần nhất năm 2019, "cựu vương" này có các khoản vay nợ ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) hơn 3.000 tỷ đồng và số lỗ lũy kế đã lên tới 1.743 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh từng thừa nhận về việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn gây nên khó khăn chồng chất, bên cạnh đó "trách" ngân hàng đã không đồng hành trong việc đầu tư thực hiện các dự án.

Một đơn vị khác gặp khó khăn tương tự là nhà sản xuất thép Pomina (Mã: POM). Công ty cũng từng là đối thủ ngang tầm của Hòa Phát khi chiếm thị phần lớn tại thị trường miền Nam; tuy nhiên, các kế hoạch đầu tư chưa đúng điểm rơi của ngành khiến doanh nghiệp rơi vào bế tắc và phải bán các tài sản quan trọng. 

Công ty thép vang bóng một thời quyết định hợp tác với nhà đầu tư mới thông qua thành lập một pháp nhân mới, trong đó Pomina sẽ góp bằng tài sản là các nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, đồng thời còn tự nguyện đề xuất sát nhập tài sản còn lại nhà máy Pomina 2 vào dự án mới Pomina Phú Mỹ.

Công ty thép Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) cũng khó khăn không kém trong bối cảnh ngành đi xuống. Trong bước đi mới nhất, SMC đã bán ra toàn bộ hơn 13 triệu cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim để có thêm dòng tiền hàng trăm tỷ đồng. 

Hoạt động kinh doanh lỗ nặng còn đẩy SMC phải tái cấu trúc nhiều tài sản khác, bao gồm chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê tại Khu công nghiệp Tân Tạo A với giá dự kiến 126 tỷ đồng, hay quyền sử dụng đất tại SMC Bình Dương...

Doanh nghiệp bất động sản cơ cấu tài sản

Doanh nghiệp bất động cũng phải mạnh tay cơ cấu tài sản trong thời gian qua. Cái tên mới nhất là Đầu tư LDG (Mã: LDG) khi muốn bán các dự án để trả các khoản nợ và đảm bảo dòng tiền, không chỉ phía công ty mà ban lãnh đạo cũng phải dùng tài sản cá nhân để bù đắp dòng tiền. 

Các dự án mà LDG dự định tái cơ cấu bao gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt – Sơn Trà (Đà Nẵng) có quy mô đến 29 ha với vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, một dự án chiến lược của doanh nghiệp. LDG cũng đang tìm đối tác để bán dự án Khu chung cư lô C1 tại Bình Dương và các tài sản, dự án khác.

Hay Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX)mới đây đưa ra định hướng tiếp tục tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng một số dự án. Động thái diễn ra sau khi doanh nghiệp đã bán lại phần góp vốn tại một phần dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập hay bán sỉ dự án tại Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Ninh để xử lý nợ…

Lãnh đạo Hải Phát giải thích hành động bán tài sản bởi đang gặp khó khăn về dòng tiền, công ty không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu và vẫn còn một số khoản nợ.

Trước đó cũng có nhiều công ty bất động phải bán lượng lớn tài sản có thể kể đến Novaland chuyển nhượng một số dự án và bán mảng F&B, Sunshine Homes đã phải chuyển nhượng cổ phần tại 4 công ty thành viên, Lãnh đạo Phát Đạt từng chia sẻ phải bán rẻ các tài sản trị giá đến 3.000 tỷ đồng...   

Tín hiệu ấm dần

Các hoạt động tái cơ cấu bắt đầu mang lại một số tín hiệu tốt dần. Lãnh đạo Hải Phát nói 2024 sẽ tập trung cân đối dòng tiền và thu xếp vốn thực hiện các dự án; cân đối nguồn để nộp thuế, trả nợ gốc và lãi các gói trái phiếu, tín dụng đến hạn.  

Công ty bất động sản còn tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mới với quỹ đất sạch tại các tỉnh thành để có thể đưa vào kinh doanh từ cuối năm 2024, đồng thời tập trung giải quyết các dự án hiện hữu đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý để sớm triển khai thực hiện. 

Hải Phát cũng khắc phục xong các nghĩa vụ, đảm bảo đủ điều kiện để cổ phiếu được giao dịch trở lại. Công ty đề nghị cho phép đưa cổ phiếu HPX được giao dịch trở lại sau khi bị đình chỉ từ ngày 18/9/2023 đến nay.

Tương tự, lãnh đạo Angimex cho biết trong suốt hơn 6 tháng kể từ ngày bị đình chỉ giao dịch đã tuân thủ đúng quy định về công bố thông tin và không để xảy ra sai phạm nào khác, qua đó đề nghị cơ quan quản lý xem xét đưa cổ phiếu AGM ra khỏi diện đình chỉ giao dịch để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu và nhận được cơ hội đầu tư mới của nhà đầu tư chiến lược.      

Sau các đợt cơ cấu nợ và dự kiến bán tài sản, Angimex đã đề ra kế hoạch kinh doanh khả quan hơn với doanh thu tăng mạnh 2.854 tỷ đồng, gấp 3,5 lần và sẽ có lãi trước thuế 27 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn