Thêm nhiều lĩnh vực hợp tác mới giữa Việt Nam và Đức
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đều vượt kế hoạch là kết quả mà Ban lãnh đạo Công ty cổ phần PVI vui mừng thông báo tại buổi làm việc đầu tuần này với các cổ đông lớn là đại diện Tập đoàn Talanx và HDI Global SE.
“Sự hợp tác và đầu tư giữa Talanx/HDI và Petrovietnam vào PVI là ‘mối lương duyên tốt đẹp’ giữa doanh nghiệp hai nước, không chỉ đem lại kết quả tích cực cho cả hai bên, mà còn là một mô hình hợp tác đầu tư hiệu quả giữa Việt Nam và Đức”, lãnh đạo PVI cho hay.
Trong nhiều năm, Đức luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam hiện là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch hai nước năm 2023 đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua.
Đến cuối năm 2023, Đức có 463 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,68 tỷ USD, đứng thứ 17/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ tư trong các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia như Siemens, B. Braun, Messer, Mercedes-Benz, Bilfinger, Bosch, Deutsche Bank, Allianz...
“Mối quan hệ kinh tế của hai nước đã phát triển trong những năm qua và tiềm năng phát triển còn rất mạnh mẽ. Đi cùng với tôi trong chuyến thăm Việt Nam lần này còn có một phái đoàn rất đông đảo các doanh nghiệp Đức, trong đó một số doanh nghiệp đã củng cố vị thế của họ ở đây, một số khác đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam”, Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí mà ông đồng chủ trì cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Tổng thống Đức khẳng định, Việt Nam là đối tác kinh tế tin cậy, mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam, nhất là về đầu tư. Ngoài ra, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau.
Hai nước sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, pháp luật, quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, di cư, lao động có kỹ năng, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa trên cơ sở phù hợp với tiềm năng và lợi ích hai nước.
Theo GS-TSKH. Nguyễn Xuân Thính, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi nguồn lực lao động chất lượng cao là những lĩnh vực có tiềm năng lớn mà hai bên cần khai thác sâu rộng, tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Một lĩnh vực khác cũng thu hút sự chú ý của truyền thông trong chuyến thăm Việt Nam là hợp tác về lao động có tay nghề. Đây đang là vấn đề cấp bách, liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Đức.
Ngày 23/6/2023, Quốc hội Đức đã thông qua luật nhập cư mới, theo đó giảm yêu cầu đối với những người muốn xin nhập cư, dựa theo trình độ chuyên môn, tuổi tác và kỹ năng ngôn ngữ. Đây là một phần của kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư, nhằm nhanh chóng bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt chưa từng có đang đè nặng lên nền kinh tế đầu tàu châu Âu này. Đây cũng là cơ hội để các nước như Việt Nam tiếp cận các tài nguyên, trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm từ những nước phát triển như Đức để phục vụ việc xây dựng, phát triển đất nước.
“Đức có nhu cầu lớn về lao động lành nghề và tôi rất vui khi Việt Nam đã sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực này”, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier cho hay. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước về lao động di cư vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức ký kết được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong quan hệ hai nước thời gian tới.
Xem thêm tại baodautu.vn