Thép Nam Kim khởi động dự án ở Chu Lai; Vinalink nói gì về Amazon; HAGL nhờ chuối

Xi măng VICEM Bút Sơn đặt mục tiêu có lãi

Sau 2 năm lỗ tổng cộng gần 300 tỷ đồng, CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn đặt mục tiêu kinh doanh 2025 khả quan với lãi ròng hơn 29 tỷ đồng, dù nhận định thị trường xi măng tiếp tục gặp khó.

Trong năm 2025, VICEM Bút Sơn dự chi đầu tư xây dựng gần 514 tỷ đồng

VICEM Bút Sơn  dự báo năm 2025, nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục tăng khoảng 124,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu dự kiến khoảng 62,5-63,5 triệu tấn, cung ngày càng vượt xa cầu.

Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao, các công ty cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Đối với thị trường xuất khẩu, VICEM Bút Sơn dự báo xi măng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi một số quốc gia tăng rào cản thương mại. Đồng thời, phải cạnh tranh với nguồn cung dư thừa từ Indonesia, Thái Lan với giá bán và chi phí vận chuyển thấp.

Tuy vậy, VICEM Bút Sơn lên kế hoạch kinh doanh đầy khả quan trong năm 2025 sau 2 năm thua lỗ trước đó, với tổng doanh thu hơn 2.794 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện 2024 và lãi sau thuế hơn 29 tỷ đồng, năm trước lỗ gần 202 tỷ đồng - mức lỗ nặng nhất sau hơn thập kỷ. Năm 2023, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng.

Về sản lượng, Công ty đặt mục tiêu sản xuất clinker hơn 2,5 triệu tấn, nhưng tiêu thụ chỉ 300 ngàn tấn và phấn đấu tiêu thụ hết hơn 3 triệu tấn xi măng dự kiến sản xuất trong năm nay.

Trong năm 2025, VICEM Bút Sơn dự chi đầu tư xây dựng gần 514 tỷ đồng, chủ yếu dành cho các dự án chuẩn bị đầu tư, như Dự án các mỏ sét Lạc Thủy Hòa Bình gần 230 tỷ đồng, Dự án cải tạo nâng công suất hệ thống nghiền xi măng dây chuyền 2 là 170 tỷ đồng...

Vinalink nói gì về quan hệ đặc biệt với Amazon

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Vũ Quốc Bảo, Tổng giám đốc CTCP Logistics Vinalink cho biết doanh nghiệp không đặt mục tiêu trở thành đối tác duy nhất của Amazon, mà hướng đến việc làm tốt nhất để trở thành lựa chọn ưu tiên.

Ông Vũ Quốc Bảo, Tổng giám đốc CTCP Logistics Vinalink (bên trái).

Theo ông Bảo, năm 2024, Vinalink đạt kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu 1.152 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế 59 tỷ đồng, tăng hơn 35%, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng đến 146%. 

Kết quả này đến từ việc tập trung khai thác 2 mảng chính là hàng consol truyền thống và dịch vụ FBA thông qua kênh thương mại điện tử Amazon, cùng với việc tối ưu các tuyến vận tải biển tại TPHCM và Hà Nội.

Từ tháng 7/2024, Vinalink chính thức kết nối trực tiếp hệ thống với Amazon thông qua chương trình SEND, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các nhà bán hàng Việt Nam. Dù doanh thu còn hạn chế do mới bắt đầu thâm nhập thị trường, Ban lãnh đạo kỳ vọng tỷ trọng đóng góp của chương trình này sẽ nhiều hơn trong năm nay.

"Amazon đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam và kỳ vọng chương trình SEND có thể chiếm đến 20% tổng sản lượng xuất khẩu qua nền tảng này trong năm 2025, so với mức 5-7% hiện nay”, ông Bảo chia sẻ.

Vì vậy, dù lợi nhuận giai đoạn đầu còn khiêm tốn, việc trở thành đối tác tích hợp trực tiếp với Amazon là bước tiến giúp nâng cao uy tín và thương hiệu Vinalink, từ đó tạo lợi thế khi làm việc với các đối tác trong ngành logistics quốc tế.

Dù hiện là đơn vị duy nhất phối hợp cùng Amazon trong chương trình SEND, Tổng giám đốc Vũ Quốc Bảo nhấn mạnh Vinalink luôn trong tâm thế không phải là bên duy nhất hợp tác với "gã khổng lồ" thương mại điện tử Mỹ, mà tập trung xây dựng năng lực để trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng và đối tác.

Về kế hoạch năm 2025, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.270 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 65 tỷ đồng. Ban lãnh đạo quyết định giữ nguyên mục tiêu bất chấp thị trường tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt từ thông tin áp thuế của Mỹ mới xuất hiện gần đây.

Ở mảng đầu tư, Vinalink đang trong quá trình mua lại một công ty phần mềm chuyên về logistics nhằm phục vụ vận hành nội bộ. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm duy trì lợi thế công nghệ, nhất là trong quá trình tích hợp hệ thống với Amazon.

Sao Ta không tin xảy ra kịch bản xấu nhất

Kịch bản xấu nhất là Mỹ giữ nguyên mức 46% áp thuế đối ứng cho Việt Nam có lẽ không xảy ra. Chủ tịch HĐTQ CTCP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực nhận định như vậy dù đây là vấn đề rất khó dự đoán chính xác, còn phụ thuộc vào phạm vi áp dụng thuế, cụ thể là áp cho toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam hay chỉ một số mặt hàng nhất định.

Trong quý 1/2025, Sao Ta và công ty con đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD.

Xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ khoảng 800 triệu USD, tức là chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Như vậy, nếu bị áp thuế, mức độ ảnh hưởng của ngành tôm không thể so sánh với các nhóm hàng lớn khác.

Hiện tại, đối thủ chính của Việt Nam là Ecuador, có lợi thế giá rất rẻ, nhưng lại không mạnh về chế biến sâu. Ngược lại, Thực phẩm Sao Ta tập trung vào các dòng sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao. Dù giá thành nuôi của Việt Nam cao hơn, nhưng sản phẩm chế biến vẫn có thị phần riêng.

Nhưng nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, khả năng cao là Sao Ta phải rút khỏi thị trường Mỹ.

Trong quý 1/2025, Sao Ta và công ty con đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD. Nếu tính cả lượng hàng đang chạy trong 40 ngày gần nhất thì con số có thể lên tới hơn 60 triệu USD. Việc xuất trước như vậy giúp Công ty phần nào giảm thiểu rủi ro nếu chính sách thuế thay đổi sau 90 ngày.

Trước khó khăn của thị trường Mỹ, ông Lực cho biết đang tăng cường thâm nhập các thị trường khác. Trong năm nay, Sao Ta tiếp tục đẩy mạnh các thị trường mới như Canada, hiện đã bắt đầu có đơn hàng xanh, và thị trường Australia, vốn có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe, đặc biệt là kiểm tra chất lượng như đốm trắng. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng đang có tiềm năng tăng sản lượng.

Về Trung Quốc, đây là thị trường tiềm năng số một, nhưng để thâm nhập, phải hội đủ điều kiện mà hiện tại Công ty vẫn chưa đạt.

Đặc biệt, thị trường nội địa hiện chỉ chiếm khoảng 2% doanh số, chủ yếu tiêu thụ hàng “lọc” từ xuất khẩu, ví dụ những sản phẩm có lỗi nhỏ như tôm bị rách đuôi, trầy vỏ… được phân phối cho các hệ thống chế biến trong nước. “Công ty không bỏ qua thị trường này, nhưng do quy định và thủ tục rất phức tạp, nên hiện chưa thể tập trung nhiều. Chúng tôi ưu tiên xuất khẩu trước, còn nội địa sẽ tính toán lại khi có cơ hội phù hợp”, ông Lực trao đổi với các cổ đông.

Hoàng Anh Gia Lai lãi lớn nhờ chuối

Theo BCTC hợp nhất quý I/2025, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có lãi ròng gần 341 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ; doanh thu thuần đạt gần 1.380 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai tăng chủ yếu do lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chuối tăng.

Về cơ cấu doanh thu, mảng trái cây chiếm hơn 1.000 tỷ đồng (tương đương 72% doanh thu), tăng 13%; mảng bán sản phẩm, hàng hóa đạt 311 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu bán heo chỉ ghi nhận 76 tỷ đồng, giảm mạnh 74%.

Lợi nhuận gộp theo đó tăng 13%, lên hơn 564 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 40,1% của cùng kỳ năm trước lên 40,9%.

Theo giải trình, lợi nhuận gộp tăng chủ yếu do lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chuối tăng. Song song đó, khoản lỗ từ hoạt động tài chính giảm 53 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay giảm do Tập đoàn đã trả được phần lớn dư nợ trái phiếu. Tập đoàn cũng đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Khoản lợi nhuận tích cực trong quý I/2025 giúp HAGL hạ lỗ lũy kế tính đến 31/3/2025 xuống còn gần 83 tỷ đồng, giảm 80% so với đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của HAG mở rộng 5% so với đầu năm, lên 23.479 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng gấp đôi, lên gần 316 tỷ đồng.

Liên quan chính sách thuế của Mỹ, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho biết HAGL không bị ảnh hưởng do mặt hàng chuối của HAGL chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty cũng hoàn toàn không xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Thép Nam Kim khởi động lại dự án Nhà máy Chu Lai

Công ty cổ phần Thép Nam Kim vừa công bố thông qua chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Ống Thép, do công ty trực thuộc là Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai làm chủ đầu tư.

Trong năm 2025, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tổng sản lượng 1,05 triệu tấn.

Dự án này có tên Nhà máy Ống Thép Nam Kim Chu Lai. Địa chỉ tại khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp, tỉnh Quảng Nam. Tổng công suất dự kiến 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 150 tỷ đồng.

Nhà máy ống thép này được Nam Kim đầu tư xây dựng vào cuối năm 2019. Để thực hiện dự án, Thép Nam Kim đã thành lập công ty con là Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai sở hữu 100% vốn, vốn điều lệ 68 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối năm 2023, Thép Nam Kim từng ban hành nghị quyết về việc chấm dứt hoạt động dự án này.

Năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ của công ty đạt hơn 1 triệu tấn, hoàn thành 102,3% kế hoạch đề ra. Trong đó, tiêu thụ tổng cộng 892.252 tấn sản phẩm tôn mạ và 130.542 tấn sản phẩm ống thép các loại. Công ty cũng đẩy mạnh việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đức… nhằm nâng cao năng suất.

Thị trường nước ngoài đóng góp tới 65% tổng sản lượng tiêu thụ. Nhờ đó, Nam Kim đã vượt 33% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024, đạt 558 tỷ đồng so với mục tiêu ban đầu là 420 tỷ đồng.

Trong năm 2025, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tổng sản lượng 1,05 triệu tấn; tổng doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, giảm 21,1% so với thực hiện trong năm 2024. Công ty sẽ không chi trả cổ tức cho năm 2024.

Ngoài việc khởi động lại nhà máy Ống Thép Nam Kim Chu Lai, Công ty sẽ thực hiện việc đầu tư, xây dựng dự án trọng điểm - Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ theo tiến độ đã đề ra.

Dự án Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Trong đó, cơ cấu vốn góp của Thép Nam Kim là 30% (tương đương khoảng 1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (tương đương khoảng 3.150 tỷ đồng).

Xem thêm tại baodautu.vn