Thép Tiến Lên tiếp tục lỡ hẹn gọi vốn

Sau khi không thể hoàn thành đợt chào bán 102,1 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) tiếp tục lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông trong năm 2023. Trong đó, Công ty dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán 112,32 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.123,2 tỷ đồng.

Thực tế, kể từ khi thông qua kế hoạch tiếp tục chào bán giữa tháng 4/2023 đến cuối năm 2023, cổ phiếu TLH chỉ giao dịch vùng từ 6.000 đồng đến 10.000 đồng/cổ phiếu. Tính tới ngày 1/2/2024, giá cổ phiếu TLH còn 8.030 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 19,7% so với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu TLH giao dịch dưới giá chào bán đặt ra nhiều hoài nghi về khả năng huy động vốn thành công. Và thực tế, đợt chào bán tỷ lệ 1:1 trong năm 2023 đã không được thực hiện. Bên cạnh trở ngại về giá cổ phiếu không hấp dẫn nhà đầu tư nộp thêm tiền vào doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của Thép Tiến Lên vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy sự thiếu ổn định.

Khi giá thép bắt đầu lao dốc mạnh nửa cuối năm 2022, Công ty báo cáo doanh thu tăng 14,6%, lên 5.324,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 98,3%, về 7,5 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 14,6% về chỉ còn 5,4% và ghi nhận lỗ kỷ lục 114,2 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Sau quý IV/2022 lỗ kỷ lục, Thép Tiến Lên đã có lãi trong 3 quý liên tiếp là quý I, II và III/2023 lần lượt với giá trị 6,28 tỷ đồng, 5,03 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2023, Công ty lại ghi nhận lỗ 12,5 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2023 ghi nhận lãi 4 tỷ đồng, giảm 46,7% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 4% so với kế hoạch lãi 100 tỷ đồng trong năm 2023.

Với việc kinh doanh lao dốc và thua lỗ trở lại, Thép Tiến Lên bắt đầu có dấu hiệu không thể “gồng” lỗ đầu tư chứng khoán như những năm trước, buộc phải tất toán danh mục đầu tư ngoài ngành dù thua lỗ lớn. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Công ty đã giảm giá trị đầu tư chứng khoán về 3,06 tỷ đồng (đầu năm đầu tư tới 105,6  tỷ đồng).

Trong đó, hàng loạt cổ phiếu đã bị bán ra toàn bộ như cổ phiếu IJC (đầu năm đầu tư 18,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng 11,2 tỷ đồng); cổ phiếu SHB (đầu năm đầu tư 23,5 tỷ đồng, trích lập dự phòng 13,5 tỷ đồng); cổ phiếu VIX (đầu năm đầu tư 21,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng 14,7 tỷ đồng) …

Việc cắt lỗ hoạt động ngoài ngành trong bối cảnh kinh doanh vẫn lao dốc trong năm 2023 đã giúp quỹ tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn của Thép Tiến Lên tăng 60% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 117,3 tỷ đồng, lên 312,9 tỷ đồng và chiếm 7,6% tổng tài sản.

Theo tìm hiểu, Thép Tiến Lên là một công ty thương mại, hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào diễn biến giá thép trong nước và thế giới, cùng nhu cầu trong nước. Trong đó, dữ liệu lịch sử cho thấy, với việc sở hữu tồn kho lên tới 2.413,4 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng tài sản, Thép Tiến Lên liên tục lãi lớn khi giá thép bật tăng cao, hoặc kinh doanh kém khả quan khi phải trích lập dự phòng do giá thép giảm.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, sản xuất thép của Việt Nam có thể tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế tăng do hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng giao thông lớn tăng mạnh…

SSI Research cũng kỳ vọng, lợi nhuận của các công ty thép sẽ tăng trưởng cao trong năm 2024 đến từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt tại những doanh nghiệp đầu ngành, biên lợi nhuận gộp cũng tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

Có thể thấy, năm 2024 được kỳ vọng là năm hồi phục tiếp theo của doanh nghiệp thép nói chung và Thép Tiến Lên nói riêng. Với việc sở hữu quá nửa tài sản là tồn kho, giá thép hồi phục sẽ ngay lập tức giúp tăng giá trị tồn kho mà Thép Tiến Lên đang sở hữu.

Xem thêm tại baodautu.vn