Ưu đãi đối với trái phiếu xanh

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh.

Bộ Tài chính đã ban hành chính sách ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán đối với trái phiếu xanh. Theo quy định tại Thông tư số 101/2021/TT-BTC, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ sau: đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, lưu ký chứng khoán.

Thí điểm trái phiếu chính phủ xanh
Ảnh minh họa

Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với các nguồn thu nhập phát sinh từ trái phiếu xanh, trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn.

Định nghĩa trái phiếu xanh

Khoản 1, Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường”.

Đối với trái phiếu chính quyền địa phương xanh, năm 2016, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam bắt đầu hình thành với việc TP. Hồ Chí Minh phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương kỳ hạn 15 năm để huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Trong đó, có 11 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường. Cũng trong năm 2016, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trong đó có 1 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, tháng 7/2022, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh tuân theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm.

Trong năm 2023, Ngân hàng BIDV cũng đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây.

Theo Ths. Lê Duy - Trường Đại học Thương mại, trái phiếu xanh đã được phát hành với mục tiêu tập trung vào các ngành, lĩnh vực liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu như: giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải. So với nhiều nước trên thế giới, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được triển khai chậm hơn.

Trái phiếu xanh sẽ là thị trường có tiềm năng lớn trong tương lai

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó mạnh mẽ với biến đổi khí hậu, trong đó có phát hành trái phiếu xanh. Thông qua phát hành trái phiếu xanh, nguồn vốn được huy động cho các doanh nghiệp đầu tư xanh, thúc đẩy ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng xanh hóa và hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thí điểm trái phiếu chính phủ xanh
Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng là hướng đi xanh.

Theo xu hướng phát triển của thế giới, trái phiếu xanh sẽ là thị trường có tiềm năng lớn trong tương lai. Về triển vọng trái phiếu xanh tại Việt Nam, theo Báo cáo Cơ hội đầu tư về khí hậu cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2030, Việt Nam có thể thu hút khoảng 753 tỷ USD đầu tư vào khí hậu, trong đó phần lớn (khoảng 571 tỷ USD) đầu tư cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể thu hút 59 tỷ USD, trong đó hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD vào các dự án thủy điện nhỏ. Khoảng 80 tỷ USD sẽ được đầu tư vào lĩnh vực công trình xanh.

Ths. Lê Duy cho rằng, bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được đánh giá hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn, đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung về trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế.

Do đó, thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam. Trong đó, cần kịp thời ban hành những văn bản pháp luật chuyên biệt về trái phiếu xanh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, nhà đầu tư tham gia thị trường.

Một số chuyên gia cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu xây dựng nghị định về trái phiếu xanh, bộ tiêu chuẩn xanh, kiểm soát công bố thông tin, sử dụng vốn, giám sát dự án, cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; các chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành…

Theo thông tin mới đây từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), về triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án phát hành thí điểm trái phiếu chính phủ xanh tại thị trường trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu chính phủ trên thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ khuyến khích các địa phương lựa chọn các dự án xanh để triển khai phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh. Đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường./.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh

Trong 2 năm 2023 - 2024, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế, làm tiền đề để phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới.