Thị giá lên đỉnh lịch sử, nhóm cổ đông lớn công ty chứng khoán FPT bán 3 triệu cổ phiếu trong 3 ngày
Cụ thể, theo thông báo, nhóm cổ đông của bà Nguyễn Thị Minh gồm bà Minh cùng 2 con gái Nguyễn Thị Thái Anh, Nguyễn Thị Thúy và con dâu Ngô Thị Thanh Ngân vừa hoàn tất bán ra cổ phiếu nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Trước ngày 13/03, nhóm này sở hữu hơn 17,2 triệu cổ phiếu FTS, tương đương tổng tỷ lệ hơn 8%. Trong đó bà Nguyễn Thị Minh nắm giữ nhiều nhất 10,47 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 4,8869%, tiếp theo là con gái Nguyễn Thị Thúy nắm giữ 6,5 triệu cổ phiếu tương đương 3,05%. Trong ngày 23,3 nhóm này bán ra 1,273 triệu cổ phiếu đưa tỷ lệ xuống còn 7,4%.
Tiếp đến ngày 15/3, nhóm này giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 6,62% tương ứng bán ra 1,66 triệu cổ phiếu.
Sau khi bán ra, bà Nguyễn Thị Minh giảm tỷ lệ sở hữu xuống hiện tại chỉ còn 3,56% tương đương với số cổ phiếu còn lại sau giao dịch là 7,6 triệu cổ phiếu.
Thị trường giai đoạn trên không ghi nhận giao dịch thỏa thuận ở cổ phiếu FTS, nên các giao dịch của nhóm bà Minh nhiều khả năng là khớp lệnh. Sau thông tin tăng vốn thị giá của FTS liên tiếp tăng mạnh và đạt đỉnh lịch sử vào phiên 15/3 với mức giá 64.000 đồng/cổ phiếu.
Chiếu theo thị giá 2 ngày 13 và 15/03 lần lượt là 62.800 đồng/cổ phiếu và 64.000 đồng/cổ phiếu, ước tính số tiền nhóm này thu về tương ứng gần 80 tỷ đồng và hơn 106 tỷ đồng, tổng cộng hơn 186 tỷ đồng.
Trước đó, Chứng khoán FPT đã phát hành tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều nội dung quan trọng. Đại hội được dự kiến tổ chức vào ngày 28/03/2024 tại Hà Nội.
Chứng khoán FPT đặt mục tiêu doanh thu và lãi trước thuế năm 2024 lần lượt ở mức 845 tỷ đồng và 420 tỷ đồng, giảm gần 8% và 18% so với thực hiện năm trước. Hệ số lãi trước thuế/vốn điều lệ rơi xuống gần 18%, từ mức 24% năm trước.
Kế hoạch trên được xây dựng dựa trên tình hình thực tế năm 2023 và dự báo về kinh tế trong và ngoài nước, cũng như thị trường chứng khoán năm 2024. Về kinh tế trong nước, FPTS cho rằng 2024 có thể là một năm sáng sủa hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Về thị trường chứng khoán, thanh khoản và điểm số năm 2024 kỳ vọng được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và việc Chính phủ tập trung vào các chính sách kích thích tăng trưởng. Tuy vậy, lo ngại biến động mạnh tỷ giá sẽ tác động tiêu cực đến thị trường; bên cạnh đó, kỳ vọng về hệ thống mới KRX có thể chính thức vận hành. Tuy nhiên, không có thêm sản phẩm mới, không có nhiều cổ phiếu mới được niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường; và cạnh tranh về phí giao dịch, lãi suất cho vay margin giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn trước.
FPTS cũng trình Đại hội đồng cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 858 tỷ đồng (tính theo mệnh giá). Tỷ lệ phát hành là 10:4 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 40 cổ phiếu mới).
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán, tối đa hơn 858 tỷ đồng.
FTS cũng dự kiến trình đại hội phương án phát hành ESOP năm 2024 cho cán bộ quản lý của Công ty. Số lượng dự kiến phát hành hơn 5,5 triệu cổ phiếu (gần 2,58% số lượng cổ phiếu đang lưu hành), giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn thực hiện do người lao động nộp tiền.
Cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm, được giải tỏa dần theo tỷ lệ: 50% số cổ phiếu sẽ được tự do chuyển nhượng sau 1 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành, 50% còn lại sau 2 năm kể từ ngày phát hành.
Nguồn vốn thu được hơn 55 tỷ đồng sẽ được cân đối bổ sung vốn vào hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.
Cả hai phương án trên đều dự kiến thực hiện vào quý 2-3/2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu thành công, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng từ hơn 2.145 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng.
Xem thêm tại vneconomy.vn