Thị trường bán lẻ khởi sắc, nhiều ông lớn đồng loạt báo lãi trong quý 1/2024

Tập đoàn Masan đạt doanh thu 18.855 tỷ đồng

Báo cáo tài chính quý 1/2024 của Tập đoàn Masan (mã ck: MSN) cho thấy, doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng nhẹ, ở mức 18.855 tỷ đồng. Trong quý 1/2024, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Masan ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 69,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Masan Consumer Holdings đạt doanh thu tăng 7,4% so với quý 1/2023 và mang lại biên lợi nhuận gộp 45,9% trong quý 1/2024. WinCommerce đạt doanh thu thuần tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn mạng lưới cửa hàng đạt mức tăng trưởng 5,7% so với quý 1/2023 về doanh số bán hàng like for like. Doanh thu của Masan MEATLife tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song đó, Masan đã hoàn tất thành công huy động vốn cổ phần 250 triệu USD từ Bain Capital vào ngày 22/4.

z2825632639103c209c7b2e652d77ef057a620157c2d61-16335936221501048393818-16337898460421969824725 (2) (1)

Kết thúc quý 1/2024, doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng nhẹ ở mức 18.855 tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số tăng gấp đôi so với của quý 4/2023. Đáng chú ý, Techcombank - công ty liên kết của Masan cũng đóng góp khoản thu 1.229 tỷ đồng vào doanh thu thuần của tập đoàn trong quý 1/2024. 

FPT Retail đạt doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng 

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã FRT), chủ chuỗi FPT shop và nhà thuốc Long Châu, vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu hợp nhất 9.042 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2023.  

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của FPT Retail được ghi nhận với nguồn thu chủ yếu từ chuỗi nhà thuốc Long Châu với hơn 5.530 tỷ đồng, chiếm tới 61% trong tổng doanh thu của đơn vị… Hết quý 1/2024, FPT Retail có 1.587 nhà thuốc Long Châu trên toàn quốc. Như vậy, mỗi nhà thuốc này thu bình quân gần 1,2 tỷ đồng/tháng trong quý đầu năm (khoảng 40 triệu đồng/ngày). 

Về hoạt động kinh doanh chuỗi FPT shop đã dần cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn. FPT Retail cho biết doanh thu chuỗi bán lẻ thiết bị ICT này giảm 21% xuống còn 3.583 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuỗi này đã giảm được lỗ xuống thấp nhất 5 quý gần đây vì dịch chuyển cơ cấu sản phẩm giúp lãi gộp tăng 3%, cũng như tiếp cận được nguồn vốn vay lãi thấp giúp chi phí tài chính giảm 50% so với cùng kỳ. 

Nhờ đó, FPT Retail đã có lãi hợp nhất trở lại khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý đầu năm 2024 khoảng 89 tỷ đồng, trong khi quý 4/2023, công ty lỗ hơn 97 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2024, FPT Retail đặt mục tiêu doanh thu 37.300 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và lãi trước thuế 125 tỷ đồng. 

Năm nay, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 400 cơ sở để nâng tổng số nhà thuốc của Long Châu vào cuối năm lên 1.900.  

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động khởi sắc với doanh thu đạt hơn 31.400 tỷ đồng 

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã cổ phiếu MWG - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xét theo chuỗi, tổng danh thu của chuỗi Thế giới Di động và chuỗi Điện Máy Xanh đạt 21.300 tỷ đồng, tăng 7% so với quý 1/2023, chiếm 67,8% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động. Đối với chuỗi Bách Hoá Xanh, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đem về 9.100 tỷ đồng doanh thu cho Thế Giới Di Động trong quý 1/2024, tăng tới 44% so với cùng kỳ. 

Theo đó, doanh thu bình quân/cửa hàng/tháng của chuỗi Bách Hoá Xanh đạt mức 1,8 tỷ đồng với động lực tăng trưởng doanh thu đến từ cả 2 ngành hàng thực phẩm tươi sống và tiêu dùng nhanh (FMCGs). Số lượt giao dịch trung bình đạt khoảng 500 hóa đơn/cửa hàng/ngày, tăng trưởng 40% và giá trị trung bình/hóa đơn tăng nhẹ so với cùng kỳ. 

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, Thế Giới Di Động ghi nhận mức lãi ròng 902 tỷ đồng, tăng gấp 43 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây của hãng bán lẻ này. 

Như vậy, sau quý đầu năm, Thế Giới Di Động đã hoàn thành 25% mục tiêu doanh thu và 37,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của Thế Giới Di Động tăng 5,7% so với thời điểm đầu năm, đạt 63.543 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu đến từ việc tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng tới 24,4%, đạt 30.244 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).

Trong khi đó, hàng tồn kho đã giảm 6%, còn gần 20.500 tỷ đồng. Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Thế Giới Di Động giảm 6% so với hồi đầu năm, còn 23.660 tỷ đồng; chủ yếu do vay ngắn hạn giảm.  

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn