Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ gắng gượng qua khó khăn

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết trong giai đoạn 10 năm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ luôn chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%. Tuy nhiên, năm 2023, tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ rất thấp, chỉ còn xấp xỉ 3%.

 “VẾT DẦU LOANG” BẢO HIỂM LIÊN KẾT ĐẦU TƯ KHIẾN TOÀN NGÀNH ĐIÊU ĐỨNG

“Trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng bình quân chung của thị trường phi nhân thọ thường gấp đôi tăng trưởng GDP, có khi cao hơn nhưng năm 2023 lại khác. Đa phần các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng trưởng âm. Đây là một cú sốc rất lớn khi gần như các doanh nghiệp bảo hiểm rơi vào khủng hoảng”, lãnh đạo ABIC trăn trở.

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), cho biết thị  trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam có 2 mảng chính, gồm (i) bảo hiểm con người, xe cơ giới; (ii) bảo hiểm tài sản, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo chuyên gia, bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư  không phải là sản phẩm bảo hiểm nhưng được đội lốt bảo hiểm. Nguy hiểm hơn khi nó đang gây nguy hại cả một ngành.

Lý giải chi tiết hơn về nguyên nhân suy giảm của mảng bảo hiểm phi nhân thọ, ông An cho biết trong giai đoạn Covid-19, các cơ quan chức năng quy định công ty bảo hiểm không bán các sản phẩm về sức khoẻ có liên quan đến Covid-19 nên phải tuân thủ. Những sản phẩm bảo hiểm về con người khác như bảo hiểm du lịch cũng không bán được do người dân không đi du lịch. Dịch bệnh dẫn đến phong toả trên toàn cầu, doanh nghiệp đóng cửa, ảnh hưởng tiêu cực tới các sản phẩm bảo hiểm hàng hoá. Chỉ còn bảo hiểm tài sản là vẫn bán được như máy móc, thiết bị, nhà xưởng...

Theo ông An, từ năm 2022 đến nay, nhu cầu mua bảo hiểm phi nhân thọ có tín hiệu phục hồi, các doanh nghiệp bắt đầu mua những gói bảo hiểm về sức khỏe hay về tài sản. Tuy nhiên, bảo hiểm hàng hóa vẫn chững lại, dẫn tới kết quả của các doanh nghiệp bảo hiểm không tăng trưởng so với thời kì trước Covid-19.

Cùng với tác động tiêu cực từ dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu truyền dẫn vào Việt Nam, nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết bảo hiểm phi nhân thọ phải hứng chịu thêm “cú bồi” từ khủng hoảng truyền thông nổ ra từ một số vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023. Đây chính là “vết dầu loang” làm bùng lên “cơn thịnh nộ” của dư luận xã hội. Khách hàng không còn phân biệt bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ, không phân biệt công ty nào, sản phẩm thế nào mà mặc nhiên có định kiến với toàn ngành bảo hiểm.

Theo các chuyên gia, xuất phát điểm của ngành bảo hiểm là hoạt động an sinh xã hội và chia sẻ rủi ro trong cộng đồng. Nếu tách nhỏ tất cả các cá nhân trong cộng đồng thành những thực thể độc lập thì mỗi người phải tự lo bảo vệ bản thân mình. Nhưng nếu gộp lại, liên kết lại với nhau thì sẽ có một cộng đồng chia sẻ rủi ro. Như vậy, bảo hiểm là sự bù đắp rủi ro giữa những người may mắn, khỏe mạnh cho số ít những người không may gặp rủi ro.

Tuy nhiên, khác với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thường có thời hạn trong 1 năm với giá trị nhỏ; các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kéo dài 10 – 20 năm hoặc hơn, số tiền bảo hiểm phải đóng bình quân mỗi năm là 20 – 30 triệu đồng, như vậy tổng giá trị phải đóng sẽ khoảng 300 – 500 triệu đồng. Đây là một con số rất lớn. Vì vậy, nếu không được tư vấn chuẩn chỉnh, khách hàng không thật sự hiểu các quyền lợi, điều kiện, điều khoản để tham gia trên tinh thần tự nguyện sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. 

Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nói với VnEconomy rằng thời gian qua, có một số ngân hàng đặt điều kiện giải ngân khoản vay bằng việc ép mua bảo hiểm nhân thọ. Thực trạng đó đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Có những người đang lợi dụng kênh bancassurance để đưa sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư vào. Đây không phải là sản phẩm bảo hiểm nhưng được đội lốt bảo hiểm và có thể gây nguy hại cho cả ngành.

Theo vị chuyên gia này, khi khách hàng không hiểu sản phẩm, năm đầu tiên ngân hàng bắt mua để giải ngân thì họ tham gia, nhưng năm thứ hai họ không tham gia nữa thì sẽ mất luôn toàn bộ quyền lợi của năm đầu. Như vậy, hoạt động bancassurance không còn mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội như nó vốn có nữa mà chỉ còn là công cụ để tăng thu phí cho ngân hàng.

NỖ LỰC VỰC DẬY NIỀM TIN THỊ TRƯỜNG

Tổng giám đốc ABIC kỳ vọng năm 2024, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể phục hồi từ đáy nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc tăng cường hoạt động đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng tư vấn cho các cán bộ tại ngân hàng, giúp khách hàng hiểu đúng, đủ về các sản phẩm bảo hiểm trước khi quyết định mua. Nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng, chủ động tra cứu thông tin, so sánh các sản phẩm và ra quyết định phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân.

"Năm 2022, chứng kiến những hậu quả nặng nề của đại dịch, số tiền ABIC chi trả cho khu vực tam nông lên đến hơn 800 tỷ đồng. Nếu như không có khoản tiền bồi thường này thì sẽ xảy ra một số vấn đề. Thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra để hỗ trợ cho người dân. Thứ hai, các tổ chức tín dụng có nguy cơ đối mặt với rủi ro nợ xấu. Thứ ba, nếu như các tổ chức tín dụng phát mãi tài sản của người dân, của khách hàng thì lại vô tình khiến bà con nông dân tái nghèo. Năm 2023, số tiền ABIC chi trả cho bà con tam nông cũng khoảng 700 tỷ đồng".

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc ABIC.

“Các công ty cũng nỗ lực truyền thông vai trò của bảo hiểm với khách hàng và xã hội, giúp mọi người hiểu và phân biệt rõ ràng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, hiểu được những đóng góp của ngành bảo hiểm với nền kinh tế hay sự an toàn khách hàng tham gia bảo hiểm”, CEO ABIC nói.

Theo bà Lê Thị Quỳnh Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI), tất cả các công ty bảo hiểm trên thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam có một đặc điểm chung là không có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc. Tức là toàn bộ phí mà khách hàng đóng vào trừ đi toàn bộ các chi phí vận hành thì phần còn lại gần như bằng 0. Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm đến từ hoạt động đầu tư. Tức là khi doanh nghiệp có doanh thu, dòng tiền thì đem đầu tư và lợi nhuận sinh ra trong hoạt động đầu tư đó.

Bà Hoa cho biết trong các dòng sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ phân phối qua kênh bancassurance, có những sản phẩm vừa bảo vệ cho khách hàng lại vừa giúp ngân hàng phòng ngừa rủi ro nợ xấu, từ đó góp phần đảm bảo an toàn hoạt động, tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những sản phẩm bảo vệ cho tài sản đảm bảo như xe cộ, nhà xưởng, tàu thuyền, máy móc, thiết bị và tính mạng của người đi vay cũng đồng thời bảo vệ an toàn cho nguồn vốn của ngân hàng khi xảy ra sự cố không mong muốn. "Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp khách hàng vay để mua xe ô tô cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ thường xuyên sử dụng xe đấy để làm vận tải và cái xe đó tạo  nguồn tiền để nuôi sống họ và gia đình họ hàng tháng. Thế nhưng khi rủi ro xảy ra thì họ bị tổn thất toàn bộ cái xe. Nếu không có bảo hiểm thì gia đình khách hàng không còn nguồn để duy trì hoạt động hàng tháng mà ngân hàng cũng không thu được nợ, dẫn đến phát sinh nợ xấu”,  bà Hoa nói

Theo đại diện ABIC, năm 2022, chứng kiến những hậu quả nặng nề của đại dịch, số tiền ABIC chi trả cho khu vực tam nông lên đến hơn 800 tỷ đồng. Nếu như không có khoản tiền bồi thường này thì sẽ xảy ra một số vấn đề.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra để hỗ trợ cho người dân.

Thứ hai,các tổ chức tín dụng có nguy cơ đối mặt với rủi ro nợ xấu.

Thứ ba, nếu như các tổ chức tín dụng phát mãi tài sản của người dân, của khách hàng thì lại vô tình khiến bà con nông dân tái nghèo. Năm 2023, số tiền ABIC chi trả cho bà con tam nông cũng khoảng 700 tỷ đồng.

Xem thêm tại vneconomy.vn