Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng

Bức tranh kinh doanh nhiều tăng trưởng

Vẫn còn doanh nghiệp chịu cảnh đi lùi về lợi nhuận. Chẳng hạn, tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước khi đạt hơn 52 tỷ đồng, nhưng do phải bù vào khoản lỗ của quý 1/2024 nên tính chung lợi nhuận 6 tháng lại giảm gần 37% và đạt gần 32 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 126.675 tỷ đồng, giảm 2,21% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.142 tỷ đồng, tăng 25,06% so với cùng kỳ năm 2023… Mặc dù doanh thu toàn ngành giảm nhẹ nhưng tính riêng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ thì con số khá khả quan, ước tăng 11,23% trong 6 tháng đầu năm 2024, trái ngược với mức giảm 9,8% của bảo hiểm nhân thọ.

Về phía các doanh nghiệp, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng cao với 2 con số. Như tại Tổng công ty Bảo hiểm PVI, tổng doanh thu đạt 12.016 tỷ đồng, tăng 65,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 502 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước – dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khối phi nhân thọ.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, PVI đã được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.300 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Đại diện PVI cho hay, việc tăng vốn điều lệ giúp nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; đồng thời giúp Bảo hiểm PVI từng bước vững chắc tham gia sâu vào thị trường bảo hiểm quốc tế. Ngoài ra, mức tăng trưởng cao còn nhờ PVI đã triển khai nhiều chương trình bảo hiểm mới qua các đối tác thương mại điện tử cùng các sản phẩm mới như bảo hiểm cứu hộ khẩn cấp ô tô, bảo hiểm sức khỏe bổ trợ…

Tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), 6 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.575 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; tổng lợi nhuận đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 đạt hơn 157 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 1.795 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 150 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023…

Tối ưu hoá kênh bán hàng, tập trung cho kênh số

Với những kết quả khả quan trong giai đoạn kinh doanh nửa đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đặt mục tiêu sớm về đích kế hoạch kinh doanh cả năm 2024. Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024 ước đạt 79.687 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo các chuyên gia, hiện mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng, khi nhiều công ty bảo hiểm tham gia vào thị trường, bao gồm cả những doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải tìm cách đưa ra những chiến lược, định hướng mới trên con đường phát triển.

Đại diện MIC cho biết, Công ty sẽ tiếp tục đa dạng, tối ưu hoá các kênh bán hàng dựa trên khai thác tối đa hệ sinh thái của MB Group, các ngân hàng, các tập đoàn lớn, các đối tác, khách hàng chiến lược. Đặc biệt sẽ tập trung đẩy mạnh bán hàng qua kênh số thông qua việc phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, số hoá hoàn toàn quá trình bán hàng qua kênh số từ khâu tìm kiếm, sàng lọc khách hàng đến khâu bồi thường, tái tục… Tương tự tại PVI, ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử và môi giới; mở rộng thị trường quốc tế nhằm phát triển quy mô doanh thu nhận tái bảo hiểm; thu xếp các hợp đồng tái bảo hiểm mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm…

Hơn nữa, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, sự tham gia của các “cổ đông ngoại” đang được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho kết quả kinh doanh khả quan hơn. Chẳng hạn, Bảo hiểm DBI thuộc Tập đoàn DB (Hàn Quốc) hiện đang nắm giữ 75% vốn điều lệ tại BSH và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) cùng 35% vốn điều lệ tại PVI, qua đó không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà còn chia sẻ kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến và chiến lược phát triển. Minh chứng là 6 tháng đầu năm 2024, VNI đã ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc đạt gần 1.385 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% so với cùng kỳ năm trước và gấp 2 lần tăng trưởng chung toàn thị trường, giúp lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2024 của VNI tăng trưởng 161,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại BSH, sự tham gia của cổ đông chiến lược ngoại cũng đang được kỳ vọng giúp công ty lấy lại đà tăng trưởng, tạo đòn bẩy giúp BSH mở rộng thị trường đồng thời thúc đẩy năng lực phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ…

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn tăng cường hợp tác với nhau để liên kết thành "sức mạnh" nhằm đáp ứng những hợp đồng và yêu cầu cao từ khách hàng. Đầu tháng 7/2024 vừa qua, liên danh các nhà bảo hiểm, đứng đầu là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cùng các Công ty PVI, BSH và VNI đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn HBRE cung cấp dịch vụ bảo hiểm dự án điện gió ngoài khơi xa bờ đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ USD tại Vũng Tàu.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn