Thị trường chìm trong sắc đỏ, cặp đôi HAG-HNG vẫn tạo sóng lớn

Phiên giao dịch khá ảm đạm của chỉ số khi thị trường tiến vào trạng thái thận trọng khi các ngưỡng cản mạnh đang ở phía trước. Nhà đầu tư chậm lại ở nhóm bluechip khiến VN-Index trồi sụt nhẹ quanh ngưỡng 1.175 điểm cho đến khi đóng cửa.

Điểm nhấn chỉ đến từ một vài cổ phiếu có tính đầu cơ cao, với tâm điểm là cặp đôi HAG-HNG, cũng như các mã có câu chuyện riêng là PSH, TVB, PET, FIR.

Đóng cửa, sàn HOSE có 164 mã tăng và 313 mã giảm, VN-Index giảm 5,36 điểm (-0,45%), xuống 1.177,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 683,7 triệu đơn vị, giá trị 15.114,5 tỷ đồng, giảm hơn 23% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 83,1 triệu đơn vị, giá trị 2.157,4 tỷ đồng.

Nhóm trụ cột ít thay đổi so với cuối phiên sáng, với HPG, PLX, STB, BCM, TCB tăng nhẹ, nhích 0,2% đến 1,4%.

Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, với biên độ giảm tuy có gia tăng nhưng không đáng kể, với MWG giảm mạnh nhất cũng chỉ -1,6% xuống 45.400 đồng, VHM -1,5% xuống 42.350 đồng, giảm hơn 1% cũng chỉ còn BVH, SAB và CTG.

Thanh khoản trong nhóm SHB dẫn đầu và lớn nhất sàn khi có hơn 31 triệu đơn vị và cổ phiếu này giảm nhẹ 0,4% xuống 12.100 đồng, theo sau là STB và HPG với 17,9 triệu và 21,6 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, như đã đề cập với cặp đôi HAG-HNG hút dòng tiền đầu cơ và tăng mạnh. Trong đó, HNG tăng kịch trần +6,9% lên 4.950 đồng, khớp 8,27 triệu đơn vị, còn HAG +4,64% lên 14.650 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 22,1 triệu đơn vị.

Những mã khác như PSH, TVB, HCD, TNI và tân binh QNP cũng đã chạm giá trần khi kết phiên, với PSH có thông tin đáng chú ý về việc nhận được cam kết về khoản tài trợ 650 triệu USD từ quỹ đầu tư Acuity Funding (Autralia) để đầu tư xây dựng phát triển kinh doanh xăng dầu.

Đối với TVB, cổ phiếu này đã có bốn phiên liên tiếp tăng kịch trần, sau khi được giao dịch toàn thời gian trở lại trong các phiên với quyết định từ HOSE chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang kiểm soát kể từ ngày 19/1.

Cổ phiếu HCD cũng có cho mình hai phiên liên tiếp gần nhất tăng trần, sau khi báo cáo lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt hơn 22,6 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Những cổ phiếu khác có mức tăng tích cực đa phần cũng là các cổ phiếu nhỏ như TTF, APG, PVD, PNJ, YEG, SBG, TIP, ST8, DLG, nhích từ 2,3% đến hơn 4%.

Ở chiều ngược lại, không nhiều cổ phiếu giảm sâu, nhưng một số cái tên vẫn chịu sức ép lớn như FET -3,6% xuống 25.500 đồng, khớp 1,65 triệu đơn vị, FIR thoát giá sàn nhưng còn giảm khá mạnh -3,4% xuống 10.000 đồng, khớp 7,71 triệu đơn vị - mức cao nhất từ trước đến nay.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index hồi phục dần trong phiên chiều, nhưng khi vừa chạm tham chiếu đã bị đẩy ngược trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,22%), xuống 229,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,4 triệu đơn vị, giá trị 984 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,46 triệu đơn vị, giá trị 177,4 tỷ đồng.

Tương tự sàn HOSE, khi một số mã nhỏ trên HNX hoạt động vượt trội với KSQ, VHE tăng kịch trần lên 2.400 đồng và 3.100 đồng. Các mã khác như LAS, TIG, DXP, MST cũng có phiên tăng tốt với mức tăng 3-4%.

Các cổ phiếu khác biến động nhẹ, với SHS, CEO, HUT, IDC giảm nhẹ, trong khi MBS, MBG, GKM, PVC, TTH tăng nhẹ. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 17,88 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tiếp tục đi xuống so với cuối phiên sáng, trước khi bật lên sau đó, nhưng chỉ đủ giúp chỉ số thu hẹp đà giảm và vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,31%), xuống 87,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,7 triệu đơn vị, giá trị 371,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,3 triệu đơn vị, giá trị 181,9 tỷ đồng.

Các mã nhỏ trên UpCoM cũng thu hút dòng tiền trong phiên này, với BTN, DTI, HVA tăng kịch trần, với HVA nằm trong số những cổ phiếu khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 1,25 triệu đơn vị.

Các mã khác đa phần dao động nhẹ và đóng cửa ít thay đổi, với BSR +0,5% lên 18.800 đồng, thanh khoản cao nhất khi có hơn 2,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2402 mất 10 điểm, tương đương -0,84% xuống 1.184 điểm, khớp hơn 179.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã CSTB2322 và CSTB2306 khớp lệnh tốt nhất với 3,75 triệu và 2,19 triệu đơn vị, tăng lần lượt 2,5% lên 810 đồng/cq và 8,1% lên 1.600 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn