Chỉ số VN-Index đã lần lượt xuyên qua các mốc hỗ trợ và ngưỡng 1.250 điểm dù vẫn được giữ vững trong tuần trước nhưng diễn biến thị trường cho thấy khá mong manh khi lực mua chủ động chưa quay trở lại để tạo sự lan tỏa tích cực trên thị trường.
Và những gì không mong đợi rồi cũng đã đến. Chỉ số VN-Index đã dễ dàng thủng mốc 1.250 điểm trong phiên giao dịch sáng và tiếp tục trượt dài trong phiên chiều nay khi áp lực bán tiếp tục gia tăng và lan rộng thị trường.
VN-Index ngày càng rời xa mốc tham chiếu và khép lại phiên giao dịch ở vùng giá thấp nhất ngày, đồng thời cũng là mốc thấp nhất trong vòng 1 tháng qua, với thanh khoản chưa tới 13.500 tỷ đồng. Những lo ngại về việc chỉ số chung có thể dò đáy tại các vùng hỗ trợ sâu hơn, điển hình là 1.225 điểm đang ngày càng hiện hữu hơn.
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 312 mã giảm và chỉ còn 97 mã tăng, VN-Index giảm 12,45 điểm (-0,99%), xuống 1.239,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 608 triệu đơn vị, giá trị 13.485,25 tỷ đồng, tăng 26,14% về khối lượng và 20,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 13/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 154,4 triệu đơn vị, giá trị 2.935,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục giảm sâu khi có tới 25 mã giảm, chỉ duy nhất GVR tăng nhẹ 0,9% cùng 4 cổ phiếu ngân hàng là MBB, SSB, TCB, VIB giữ được mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu POW vẫn giảm sâu nhất với 3,9%, tiếp theo là các mã lớn gồm VHM giảm 2,9%, GAS giảm 2,3%, VRE giảm 2,1%, VIC giảm 2%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu AGM vẫn giữ sức nóng khi đóng cửa tại mức giá trần 3.960 đồng/CP và dư mua trần hơn 0,25 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, không có nhóm nào thoát khỏi sự điều chỉnh chung của thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một vài mã đơn lẻ ngược dòng thành công. Điển hình trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu NAB duy trì đà tịnh tiến trong phiên chiều và đóng cửa tăng 6,1% lên mức 17.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 7,5 triệu đơn vị. Đặc biệt trong phiên hôm nay, NAB cũng được khối ngoại gom mạnh với khối lượng mua ròng lên tới hơn 3,1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, TCB dù không giữ được sắc xanh khi kết phiên đứng giá tham chiếu nhưng giao dịch vẫn sôi động với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường, đạt 11,6 triệu đơn vị và cùng với NAB là các mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, cũng đạt hơn 3,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán và thép tiếp tục lùi sâu hơn. Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu HCM giảm 3,4% về mức thấp nhất trong ngày 28.200 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với 15,53 triệu đơn vị; tương tự VIX cũng giảm 2,2% về mức giá thấp nhất ngày 11.050 đồng/CP và khớp lệnh 12,15 triệu đơn vị; VND và SSI cũng tìm về vùng đáy trong phiên hôm nay…
Nhóm thép cũng diễn biến kém lạc quan với các mã HPG, HSG, NKG cùng giảm về mức thấp nhất trong ngày, trong khi mã nhỏ SMC tiếp tục trong trạng thái dư bán giá sàn.
Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong chiều với sức ép gia tăng từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Đóng cửa, sàn HNX có 58 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,68%) xuống 230,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,5 triệu đơn vị, giá trị 708,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,51 triệu đơn vị, giá trị 161,92 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 kết phiên giảm hơn 6 điểm khi có tới 20 mã giảm và chỉ còn 5 mã tăng, trong đó, bộ 3 cổ phiếu sôi động nhất nhóm và cũng dẫn đầu thanh khoản thị trường là SHS, TNG, CEO đều kết phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, SHS giảm 1,4% và khớp 4,11 triệu đơn vị, TNG giảm 3,1% và khớp 3,36 triệu đơn vị, CEO giảm 2% và khớp 2,59 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã MBS và PVS đều giảm hơn 1-2% với thanh khoản cùng đạt 1,84 triệu đơn vị.
Trong khi đó, điểm sáng vẫn dành cho một vài mã nhỏ. Điển hình là VHE và ITA trong trạng thái dư mua trần, với thanh khoản lần lượt đạt 2,37 triệu đơn vị và gần 1,2 triệu đơn vị; TIG tăng 1,5% và khớp 2,17 triệu đơn vị, IDJ tăng 3,2% và khớp 1,25 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index duy trì đà giảm trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,41%) xuống 92,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,14 triệu đơn vị, giá trị 330,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,22 triệu đơn vị, giá trị hơn 52 tỷ đồng.
Tương tự sàn HNX, một số mã vừa và nhỏ trên UPCoM cũng đã ngược dòng thị trường chung tỏa sáng như DGT tăng 4,5% và tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về thanh khoản với 1,67 triệu đơn vị khớp lệnh; HIO có thời điểm tăng trần và đóng cửa tăng 8,7%, DFF tăng 4,3%.
Cổ phiếu BSR vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 3,62 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 23.200 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2409 giảm 12,1 điểm, tương đương -0,9% xuống 1.282 điểm, khớp lệnh gần 168.580 đơn vị, khối lượng mở 44.600 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với CVRE2315 phiên này khớp lệnh tốt nhất khi có hơn 4,45 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 20 đồng/cq. Theo sau là CHPG2331 với 3,4 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 30% xuống 140 đồng/cq.