Thị trường chung giảm mạnh, một cổ phiếu vẫn tăng kịch trần 8 phiên liên tiếp dù lên kế hoạch lỗ năm 2023
Chốt phiên 18/8, thị giá EPC của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pốk tăng hết biên độ 15% lên 17.800 đồng/cp bất chấp thị trường chung giảm hơn 55 điểm. Phiên ngược dòng của EPC đánh dấu 8 phiên liên tiếp cổ phiếu này tăng kịch trần sau thời gian lình xình quanh tham chiếu.
Chỉ sau 8 phiên giao dịch trên, thị giá EPC cũng đã tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, mức giá này chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh cao đạt được hồi cuối năm ngoái. Dù vậy thanh khoản của mã này khá èo uột với vài trăm cổ phiếu, riêng phiên 17/8 khối lượng khớp lệnh đạt nghìn đơn vị.
Nhìn lại quá khứ, EPC cũng từng có thời gian “dậy sóng” thị trường với chuỗi chục phiên tăng kịch trần liên tiếp. Từ mức giá 8.600 đồng (12/9/2022), cổ phiếu này phi một mạch lên 54.900 đồng (10/10/2022), tương đương tăng 6 lần sau chưa đầy một tháng. Sau quãng tăng mạnh, cổ phiếu EPC cũng giảm sâu và lình xình quanh mệnh giá. Chỉ đến những phiên gần đây, cổ phiếu này mới bắt đầu nhịp tăng trở lại.
Cổ phiếu EPC tăng giá trong bối cảnh không thông tin hỗ trợ ngoài biến động cổ đông giữa tháng 5 vừa qua. Cụ thể, ngày 10/5, ông Ngô Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT đã bán 4 triệu cổ phiếu EPC để giảm tỷ lệ sở hữu từ 43,45% xuống còn 0,84% vốn.
Ngay sau đó, bà Nguyễn Thu Trang đã liên tiếp mua vào tổng cộng 2,3 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 24,5% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất của EPC.
Doanh nghiệp liên tục thua lỗ
Đáng chú ý, cổ phiếu EPC tăng mạnh trong bối cảnh KQKD của doanh nghiệp không có gì khởi sắc, thậm chí thua lỗ.
Theo tìm hiểu, EPC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước – Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cà phê và chăn nuôi bò. Công ty được thành lập từ năm 1976 với 100% vốn nhà nước, trên cơ sở trưng thu, tiếp quản các đồn điền của chế độ cũ. Đến năm 2018, công ty mới chính thức được chuyển đổi thành công ty cổ phần và giao dịch trên UPCoM.
Trong giai đoạn 2014 – 2018, công ty ghi nhận doanh thu dưới mức 60 tỷ đồng mỗi năm, hầu hết đến từ việc sản xuất và bán cà phê. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế thu về hằng năm chưa tới 3 tỷ đồng, nguyên nhân là giá vốn hàng bán lớn, chiếm trên 80% doanh thu thuần.
Đặc biệt, giai đoạn năm 2018 – 2021, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp càng trở nên ảm đạm khi liên tục thua lỗ. Mặc dù doanh thu giai đoạn này cải thiện nhờ giá bán cà phê tăng nhẹ, song lợi nhuận liên tục ghi nhận số âm, đỉnh điểm là năm 2021 EPC lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng.
Sang năm 2022, tình hình kinh doanh cũng không mấy khấm khá với doanh thu thuần đạt 24 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 11,5 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ cùng kỳ năm trước. Trong đó, hai ngành chủ lực của doanh nghiệp là cà phê và chăn nuôi đều hoạt động không mấy hiệu quả khi đều thua lỗ lần lượt 5 tỷ và gần 2 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu đạt gần 51 tỷ đồng, song tổng chi phí dự kiến lên đến gần 57 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp dự kiến lỗ trước thuế năm 2023 gần 6 tỷ đồng.
Xem thêm tại cafef.vn