Thị trường chứng khoán trong nước tuần cuối cùng của tháng 3 với biên động tương đối mạnh. Thị trường giảm mạnh phiên đầu tuần, nhưng lực hồi tốt đã giúp VN-Index lấy lại toàn bộ những gì đã mất phiên trước đó. Đà tăng được duy trì 2 phiên sau đó, trước khi điều chỉnh giảm trong phiên cuối tuần do áp lực chốt lời gia tăng.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.284,09 điểm, tăng nhẹ +2,29 điểm, tương ứng +0,18% so với tuần trước. Như vậy, chỉ số VN-Index đã có một tháng 3 tăng điểm khá tốt, tăng +31,36 điểm, tương đương tăng +2,5% so với cuối tháng 2. Thị trường chứng khoán trong nước cũng kết thúc quý đầu năm 2024 với đà tăng rất tốt, khi VN-Index tăng +13,64% so với cuối năm 2023.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm nhẹ. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại 242,58 điểm, tăng +0,37% so với cuối tuần trước. Như vậy, HNX-Index cũng kết thúc quý I/2024 tăng +4,99% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 91,57 điểm, tăng +068% so với tuần trước.
Thị trường chứng khoán trong tuần cũng chứng kiến mức độ phân hóa mạnh trong từng nhóm ngành. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hỗ trợ thị trường tăng điểm, nhưng cũng có sự phân hóa rất mạnh. Trong khi nhiều mã bank tăng giá nổi bật và thanh khoản tốt như: TCB (+5,90%), VPB (+5,05%), LPB (+4,46%), NAB (+3,42%)... thì cũng có nhiều mã điều chỉnh giảm khá mạnh như: BID (-3,87%), MSB (-3,32%), NVB (-1,85%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng phân hóa mạnh tương tự. Nhiều mã ngành này tăng rất mạnh như: VRC (+24,38%), QCG (+23,53%), VPH (+7,48%), NHA (+6,54%)... Trong khi đó, nhóm này cũng có những mã giảm nhẹ với thanh khoản không cao như: CSC (-3,80%), PXL (-3,45%), CEO (-2,97%)...
Cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, điển hình là nhóm chứng khoán cũng phân hóa. Đáng chú ý nhật là VND giảm mạnh nhất với -5,56%, với thanh khoản tăng cao do sự cố bị tin tặc tấn công và phải ngừng hoạt động giao dịch nguyên tuần. Trong khi đó, nhóm này vẫn có nhiều mã tăng giá tốt như: CSI (+6,06%), AGR (+5,69%), TVB (+4,21%), HCM (+3,15%)...
Các nhóm ngành khác, đa số biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản suy giảm khá mạnh trong tuần cuối tháng 3.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có thêm một tuần giao dịch kém tích cực. Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, với 4.563 tỷ đồng, nâng lũy kế bán ròng kể từ đầu năm lên 11.550 tỷ đồng. |
Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần giảm khá mạnh, tuy nhiên đây vẫn là một tuần có thanh khoản tốt nếu so sánh với tuần kỷ lục kế trước. Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong tuần đạt 27.460 tỷ đồng/phiên, giảm -18,6% so với tuần cao kỷ lục trước đó (33.178 tỷ đồng/phiên). Tính riêng trên HOSE, thanh khoản bình quân phiên vẫn tương đương con số “tỷ đô”, đạt 24.812 tỷ đồng/phiên, giảm -18,3% so với tuần trước.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có thêm một tuần giao dịch kém tích cực. Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, với 4.563 tỷ đồng, nâng lũy kế bán ròng kể từ đầu năm lên 11.550 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE, khi bán ròng tới 4.716 tỷ đồng, nâng lũy kế bán ròng trên sàn này lên 13.863 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng +37 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 115 tỷ đồng trên UPCoM.
Thị trường chứng khoán trong nước đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn về tình hình vĩ mô trong nước. Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm -0,23% so với tháng trước, tăng +1,12% so với tháng 12/2023 và tăng +3,97% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, CPI tăng +3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng +2,81%. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023.
Một thông tin được xem là khá tích cực trong tuần là FTSE Russell đã công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2. Việc xem xét nâng hạng sẽ được FTSE xem xét trong tháng 9/2024. Bên cạnh đó, trong tuần, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2024, trong đó có nhiều chỉ đạo quan trọng để phát triển thị trường. Nâng hạng thị trường chứng khoán cũng là một điểm nhấn rất mạnh mẽ trong kết luận này của Thủ tướng.
Thị trường chứng khoán đã trải qua một tuần với biến động tương đối mạnh. Chỉ số VN-Index giảm nhanh nhưng hồi phục cũng rất nhanh. Thị trường tăng điểm và vượt qua khá tốt áp lực chốt lời, cũng như chốt NAV quý I. Tuy vậy, nhìn tổng thể, chỉ số VN-Index vẫn đang trong khu vực có rung lắc mạnh bất thường khi tiệm cận cản mạnh 1.300 điểm.
"Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường vẫn đang vận động tích cực nhưng chưa vượt cản 1.300, vận động của thị trường hiện tại đang trong trạng thái sẵn sàng vượt cản bởi nền tích lũy đủ tin cậy, tuy nhiên vì ngưỡng 1.300 là ngưỡng cản mạnh nên rất có thể thị trường vẫn cần tích lũy thêm. Chúng tôi có quan điểm tích cực trong ngắn hạn ngay cả khi thị trường có thêm các phiên rung lắc và tích lũy thêm thì nhịp rung lắc tiếp theo mạng tính chất tăng cường tích lũy" - theo chuyên gia của SHS. |
Khối ngoại bán ròng dù không tác động quá nhiều lên thị trường song có thể khiến tâm lý nhà đầu tư nội thận trọng hơn. Thanh khoản dù giảm so với tuần kỷ lục nhưng không phải suy giảm quá nhiều. Hơn 27 nghìn đồng/phiên không phải là con số bi quan. Dòng tiền suy giảm sau tuần tăng mạnh cũng là dễ hiểu, hơn nữa, thanh khoản giảm có thể một phần do VNDIRECT dừng kết nối với thị trường chung cả tuần.
Nếu nhìn vào dòng tiền trong nước, thị trường vẫn có cơ hội để vận động tích cực để vượt cản mạnh 1.300 điểm của VN-Index. Tuy nhiên, sau đà tăng mạnh, thị trường có thể cần thêm thời gian để tích lũy. Nếu dòng tiền duy trì ở mức khá và chỉ số có thêm những phiên tích lũy thì đó có thể mới là diễn biến tích cực cho thị trường trung hạn.
Thị trường chứng khoán tuần tới có thể vẫn có những nhịp rung lắc và đi kèm là dòng tiền sẽ men theo tín hiệu của kết quả kinh doanh quý I dần được hé lộ, cũng như thông tin đưa ra trong mùa đại hội cổ đông 2024 của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là tín hiệu đến từ yếu tố cung – cầu. Lượng cung có thể gia tăng khi áp lực chốt lời là dễ tới sau chu kỳ tăng, nhưng quan trọng nhất là phân phối thế nào và lực cầu đến đâu. Nếu cung phân phối trải đều thì cầu sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Nếu bên bán tung hàng nhưng bên mua đối ứng thì rung lắc có thể lại tạo cơ hội cho tái cơ cấu danh mục trong giai đoạn mới./.