Thị trường chứng khoán chao đảo trước áp lực tỷ giá và lãi suất

VN-Index đang trong xu hướng giảm ngắn hạn dưới vùng kháng cự 1.250 điểm. (Ảnh: Vietnam+)
VN-Index đang trong xu hướng giảm ngắn hạn dưới vùng kháng cự 1.250 điểm. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với áp lực bán mạnh, đặc biệt trong hai phiên cuối tuần. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính đến từ áp lực tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng tăng cao và dòng vốn ngoại rút ròng.

Trong tuần, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm điểm, do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Theo đó, VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng và đang hướng đến vùng hỗ trợ sâu hơn. Sự biến động này đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà đầu tư về triển vọng thị trường trong thời gian tới.

Sau tuần giao dịch dao động hẹp quanh mốc 1.250 điểm trước đó, VN-Index chuyển sang xu thế giảm mạnh. Đặc biệt là trong hai phiên cuối tuần khi chỉ số không thể giữ được vùng hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, VN-Index hiện đóng cửa ở mức 1.218,57 điểm và giảm 2,71% so với tuần trước.

Giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)Giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ số công nghiệp Down Jones, S&P 500, Nasdaq đều giảm sau khi Mỹ công bố báo cáo về doanh số bán lẻ, cùng với bình luận của giới chức Fed về khả năng cắt giảm lãi suất.

Đáng lưu ý hơn, mặc dù thanh khoản thị trường tăng song lại mang tính chất tiêu cực. Cụ thể, khối lượng giao dịch trên sàn HoSE tăng 26,8%, chủ yếu do áp lực bán dâng lên và chiếm vị trí áp đảo. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, độ rộng thị trường nghiêng về hướng không có lợi với hầu hết các nhóm ngành đối mặt với nguy cơ điều chỉnh giảm. Ngoại trừ một số nhóm, như công nghệ thông tin và cảng-vận tải biển lội ngược dòng nước duy trì sắc xanh. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tếp tục động thái bán ròng mạnh trên sàn HoSE với giá trị xấp xỉ 4.402 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2411 cũng giảm 3,66% xuống còn 1.275,60 điểm, thấp hơn VN30 4,37 điểm. Các kỳ hạn xa hơn ghi nhận mức chênh lệch dương so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch tăng 27,42% so với tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên. Khối lượng mở (OI) tăng lên 64.319 hợp đồng, điều này đang cho thấy xu hướng gia tăng các vị thế nắm giữ.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), nhận định VN-Index đang trong xu hướng giảm ngắn hạn dưới vùng kháng cự 1.250 điểm. Theo đó, vùng hỗ trợ mạnh được xác định trong khoảng 1.200-1.210 điểm, tương ứng với vùng giá cao nhất của năm 2018 và đường xu hướng nối các vùng giá thấp nhất từ tháng 4 và 8/2024 cho đến nay. Bên cạnh đó, ông Nhật dự báo xu hướng trung hạn của VN-Index đang chuyển sang trạng thái tích lũy và chỉ có thể cải thiện khi vượt qua ngưỡng kháng cự 1.250 điểm.

Theo ông Nhật, áp lực bán mạnh lan rộng trên thị trường một phần do hoạt động bán ròng của khối ngoại, áp lực cắt lỗ và giảm tỷ lệ dư nợ ký quỹ của nhà đầu tư. Áp lực giảm dư nợ có thể kéo dài trong 3-4 phiên tới do tỷ lệ dư nợ cuối quý 2 ở mức cao, gần 240.000 tỷ đồng. Nhưng, ông Nhật cũng cho rằng thị trường đang ở trạng thái quá bán trong ngắn hạn và kỳ vọng VN30 sẽ phục hồi quanh vùng 1.260 điểm, tương ứng với VN-Index phục hồi ở vùng 1.200-1.210 điểm.

Trên cơ sở đó, ông Nhật nhận định mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vốn hóa toàn thị trường hiện ở mức khoảng 287 tỷ USD, tương đương 62% GDP năm 2024, là mức tương đối hấp dẫn so với quy mô nền kinh tế. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2025 vẫn ở mức 6,5-7%, ông Nhật khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân đối với các mã cổ phiếu cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng tích cực và kỳ vọng duy trì tăng trưởng trong thời gian tới.

Với quan điểm tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ ra thêm việc áp lực tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh của thị trường. Hơn nữa, chỉ số Dollar Index (DXY) tiếp tục leo thang cộng thêm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao đã gây sức ép lên tỷ giá VND, làm thu hẹp dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Hiện, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng và tỷ giá liên ngân hàng gần chạm mức đỉnh hồi giữa năm. Thêm vào đó, việc lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại trên 5% đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Minh chứng là diễn biến lao dốc của nhóm cổ phiếu nhạy cảm với tỷ giá và lãi suất như ngân hàng, chứng khoán và thép trong các phiên vừa qua.

Trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn gia tăng, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro danh mục. Trong đó, các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cao hoặc đang sử dụng đòn bẩy nên tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn nên hạn chế “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều./.

Xem thêm tại vietnamplus.vn