Thị trường chứng khoán Mỹ quý 1 rung chuyển vì kế hoạch thuế quan của ông Trump: S&P 500, Nasdaq ghi nhận quý tệ nhất 3 năm

Chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2025. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã ghi nhận quý có hiệu suất tệ nhất kể từ năm 2022.
Hai chỉ số này cũng chịu áp lực nặng nề trong tháng 3. Cả hai ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ tháng 12/2022. Nguyên nhân là do Tổng thống Donald Trump đưa ra hàng loạt mức thuế mới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc thương chiến toàn cầu có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao.
Trong quý 1, chỉ số S&P 500 giảm 4,6%, trong khi Nasdaq Composite lao dốc 10,5%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng không nằm ngoài xu hướng, giảm 1,3% trong ba tháng đầu năm.

Ba chỉ số chính trong quý 1/2025
Nhóm cổ phiếu công nghệ "Magnificent Seven" từng là động lực của thị trường trong suốt năm 2023 đến 2024 nay lại trở thành gánh nặng khi giới đầu tư mạnh tay bán tháo cổ phiếu tăng trưởng.
Phó chủ tịch chiến lược đầu tư Michael Reynolds tại Glenmede nhận định: "Bài học lớn nhất trong quý đầu tiên là chiến lược đa dạng hóa vẫn chưa lỗi thời. Nếu tránh được rủi ro từ sự tập trung quá mức vào một nhóm tài sản, danh mục đầu tư của bạn sẽ giữ vững phong độ tốt hơn nhiều so với các chỉ số chính".
Đầu tuần này, cả S&P 500 và Dow Jones tạm thời thoát khỏi áp lực từ kế hoạch thuế quan sắp tới của chính quyền Trump. Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ công bố chi tiết vào ngày 2/4.
Cuối tuần trước, ông Trump cho biết rằng các mức thuế mới sẽ áp dụng đối với mọi quốc gia. Trước đó, ông đã áp thuế quan đối với nhôm, thép, ô tô và tăng thuế với hàng hóa từ Trung Quốc.
Trong phiên giao dịch thứ Hai, S&P 500 tăng 30,91 điểm (0,55%) lên 5.611,85 điểm, Dow Jones tăng 417,86 điểm (1%) lên 42.001,76 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 23,70 điểm (0,14%) xuống 17.299,29 điểm.
Cổ phiếu tài chính đã nâng đỡ S&P 500 trong phiên. Cổ phiếu của Discover Financial Services và Capital One Financial lần lượt tăng 7,5% và 3,3% khi nhà đầu tư đặt cược rằng thương vụ sáp nhập giữa hai công ty này sẽ được cơ quan quản lý phê duyệt.
Chỉ số ngành hàng tiêu dùng thiết yếu của S&P 500 (thường được xem là kênh trú ẩn an toàn) dẫn đầu thị trường với mức tăng 1,6%. Ngành năng lượng cũng tăng theo đà tăng của giá dầu thô.
Thước đo tâm lý sợ hãi trên Phố Wall là chỉ số biến động CBOE VIX đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, đạt 22,28 điểm.
Tuần này, thị trường cũng sẽ tập trung vào các dữ liệu kinh tế quan trọng, bao gồm chỉ số hoạt động kinh doanh ISM và báo cáo việc làm phi nông nghiệp. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ theo dõi bài phát biểu của nhiều quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell.
Theo Reuters
Xem thêm tại cafef.vn