Thị trường chứng khoán nửa sau năm 2024: Sau cơn mưa trời lại sáng

Cập nhật triển vọng về thị trường chứng khoán cuối năm 2024 , Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng tốc mạnh với mức tăng ước tính 25% so với cùng kỳ. Với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kể trên, lợi tức của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục cải thiện ở mức vốn hóa hiện tại.

Thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên đầu tháng 8/2024 phản ứng tiêu cực theo xu hướng điều chỉnh của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Tốc độ điều chỉnh của chỉ số mạnh hơn so với bức tranh kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2024.

VDSC kỳ vọng, với việc điều chỉnh nhanh và mạnh, chủ yếu theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu thay vì phản ánh bức tranh kém khả quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại.

Hình 1: Đóng góp của các nhóm ngành vào tăng trưởng LNST so với cùng kỳ của VN-Index

Nguồn: VDSC
Nguồn: VDSC

Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt và kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2024 nói riêng và cả năm 2024 nói chung. 

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024, VDSC cho rằng, môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi.

Theo VDSC, cổ phiếu lựa chọn cho nửa cuối năm sẽ là cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản.

Ngoài ra, Dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.

Bên cạnh đó, mức chênh lệch lợi tức (E/P của thị trường chứng khoán so với lợi tức trái phiếu Chính phủ) hiện tại (4,53%) đang vượt khá xa so với mức trung bình 5 năm trở lại đây và nằm trong vùng có xác suất xảy ra khá thấp (7%).

VDSC cho rằng, trong dài hạn và trong điều kiện bình thường, mức chênh lệch này sẽ biến động quanh ngưỡng trung bình để phản ảnh phần bù rủi ro giữa các lớp tài sản. Biến động chênh lệch lợi tức vượt ngoài biên độ (1 độ lệch chuẩn) thường đến từ việc thị trường phản ứng thái quá với những cơn gió ngược và sẽ quay về đường trung bình khi những cơn gió ngược mang tính ngắn hạn đi qua. 

Vùng điểm hợp lý của VN-Index: 1.236-1.420 điểm

Theo VDSC, mức chênh lệch lợi tức trên 4,0% thường chỉ xảy ra khi có cơn gió ngược bất ngờ và thường qua đi nhanh chóng, giúp thị trường sớm tái cân bằng và phục hồi.

Do vậy, với tăng trưởng EPS 4 quý gần nhất (tính đến quý II/2024) là khoảng 10% so với lũy kế EPS 4 quý trước đó (tính đến quý IV/2023), thì vùng P/E hợp lý trong quý III/2024 của chỉ số có thể kỳ vọng là 14x – 15x (tương ứng mức chênh lệch lợi tức 3,5% – 4,0%), tương ứng vùng điểm VN Index giao dịch cân bằng là 1.237 – 1.325.

Hình 2: Độ nhạy của VN-Index dựa trên biến động P/E và kịch bản tăng trưởng lợi nhuận 4 quý liền kề so với thời điểm cuối quý IV/2023  

Nguồn: VDSC
Nguồn: VDSC

Xét về dài hạn, dựa vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (14%-18% so với cùng kỳ) và kịch bản P/E giao dịch trong vùng 13,5 - 15 lần, VDSC nhận định, vùng điểm hợp lý của VN-Index là 1.236-1.420, sau khi phản ánh tăng trưởng kết quả kinh doanh cả năm 2024 so với năm 2023.

Dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm 2024 khả năng vẫn sẽ là nhóm Ngân hàng. Bởi nhu cầu mở rộng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt mức mục tiêu 14%-15%. Đồng thời, quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối, hoạt động kinh tế phục hồi giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành và giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Ngoài ra, nhóm Bất động sản cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận trong nửa sau của năm dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ, khi các chủ đầu tư lớn như VHM, KDH hay NLG tập trung bàn giao sản phẩm đã mở bán từ trước. 

Đối với các nhóm ngành khác có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận, như: Hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, Bán lẻ, Hàng không sẽ là những điểm nhấn chính đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung khi triển vọng sản xuất công nghiệp tích cực, biên lợi nhuận cải thiện khi cuộc chiến giá đi đến hồi kết đối với lĩnh vực bán lẻ và chi phí nguyên liệu hạ nhiệt ở nhóm ngành hàng tiêu dùng.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn