Thị trường chứng khoán phái sinh: Phát huy vai trò phân tán và phòng ngừa rủi ro
Chủ trương phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam
Chủ trương xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tập trung được thể hiện lần đầu tiên tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020: “Xây dựng TTCK phái sinh chuẩn hóa theo hướng phát triển các công cụ từ đơn giản đến phức tạp” và được nhấn mạnh rõ hơn trong Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam: “Xây dựng TTCK phái sinh theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, không để TTCK phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự phát”.
Trên quan điểm phát triển TTCK phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, trong giai đoạn đầu vận hành, thị trường chỉ tập trung vào một số sản phẩm dễ thực hiện, phù hợp với nhu cầu thị trường và thông lệ quốc tế. Thống kê từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán thường được lựa chọn ưu tiên làm sản phẩm phái sinh tài chính cho việc xây dựng TTCK phái sinh. Ở Việt Nam, tại thời điểm khai trương, sản phẩm chứng khoán đầu tiên được đưa vào giao dịch là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Theo lộ trình phát triển TTCK phái sinh, sau khi triển khai thành công sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, năm 2019, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm và năm 2021, là Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.
Về cơ chế giao dịch, thanh toán, Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán được giao dịch tập trung trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Các giao dịch chứng khoán phái sinh được khớp lệnh trên hệ thống điện tử. Nhà đầu tư muốn mua bán một hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán thành viên thị trường giao dịch phái sinh, ký quỹ trước khi giao dịch và bổ sung ký quỹ khi cần thiết dựa trên kết quả định giá hàng ngày từ Trung tâm thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh.
Giao dịch chứng khoán phái sinh được thanh toán theo cơ chế bù trừ qua đối tác bù trừ trung tâm (CCP) để phòng ngừa rủi ro thanh toán. Theo đó, một giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi khớp lệnh trên hệ thống giao dịch sẽ được chuyển đến CCP để tính toán các vị thế trên tài khoản nhà đầu tư, hạch toán lãi/lỗ và ký quỹ. Trong bất cứ trường hợp nào liên quan đến mất khả năng thanh toán, CCP sẽ thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh thay cho khách hàng.
Kết quả sau 7 năm vận hành thị trường
Đến nay, sau 7 năm hoạt động, TTCK phái sinh được vận hành liên tục, ổn định và đạt nhiều kết quả về mọi mặt. Thị trường có bước tăng trưởng rất tốt, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.
Quy mô thị trường tăng bình quân 28,21%/năm
Tăng trưởng quy mô giao dịch hàng năm của TTCK phái sinh đạt bình quân 28,21%/năm trong giai đoạn từ năm 2018 đến cuối năm 2023. Đặc biệt, năm 2020 tăng 79,9% so với năm 2019 và năm 2022 tăng 44,03% so với năm 2021.
Hệ thống thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng liên tục đón nhận các thành viên mới, từ 7 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay hệ thống đã có 24 CTCK thành viên. Các CTCK thành viên này đều có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 900 tỷ đồng và đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.
Thanh khoản tăng gần 20 lần
Thanh khoản thị trường từng bước được cải thiện và đạt mức tăng đáng kể so với thời kỳ mới đi vào hoạt động. Với khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân 10.954 hợp đồng/phiên trong hơn 4 tháng giao dịch của năm đầu tiên khai trương thị trường, đến nay thanh khoản đã đạt mức 218.706 hợp đồng/phiên trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng gần 20 lần so với KLGD bình quân trong năm 2017, đặc biệt có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38,65%/năm trong giai đoạn 2018-2022.
Năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, thanh khoản thị trường giảm so với giai đoạn tăng trưởng mạnh trước đó, tuy nhiên đây vẫn là mức giao dịch bình quân tương đối cao, chỉ sau mức cao nhất trong năm 2022. Khối lượng hợp đồng mở (OI) đạt mức cao nhất là 71.190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/3/2023 và KLGD cao nhất đạt 647.457 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 25/10/2022. Trong số các sản phẩm đang niêm yết trên thị trường, sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 được nhà đầu tư quan tâm giao dịch nhiều nhất và giao dịch hợp đồng tương lai VN30 chiếm tới 99,95% KLGD toàn thị trường.
Tăng thị phần giao dịch nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài
Một điểm sáng trong quá trình phát triển của TTCK phái sinh, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của thị trường sau 7 năm hoạt động, đó là cơ cấu nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường đã có sự thay đổi theo hướng cân bằng hơn. Mặc dù, hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, tuy nhiên đã có sự dịch chuyển theo hướng giảm tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, tăng tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. Trong giai đoạn đầu của thị trường, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân. Tỉ trọng này đã giảm xuống còn khoảng 67% vào cuối năm 2023 và còn 63,15% vào cuối tháng 7/2024, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức chiếm 36,85%.
Sự tăng trưởng mạnh của TTCK phái sinh cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù sự tham gia giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài còn ở mức khiêm tốn nhưng có sự gia tăng hàng năm. Trong tháng 7/2024, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 3,02% tổng KLGD toàn thị trường so với mức 0,1% vào cuối năm 2017.
Phát huy vai trò phân tán và phòng ngừa rủi ro, vừa là kênh đầu tư hiệu quả
Với đặc thù có thể tất toán vị thế ngay trong phiên (T+0), cho phép bán khống (short sell) và đòn bẩy cao, sản phẩm này sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia, nhất là khi thị trường cổ phiếu cơ sở biến động tiêu cực, vì tạo ra cơ hội thu lời lớn cũng như giúp nhà đầu tư phòng vệ rủi ro cho cổ phiếu cơ sở.
TTCK phái sinh đã từng bước trở thành công cụ phân tán và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động. Khi thị trường cơ sở biến động mạnh, thì KLGD trên TTCK phái sinh tăng cao, cho dù biến động đó là tăng hay giảm. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, TTCK phái sinh còn góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở vì khi thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư thay vì phải bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở để quản trị rủi ro danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán (short) trên TTCK phái sinh.
Bên cạnh đó, chứng khoán phái sinh còn là một kênh đầu tư sinh lời quan trọng đối với các nhà đầu tư. Với lợi thế giao dịch 2 chiều và có thể mua, bán liên tục ngay trong phiên, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở giảm mạnh. Nhờ đó, TTCK phái sinh không ngừng thu hút nhà đầu tư mới đến với thị trường, qua thống kê cho thấy số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở mới của các nhà đầu tư liên tục tăng. Tính đến ngày 31/7/2024, trên TTCK phái sinh đã có hơn 1,7 triệu tài khoản, gấp 700 lần so với thời điểm mới khai trương thị trường.
Liên tục cải tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường
TTCK phái sinh cũng đã có những thay đổi, cải tiến để ngày càng hoàn thiện hơn. Trong năm 2022, TTCK phái sinh được áp dụng thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ ‘’là giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng” thành” là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục”.
Việc thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng giúp hạn chế tình trạng chênh lệch lớn giữa chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong các phiên đáo hạn. Tỷ lệ ký quỹ giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 cũng được điều chỉnh tăng từ 13% lên 17%, giúp hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 của thị trường an toàn hơn.
Có thể nói, TTCK phái sinh ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, đáp ứng một trong các điều kiện bắt buộc để TTCK Việt Nam được xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Định hướng phát triển TTCK phái sinh trong thời gian tới tiếp tục được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động TTCK nói chung và TTCK phái sinh nói riêng, trong đó phấn đấu TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20-30% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Để hoàn thành được mục tiêu này, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư đối với các sản phẩm phái sinh, theo kế hoạch, TTCK phái sinh sẽ có thêm các sản phẩm phái sinh mới, trong đó hợp đồng tương lai trên chỉ số mới (VN100) hiện đang được gấp rút triển khai và sẽ sớm được đưa vào giao dịch trên thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ và hợp đồng quyền chọn tiếp tục là các lựa chọn thích hợp để nghiên cứu và có kế hoạch bổ sung sản phẩm cho thị trường trong tương lai.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn