Tuần giao dịch biến động mạnh
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch biến động mạnh, thị trường chỉ có một phiên tăng điểm, còn 4 phiên giảm.
Trong tuần, chỉ số VN-Index đã có 2 phiên hướng đến mốc 1.300 điểm tuy nhiên cũng giống như những nỗ lực trước đó đều không mang lại thành quả và bị đẩy ngược về tham chiếu rồi giảm điểm. Áp lực bán đặc biệt tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần xóa tan hoàn toàn thành quả của cả tuần trước đó.
Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index giảm - 20,32 điểm (-1,57%) về mức 1,270.60 điểm. Áp lực bán tăng lên khi VN-Index hai lần chạm mốc 1.300 điểm khiến chỉ số điều chỉnh mạnh vào cuối tuần và không giữ vượt được vùng giá 1.280 điểm.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có tuần điều chỉnh giảm điểm. Theo đó, chỉ số HNX-Index kết tuần tại mốc 232,67 điểm, giảm -1,3 % so với tuần trước; trong khi chỉ số UPCoM-Index giảm -1,6%, về mức 92,37 điểm vào cuối tuần.
Các nhóm ngành lớn đều thu hẹp đáng kể đà tăng như ngân hàng, thép, hay thậm chí bất động sản, xây dựng còn đồng loạt giảm.
Ngân hàng tiếp tục là ngành hút dòng tiền trong tuần này với tỷ trọng áp đảo so với các ngành khác (28,8%), nhưng tỷ trọng này đã giảm từ mức đỉnh 31,1% của tuần trước. Ngược lại, tỷ trọng dòng tiền tăng ở bất động sản, chứng khoán, thép, bán lẻ, nuôi trồng hải sản; trong đó thép ghi nhận dòng tiền cải thiện (từ vùng đáy) tuần thứ 3 liên tiếp. |
Mặc dù đi ngược thị trường với mức tăng nhẹ, đà tăng về điểm số của ngân hàng, chứng khoán, thép cùng kém tích cực hơn so với tuần trước. Trong khi đó, bất động sản chịu áp lực bán mạnh với thanh khoản tăng và giá giảm sâu trên diện rộng.
Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho điểm số của thị trường tuần này là ngân hàng với các mã VPB (+1,27%), OCB (+6,22%), SSB (+2,94%), TPB (+2,07%), EIB (+0,54%)...
Ngoài nhóm ngân hàng, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như thép, tiêu biểu với HPG (+0,58%), HSG (+0,48%), TLH (+1,28%)... Nhóm chứng khoán giao dịch trong sắc xanh với ORS (+11,24%), BSI (+4,27%), DSE (+3,18%), VCI (+0,97%)... Nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực với PLX (+0,33%), PVD (+1,65%), PGD (+4,40%).
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường chứng khoán trong tuần vẫn được giữ ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên tính cả 3 sàn đạt 20.729 tỷ đồng/phiên. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 18.828 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tuần trước đó và tăng 24,5% so với trung bình 5 tuần gần nhất.
Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng giá trị là mua ròng 441,61 tỷ đồng, trong khi tuần trước từ 23-27/9 bán ròng 479,85 tỷ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của nhà đầu tư nước ngoài là nhóm dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin.
Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: TCB, FUEVFVND, FPT, VHM, MWG, VCB, SSI, VCI, ORS, PVD. Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm tài nguyên cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HPG, HDB, DPM, VRE, VPB, PLX, GMD, VND, VHC.
Khuyến cáo nhà đầu tư tỉnh táo khi quyết định giao dịch
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BETA cho rằng, giai đoạn hiện tại chỉ số VN-Index điều chỉnh mạnh sau chuỗi ngày tăng trưởng, nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh và tỉnh táo khi đưa ra quyết định giao dịch. Việc điều chỉnh này có thể là hệ quả của động thái chốt lời, đặc biệt sau khi thị trường đã tăng trưởng mạnh trước đó.
Tuy nhiên, đây không nhất thiết là dấu hiệu tiêu cực về dài hạn mà có thể chỉ là sự điều chỉnh cần thiết để thị trường tiếp tục phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu danh mục, chuyển hướng sang các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn và bền vững, có thể là chiến lược hợp lý. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát sao diễn biến từ khối ngoại. Việc khối ngoại tiếp tục mua ròng là tín hiệu tích cực, có thể giúp thị trường duy trì sự ổn định.
Thị trường chứng khoán tiếp tục “lỡ hẹn” với VN-Index 1.300 điểm, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE. Ảnh: T.L |
Còn chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS khuyến nghị, nhà đầu tư không nên mua đuổi cũng như giải ngân thêm do cần thêm các yếu tố kết quả kinh doanh, kinh tế vĩ mô, GDP quý III/2024. Các vị thế mua cần đánh giá cẩn trọng dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh, do đây không phải là vùng giá quá hấp dẫn. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, trường hợp tỷ trọng cao nên xem xét cơ cấu các mã chất lượng kém, hoặc đạt kỳ vọng ngắn hạn.
Đối với các tài khoản có tỷ trọng cổ phiếu dưới mức trung bình, dòng tiền mới vẫn có thể xem xét cân nhắc, gia tăng đối với các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương thời điểm VN-Index 1.250 điểm trước đây. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.
Các nhóm ngành lớn đều thu hẹp đáng kể đà tăng như ngân hàng, thép, hay thậm chí bất động sản, xây dựng còn đồng loạt giảm. Dẫu vậy, nhìn chung nhóm ngành tích cực nhất và giúp thị trường không giảm sâu hơn là ngân hàng, thậm chí một số phiên còn là động lực cho VN-Index thử thách lại ngưỡng 1.300 điểm.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị VN-Index tiếp tục có nến giảm nhưng biên độ nến nhỏ hơn, cùng khối lượng sụt giảm đáng kể so với phiên trước, cho thấy áp lực bán suy yếu đi. Do đó, có thể kỳ vọng đà giảm sẽ tiếp tục thu hẹp với vùng hỗ trợ 1266-1283 điểm hoặc 1250-1260 điểm.
Nhìn chung, diễn biến giao dịch tuần qua phản ánh sự điều chỉnh của thị trường sau giai đoạn tăng điểm. Theo đó, nhà đầu tư thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô và kết quả kinh doanh doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm có thể thu hút dòng tiền bắt đáy, tạo nền tảng cho sự phục hồi trung hạn. Tuy nhiên, các yếu tố bất định vẫn cần được theo dõi sát sao và việc lựa chọn các mã cổ phiếu chất lượng cao, có triển vọng tăng trưởng tốt sẽ là “chìa khóa” giúp nhà đầu tư ra quyết định đầu tư đúng đắn./.
Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn phương thức giao dịch ngắn hạn trong khoảng giá thay cho hoạt động nắm giữ dài hạn nhằm tận dụng các nhịp tăng giảm biên độ, theo đó cân nhắc chốt lãi khi VN-Index tiến đến 1.300 điểm và căn nhắc bắt đáy ở các nhịp chỉnh gần 1.200 điểm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên hạn chế sử dụng đòn bẩy khi xu hướng chưa rõ ràng và dòng tiền chưa tăng trưởng. |