Thị trường chứng khoán trong nước tuần 17 – 21/6 chủ yếu là diễn biến giằng co sau tuần biến động bất ngờ kế trước. Tuy nhiên, mức độ giằng co khá bé, khi tâm lý nhà đầu tư phần lớn là thận trọng sau phiên rời đỉnh 1.300 điểm trước đó. Dòng tiền cũng cho thấy sự thận trọng bao trùm khi thanh khoản không tăng, mặc dù thông lệ sẽ tăng khi có phiên đáo hạn phái sinh và tái cơ cấu danh mục của các quỹ. Dù lấy lại đà tăng trong tuần này, nhưng mức tăng của VN-Index tuần này có thể gọi là đi ngang.
Theo đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.282,02 điểm, chỉ tăng +2,11 điểm (+0,16%) so với phiên đóng cửa tuần trước. Chỉ số này có 3 phiên tăng, 2 phiên giảm trong tuần nhưng biên độ tăng/giảm rất nhỏ. Mặc dù bên bán không còn quá mạnh, nhưng bên mua cho thấy sự “hững hờ” nên không bên nào đủ lực để giúp thị trường mở biên độ lớn hơn.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có tuần tăng điểm trở lại, nhưng điểm nhấn của tuần xuất hiện ở sàn UPCoM. Theo đó, đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số HNX-Index đạt 244,36 điểm, tăng không đáng kể với +0,39 điểm (+0,16%) so với tuần trước. Trong khi đó, nhờ dòng tiền quan tâm tới nhóm nhỏ và vừa nên tuần qua sàn UPCoM khá sôi động. Chỉ số UPCoM-Index tăng tốt tới +2,58% so với trước, đóng cửa phiên cuối tuần tại 100,58 điểm. Đây cũng là một mốc quan trọng khi UPCoM-Index lâu rồi mới lấy lại mốc điểm có 3 chữ số.
Thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy sự phân hóa khá rõ giữa các ngành, trong đó, đáng chú ý là sự nổi bật của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ và cũng như một số mã mang tính riêng lẻ.
Theo đó, nhóm ngành nổi bật đóng góp cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán tuần này có thể kể đến nhóm viễn thông với các mã như: VGI (+9,7%), FOX (+1,92%), PIA (+15,79%).. Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến mức tăng nổi bật của một số mã trên sàn UPCoM như: MFS (+77,75%), ABC (+33,78%), TTN (+24,1%)...
Bên cạnh đó, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như: Nhóm dầu khí với sự tiêu biểu của PLX (+4,44%), OIL (+20,72%), POS (+17,15%)...; hay nhóm ô tô và phụ tùng cũng giao dịch tích cực với SVC (+9,47%), HAX (+2,64%), CTF (+4,05%), DRC (+0,44%)...; hay nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với FPT (+3,89%), CMG (+0,86%), ICT (+25,33%), ITD (+10,4%)...
“Xu hướng ngắn hạn VN-Index duy trì tích luỹ trong vùng 1.250 điểm - 1.300 điểm với điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên. Với diễn biến hiện tại VN-Index đang kỳ vọng vượt lên vùng giá 1.285 điểm, vùng giá cao nhất tháng 5/2024, hướng đến trở lại vùng kháng cự 1.295 điểm. Trường hợp kém tích cực VN-Index sẽ quay trở lại giao dịch trong vùng 1.250 điểm - 1.280 điểm” – SHS Research. |
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận sự “nhạt nhòa” của nhiều mã trụ hoặc cổ phiếu ngân hàng. Các cổ phiếu công ty chứng khoán cũng có tuần sụt giảm mạnh với SSI (-1,66%), VND (-9,24%), HCM (-2,6%), VIX (-3,85%)... Bên cạnh đó, đa số cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống có một tuần giao dịch giảm điểm, cụ thể là các trụ SAB (-3%), VNM (-0,3%), KDC (-4,11%), MSN (-2,31%)...
Thanh khoản thị trường chứng khoán tuần này mặc dù không giảm mạnh, nhưng có thấy sự thận trọng khá lớn của dòng tiền. Tuần này, thị trường chứng kiến cả hai sự kiện nổi bật là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6 và phiên tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, nhưng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường chỉ đạt 26.354 tỷ đồng/phiên, giảm -5,9% so với tuần trước. Thanh khoản giảm trên cả 3 sàn, trong đó sàn HOSE đạt 23.329 tỷ đồng/phiên, giảm -4,8%; sàn HNX giảm mạnh -24,3%, còn 1.437 tỷ đồng/phiên; còn UPCoM đạt 1.588 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ -0,3%.
Khối ngoại vẫn ghi nhận thêm một tuần giao dịch tiêu cực. Mặc dù giá trị có giảm, nhưng khối này vẫn bán ròng rất lớn, đạt -4.893 tỷ đồng trong tuần. Khối này bán ròng chủ yếu trên HOSE với -4.983 tỷ đồng và -55 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng +145 tỷ đồng trên UPCoM.
Thị trường chứng khoán tuần qua chủ yếu quan tâm nhiều hơn tới các thông tin trong nước. Quốc hội đã họp trở lại làm đợt 2 của Kỳ họp thứ 7 và thảo luận, thông qua nhiều nội dung, dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Một hoạt động quan trọng trong tuần qua là Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%.
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố số liệu tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 14/6 là +3,79%, và cho biết sẽ điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác với các ngân hàng không cho vay được. Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo NHNN làm việc ngay với các tổ chức tín dụng để hạ lãi suất cho vay và điều hành cung tiền phù hợp… Nhìn chung thị trường tiền tệ, vấn đề tỷ giá, thị trường tuần qua không có quá nhiều biến động và tác động mạnh tới thị trường chứng khoán.
“VN-Index tiếp tục giằng co trong phạm vi 1.279 – 1.288 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật duy trì trung tính. Dù vậy, chỉ số đã nâng vùng hỗ trợ lên trên 1.280 điểm, cho thấy tín hiệu tích cực nhẹ và khả năng sẽ dao động hướng lên vùng mục tiêu 1.292 điểm. Ngược lại, nếu không giữ được vùng 1.270, chỉ số VN-Index có thể diễn ra điều chỉnh ngắn hạn” – SSI Research. |
Như vậy, thị trường chứng khoán trong nước đã có một tuần diễn biến giằng co, đi ngang. Các yếu tố kỹ thuật vẫn chưa thay đổi nhiều so với tuần trước. Nhìn chung, thị trường đang cho thấy dấu hiệu tích lũy khá tốt. Những tín hiệu tích cực khi VN-Index trong tuần đã nhiều lần kiểm định lại mốc hỗ trợ mạnh quanh vùng 1.270 điểm và sau đó đều phục hồi lên lại vùng quanh 1.280 điểm.
Thị trường chứng khoán vẫn còn 1 tuần nữa mới trải qua hết tháng 6 không có quá nhiều thông tin có thể hỗ trợ thị trường. Thị trường tuần tới có thể cũng sẽ có sự phản ứng sớm của dòng thông tin về kết quả kinh tế vĩ mô, hay một doanh nghiệp hé lộ kết quả kinh doanh quý II. Tuy vậy, thông tin chính thức có thể sang đầu tuần sau sẽ rõ ràng hơn. Điều quan trọng cần lưu ý cho thị trường tuần sau là yếu tố cung – cầu. Thị trường đang cho thấy sự thận trọng khá lớn của dòng tiền lẫn tâm lý nhà đầu tư. Do vậy, thị trường cần những “cú” mở biên độ để kiểm định lại cung – cầu và từ đó kéo dòng tiền trở lại./.