Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam: Gojek rút lui, cuộc đua “tam hùng” thêm khốc liệt

Cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam ngày càng khốc liệt

Cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam ngày càng khốc liệt

Cuộc thanh lọc khốc liệt

Sau 6 năm gia nhập thị trường Việt Nam, ngày 16/9 tới, Gojek sẽ chính thức chia tay. Nguyên nhân của quyết định trên, theo Gojek, là “một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh, phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia).

Đồng thời, cho phép Công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn”.

Tuy nhiên, trên thực tế, Gojek kinh doanh không khả quan tại thị trường Việt Nam. Theo The Business Times (Singapore), Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II/2024.

Hai năm qua, thị phần của Gojek bị thu hẹp từ 30% xuống còn 7%. Các số liệu cho thấy, Gojek liên tiếp thua lỗ và đến cuối năm 2023 đã lỗ lũy kế gần 5.700 tỷ đồng.

Trước Gojek, tháng 12/2023, Baemin cũng phải chấp nhận thất bại và rời khỏi Việt Nam. Baemin gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2019 với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Woowa Brothers (Hàn Quốc).

Năm 2020, doanh thu của Baemin chỉ ở mức gần 441 tỷ đồng, sau đó tăng mạnh và đến năm 2022 cán mốc hơn 810 đồng. Tuy nhiên, do liên tục mở rộng thị trường không kiểm soát, nên Baemin lỗ sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng (giai đoạn 2020 - 2023), buộc phải dừng hoạt động sau 4 năm.

Xa hơn, năm 2018, Uber, gã khổng lồ công nghệ đến từ Mỹ, cũng rút khỏi Việt Nam sau khi bán mảng kinh doanh Đông Nam Á cho đối thủ Grab. Năm 2018, Uber toàn cầu thua lỗ 1,8 tỷ USD. Trước đó, khoản lỗ của Uber là 2,2 tỷ USD trong năm 2017. Tại thời điểm “chia tay”, Uber đã hoạt động tại Việt Nam được 4 năm và có khoảng 350.000 tài xế đối tác.

Suốt một thời gian dài, thị trường gọi xe công nghệ là “chiến trường” của các ông lớn trong và ngoài nước. Cuộc cạnh tranh về giá để giành thị phần đã khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, đuối dần, buộc phải ra đi, hoặc hoạt động trong tình cảnh thoi thóp. Các doanh nghiệp không chỉ đối đầu với nhau, mà còn phải cạnh tranh với các dịch vụ vận chuyển, giao hàng, bưu chính truyền thống và cả loại hình taxi điện mới.

Theo đánh giá của ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, thị trường gọi xe công nghệ vô cùng khốc liệt.

Cũng giống với thương mại điện tử, các doanh nghiệp “đổ xô” vào đầu tư, từ các doanh nghiệp lớn đến start-up. Trong khi đó, dung lượng thị trường có hạn, nên “miếng bánh” không còn hấp dẫn như trước. Do đó, việc Gojek rút khỏi Việt Nam cũng là bình thường.

Thị trường này chủ yếu cạnh tranh về giá, chưa kể, các đối thủ lớn sở hữu đa nền tảng, có nhiều sản phẩm đa dạng để khách hàng lựa chọn. Gojek rút không làm cho thị trường thay đổi, mà đã có các đối thủ khác sẵn sàng thay thế.

Cuộc đua “tam hùng”

Sau khi Gojek rút lui, thị trường gọi xe công nghệ Việt sẽ là cuộc cạnh tranh giữa 3 ông lớn Grab, Be và Xanh SM. Trong đó, Xanh SM là đối thủ đáng gờm nhất.

Xanh SM (Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh - GSM, thuộc Vingroup) gia nhập thị trường vào tháng 4/2023. Chỉ 7 tháng sau, đến cuối năm 2023, hãng này đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ô tô và 15.000 xe máy điện cùng gần 40.000 nhân sự. Trong năm đầu tiên, GSM đóng góp 18.969 tỷ đồng vào doanh thu của Vingroup, chủ yếu từ việc mua xe điện và sử dụng dịch vụ liên quan của VinFast.

Nửa đầu năm 2024, Xanh SM đóng góp 5.746 tỷ đồng doanh thu thông qua giao dịch bán hàng, tăng 2% so với cùng kỳ. Như vậy, kể từ khi thành lập, GSM đã đóng góp 24.715 tỷ đồng doanh thu cho Vingroup.

Đến cuối tháng 6/2024, GSM sở hữu hơn 30.000 taxi điện, có mặt tại 45 tỉnh, thành phố, hợp tác với hơn 35 doanh nghiệp đối tác và thu hút hàng ngàn tài xế, phục vụ hàng chục triệu khách hàng.

Đối thủ của Xanh SM là Grab vẫn duy trì vị thế dẫn đầu thị trường và đạt kết quả kinh doanh khá khả quan. Năm 2023, thị trường có sự xuất hiện của Xanh SM, nhưng Grab vẫn đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, lớn nhất trong mảng này tại Việt Nam. Các số liệu ghi nhận, đến năm 2023, Grab đã bắt đầu có lãi.

Đối thủ còn lại là Be Group vào đầu năm 2024 đã công bố gọi vốn thành công 739,5 tỷ đồng tài trợ mới từ Công ty Chứng khoán VPBank để mở rộng các dịch vụ gọi xe, giao hàng và tài chính, hướng tới mục tiêu phục vụ 20 triệu người dùng.

Be hiện có mạng lưới 300.000 tài xế ô tô và xe máy trên nền tảng, phục vụ 9 triệu người dùng trên 40 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Theo thông tin công bố, Be ghi nhận tăng trưởng gấp 5 lần về tổng giá trị hàng hóa được xử lý trên nền tảng từ năm 2021 đến năm 2023.

Theo báo cáo về “mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” do Q&Me thực hiện gần đây, thị phần của Grab tại Việt Nam vẫn lớn nhất, nhưng đang bị thu hẹp bởi sự phát triển mạnh mẽ của các hãng xe công nghệ Việt Nam. Grab hiện chiếm 42% thị phần, nhưng Be và Xanh SM đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với đối thủ, chiếm thị phần lần lượt là 32% và 19%.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ), thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 đạt quy mô 727,73 triệu USD; năm 2024 ước tính đạt 880 triệu USD và dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.

Có thể thấy, thị trường gọi xe công nghệ đang bước vào giai đoạn mới. Khi Gojek rút lui, các ứng dụng gọi xe khác co hẹp, cuộc đua của 3 “ông lớn” Grab, Xanh SM và Be sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất “rực lửa” hơn khi các bên đều có nguồn tài lực, công nghệ mạnh. Đặc biệt, cuộc “so tài” giữa Grab và Xanh SM hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn trong thời gian tới.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn