Thị trường hàng không bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định
Dự báo mới đây của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy thị trường hàng không Việt Nam nằm trong xu thế phục hồi chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ đạt mức phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019.
TÍN HIỆU TÍCH CỰC TỪ THỊ TRƯỜNG
Theo Kirin Capital, đi cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, số lượng khách quốc tế quay trở lại thị trường Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ. Kể từ khi chạm đáy với 540 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không trong năm 2021, đến hết năm 2023, số lượng khách quốc tế tới Việt Nam bằng đường hàng không đã “bùng nổ” và đạt mức 32 triệu lượt khách, chiếm 43,2% trên tổng số lượt khách.
Số liệu tại hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải cũng cho thấy sự phục hồi khá mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách bằng đường hàng không ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3% so cùng kỳ 2019.
Với sự gia tăng của số lượng khách quốc tế, mạng lưới đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam không ngừng mở rộng, hiện khai thác 98 đường bay thường lệ kết nối đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng thêm 6 đường bay mới so với mùa hè.
Hoạt động khai thác hàng không quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng tần suất chuyến bay đạt 2.720 chuyến khứ hồi/tuần. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines và Bamboo Airways đóng góp 1.013 chuyến/tuần, tăng 152 chuyến so với lịch bay mùa hè 2024.
Chỉ tính riêng Vietnam Airlines, đến thời điểm này, hãng đã khai thác trở lại hầu hết các đường bay quốc tế và liên tiếp mở thêm các đường bay mới như Hà Nội/TP.HCM - Munich (Đức), Hà Nội/ TP.HCM - Manila (Philippines), Hà Nội - Phnôm Pênh (Campuchia) và loạt đường bay nội địa như Đà Nẵng - Đà Lạt, Đà Nẵng - Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng - Cần Thơ. Đồng thời, Vietnam Airlines khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc.
Mới đây nhất, Vietjet Air cũng đã mở thêm chặng bay Hà Nội - Kuala Lumpur (Malaysia) nhằm đón bắt nhu cầu du lịch, giao thương và việc làm giữa người dân và doanh nghiệp hai nước đang gia tăng. Cùng với đó, hãng hàng không này cũng tiếp tục duy trì những chặng bay quốc tế trước đây.
Ba cảng hàng không lớn nhất là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng tiếp tục là những “đầu tàu” trong mạng lưới khai thác. Tại sân bay quốc tế Nội Bài, 4 hãng bay Việt và 44 hãng bay quốc tế đang khai thác tổng cộng 74 đường bay, đạt tần suất 897 chuyến/tuần.
Tương tự, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 81 đường bay quốc tế với 1.031 chuyến/tuần, tăng 100 chuyến so với mùa hè. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng dù quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn duy trì tần suất 364 chuyến/tuần trên 23 đường bay quốc tế.
Trong khi đó, ở mạng lưới đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam hiện khai thác 45 đường bay, kết nối 22 sân bay trên khắp cả nước. Mặc dù xu hướng “du lịch trả thù” khiến lượng khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm bằng hàng không không tăng tốc như kỳ vọng song tần suất các chuyến bay vẫn khá nhộn nhịp.
Đặc biệt, mặc dù chưa đến kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2025 nhưng tỷ lệ lấp đầy chỗ trên nhiều chuyến bay đã đạt trên 70%. Theo dự đoán của nhiều hãng hàng không, nhu cầu đi lại sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, tạo cơ hội lớn cho các hãng hàng không Việt Nam phát huy tiềm năng và vị thế.
Theo Kirin Capital, thị trường ngành hàng không Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các chính sách phát triển du lịch được triển khai bởi các địa phương và quốc gia. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng khai thác hiệu quả các tuyến đường bay, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng trong lĩnh vực hàng không trong thời gian tới. Do vậy, các hãng hàng không của Việt Nam cần chuẩn bị để nắm bắt những cơ hội này để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
CHUẨN BỊ ĐỂ "CẤT CÁNH"
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đánh giá trong thời gian tới ngành hàng không Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. “Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên lượng hành khách vẫn chưa tương xứng. Năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu lượt), Thái Lan (28 triệu lượt), Singapore (13,6 triệu lượt). Con số này chưa bằng một nửa hai nước dẫn đầu trong khu vực”, ông Hòa cho biết.
Vì vậy, để chuẩn bị “cất cánh” trong kỷ nguyên mới, trong năm 2025, “người anh cả” trong ngành hàng không sẽ tập trung toàn lực triển khai hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu mà Quốc hội vừa thông qua. Đó là chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng theo 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2, Nhà nước tiếp tục chuyển giao quyền mua cổ phần để tăng thêm 13.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hãng hàng không quốc gia củng cố nền tảng tài chính.
Cùng với đó, Công ty Pacific Airlines, công ty con của Vietnam Airlines, cũng nhận được sự hỗ trợ khi được xóa tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp thuế đến hết năm 2024. Sau thời điểm này, cơ quan thuế sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ là yếu tố rất quan trọng cho giai đoạn phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu vươn mình mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang thực hiện loạt dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 ở Tân Sơn Nhất. Gần đây, ACV cũng bắt đầu xây dựng nhà ga T2 tại Nội Bài và tiến hành các nghiên cứu để mở rộng các sân bay Cà Mau, Chu Lai và Phan Thiết...
Những công trình này không chỉ góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho ngành hàng không mà còn tăng cường khả năng kết nối giữa các khu vực trong nước và quốc tế. Điều này làm giảm thời gian di chuyển, chi phí logistics và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các tổ chức hàng không quốc tế như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Từ đó, thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài vào việc xây dựng và cải tạo sân bay, bao gồm cả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án mở rộng sân bay khác
Xem thêm tại vneconomy.vn