Thị trường lao dốc, bắt đáy được chưa?

Tuần 29/7-2/8, chứng khoán toàn cầu chao đảo bởi làn sóng bán tháo cổ phiếu quét qua thị trường, để lại không khí ảm đạm và đầy lo ngại. Tâm điểm của cơn bão này là những dấu hiệu báo động về sức khỏe nền kinh tế Mỹ và tình hình không mấy sáng sủa của các gã khổng lồ công nghệ. Nhật Bản gánh chịu cú sốc lớn nhất kể từ năm 1987 khi đồng Yên mạnh lên, lên gần mức đỉnh tháng 3, tạo áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp xuất khẩu - xương sống của nền kinh tế Nhật Bản. Các chỉ số chứng khoán lớn đã bước vào khu vực điều chỉnh như: Nikkei 225 giảm -15% và Nasdaq -10% kể từ đỉnh.

MBS: Cơ hội đầu tư ở một số nhóm cổ phiếu

Giữa bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường Việt Nam cũng xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn và một nhịp thủng đáy quanh 1.220 điểm. Pha đảo chiều thành công ở phiên cuối tuần (2/8) được MBS đánh giá là tín hiệu tích cực ngược dòng chứng khoán thế giới. Nhiều cổ phiếu đã có biên độ hồi phục mạnh, không thể phá vỡ nền tích lũy đang có. Bên cạnh đó là thanh khoản rất nhỏ trong nhịp VN-Index thủng đáy là tín hiệu kỹ thuật mạnh cần quan sát.

MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư ở một số nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như bất động sản với Luật Đất đai 2024 hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu đang có sức bật tốt như: dầu khí, ngân hàng, bán lẻ, hóa chất, thực phẩm, sản xuất điện, bất động sản khu công nghiệp, ...

SHS: Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể bám sát để tham gia vào thị trường.

Cùng quan điểm, Chứng khoán SHS đánh giá về ngắn hạn chỉ số đang trong nhịp hồi phục sau điều chỉnh, tuy nhiên thị trường sẽ phải có giai đoạn tích lũy mới. Cơ hội giải ngân ngắn hạn đã xuất hiện khi thị trường bước vào giai đoạn hồi phục, hiện VN-Index sắp tiệm cận ngưỡng cản 1.250 nên sẽ đối diện với rung lắc và rủi ro. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể bám sát để tham gia vào thị trường.

Về góc nhìn trung hạn, uptrend của thị trường chưa bị phá vỡ. Nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua không thủng ngưỡng 1.150 nên thị trường đã tích lũy lại và tạo nhịp tăng ngắn hạn trước khi đi vào vùng tích lũy mới. Nhịp điều chỉnh mạnh còn cần thiết để thị trường rũ bỏ đeo bám trước ngưỡng cản mạnh 1.300 (ngưỡng này không dễ để VN-Index vượt qua nếu tích lũy không đủ tốt).

Trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn có thể bùng nổ vượt 1.300 điểm nếu như nhịp tích lũy tiếp theo đủ tốt và chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện tại còn quá sớm để dự báo xa, trước mắt thị trường sẽ hồi phục ngắn hạn và sau đó cần tạo thành khu vực tích lũy mới để tích lũy nội lực trước khi vượt cản mạnh.

Nhà đầu tư trung, dài hạn có thể gia tăng tỷ trọng giải ngân trong khu vực hiện tại. Mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là gia tăng giải ngân trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.

ORS: Quan sát phản ứng VN-Index với vùng 1.230 điểm để đưa ra quyết định đầu tư

Ngược chiều, Chứng khoán ORS cho rằng VN-Index có phiên cuối tuần (2/8) hồi phục, quay lại vùng giá 1.230 điểm với thanh khoản khá tích cực song, việc kiểm nghiệm lại vùng điểm này dấy lên những lo ngại về sự giảm điểm và hình thành một xu thế giảm mới trong ngắn hạn. Trên đồ thị tuần, thị trường ghi nhận một tuần giao dịch giằng co về giá khi chỉ số vẫn cố gắng tìm được vùng cân bằng cho hai bên mua và bán.

TPS cho rằng các kịch bản tiêu cực có thể xảy ra. Nhà đầu tư cần quan sát vùng 1.230 điểm để xem VN-Index có thành công vượt qua trong tuần 5-9/8 hay không để có quyết định đầu tư.

Chứng khoán Asean: Tránh mua đuổi, chỉ mua lại trong các nhịp điều chỉnh của thị trường

Đồng quan điểm, chuyên gia Chứng khoán Asean cho rằng, phiên cuối tuần phục hồi tích cực với lực cầu tham gia mạnh mẽ về cuối phiên đã lan tỏa tâm lý giúp thị trường chung cải thiện. Thanh khoản vừa phải không quá lớn cho thấy lực cầu vẫn còn dè chừng và chỉ thể hiện cục bộ ở một vài cổ phiếu. Diễn biến mua áp đảo giúp VN-Index gia tăng xác suất hình thành đáy 2.

Tuy nhiên, việc phục hồi nhanh và mạnh về cuối phiên chưa thể phản ánh đầy đủ trong bối cảnh thị trường chưa chính thức tạo đáy và lực cầu T+ có thể xuất hiện trong phiên giao dịch kế tiếp. Nhà đầu tư nên tránh mua đuổi và chỉ mua lại trong các nhịp điều chỉnh của thị trường, nếu vùng đáy sẽ được xác lập trong tuần sau.

Cho cả tháng 8, Chứng khoán Nhất Việt dự báo 2 kịch bản cho VN-Index không mấy tích cực.

Kịch bản 1, với việc áp lực suy yếu và lực cầu giá thấp hoạt động sôi nổi tại vùng 1.200 - 1.230 điểm, VN-Index có thể tiếp diễn quy luật biến động đi ngang trong biên độ 1.200 - 1.300 điểm.

Ở kịch bản còn lại, nếu VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.200 - 1.230 điểm, rủi ro điều chỉnh sâu của thị trường sẽ được xác nhận. Chỉ số chính có thể phải tìm kiếm vùng cân bằng tại các vùng giá thấp hơn.

Thị trường lao dốc, bắt đáy được chưa?
Diễn biến thị trường phiên sáng 5/8

Ngay khi mở phiên sáng ngày 5/8, VN-Index giảm mạnh 17 điểm về mốc 1.219. Chỉ số có thời điểm lùi về mốc 1.213 (giảm 23 điểm) sau đó rút chân về mốc 1.215 điểm nhờ sự phục hồi của một vài cổ phiếu như LPB, GEX, MSN…

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện với 418 mã giảm lấn át 90 mã tăng giá. Nhóm VN30 tiếp tục gây sức ép lên chỉ số khi ghi nhận 30 mã đều giảm điểm từ 1-3%, nổi bật là TCB, BID, CTG, VIC… Đáng chú ý, VRE giảm hơn 1,6% đưa thị giá tiệm cận vùng đáy lịch sử.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn