Thị trường M&A chờ niềm tin trở lại

Các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại rót vốn. Trong ảnh: Chuỗi Bách hóa xanh của Thế giới Di động vừa chào bán 5% cho CDH Investment (Trung Quốc)
Các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại rót vốn. Trong ảnh: Chuỗi Bách hóa xanh của Thế giới Di động vừa chào bán 5% cho CDH Investment (Trung Quốc)

Cú hích từ dòng vốn Trung Quốc

Từng nổi danh với những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị hàng ngàn tỷ đồng với các đối tác trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, dược phẩm, Công ty cổ phần Thế giới Di động đã bành trướng thành “ông trùm” trong chuỗi bán lẻ công nghệ, dược phẩm, tiêu dùng... tại Việt Nam.

Sau những lời đồn thổi, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bách hóa xanh - công ty con của Thế giới Di động, đã hoàn tất giao dịch chào bán riêng lẻ 5% vốn cho CDH Investment - công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Số cổ phần bán này thấp hơn mục tiêu ban đầu là tối đa 20% và giá trị thương vụ không được tiết lộ. Theo lý giải của Công ty, với tình hình dòng tiền tích cực và kết quả kinh doanh cải thiện, nên không có nhu cầu chào bán như kế hoạch ban đầu.

Cuối tháng 9/2023, Reuters từng đưa tin, định giá của Bách hóa xanh vào khoảng 1,5-1,7 tỷ USD, nhưng Thế giới Di động bác bỏ.

Được thành lập năm 2022, trụ sở tại Bắc Kinh, CDH Investment là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên của Trung Quốc, nổi tiếng với hoạt động giao dịch trong các ngành tiêu dùng, sản xuất. Công ty này hiện quản lý hơn 27 tỷ USD tài sản, đầu tư vào hơn 350 công ty với các hình thức khác nhau.

ESG thúc đẩy giá trị giao dịch M&A

Trong suốt vòng đời giao dịch thì yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có thể là yếu tố thúc đẩy giá trị của doanh nghiệp trong các thương vụ M&A, IPO…

Theo khảo sát của Deloitte, trong 2 năm qua, ESG trở thành tiêu chí tập trung nhất quán để các bên xem xét có nên chốt các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp hay không, bên cạnh tài sản có chất lượng, tài năng, danh tiếng, nhất là với đối tượng doanh nghiệp để M&A trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, viễn thông, dịch vụ tài chính và các ngành công nghiệp tiêu dùng.

Ông Đào Tiến Phong, luật sư điều hành Investpush Legal chia sẻ trong sự kiện liên quan đến M&A mới đây, các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại toàn bộ hoặc mua một phần các doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi nhà hàng ăn uống hoặc nhà máy sản xuất có sẵn các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu. Theo đó, nhóm ngành lớn nhất là công nghệ, y tế. Trong khi lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 8-9%, nhưng là lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.

Thương vụ bắt tay giữa Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) và Công ty TNHH Union Securities Investment Trust (Union Securities Investment Trust Co., Ltd. - USITC), công ty thành viên của ngân hàng hàng đầu Đài Loan Union Bank of Taiwan (UBOT) mới đây cũng minh chứng cho dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc) muốn chảy mạnh hơn vào thị trường Việt Nam và cánh cửa M&A rộng mở hơn. 

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc SSIAM khẳng định, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Đài Loan, không chỉ đối với vốn đầu tư trực tiếp, mà còn với dòng vốn đầu tư gián tiếp. Nhà đầu tư Đài Loan hiện là một trong những nhóm nhà đầu tư nước ngoài năng động nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong nửa đầu năm 2024, mối quan tâm của nhà đầu tư Đài Loan đối với thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn.

“Với nhiều thông tin tích cực được kỳ vọng trong thời gian tới như việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam, cũng như khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi bởi FTSE… sẽ là những yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư Đài Loan đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Dũng cho biết.

Sự bắt tay này không bị giới hạn bởi sản phẩm hay lĩnh vực đầu tư. Theo nhu cầu cụ thể của mỗi sản phẩm, SSIAM luôn hướng tới giúp nhà đầu tư tiếp cận được những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lớn, định giá hấp dẫn, đến từ những ngành, nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất từ đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn như ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng thương mại, bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, công nghệ thông tin, vận tải…

Tin tưởng nhà đầu tư ngoại trở lại

Thực tế, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển (EM) hưởng lợi từ tâm lý đầu tư tích cực toàn cầu. Theo SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư vào ròng 12,4 tỷ USD; trong đó, vốn quay trở lại thị trường Trung Quốc tăng thêm 9,2 tỷ USD nhờ dòng tiền vào các quỹ ETF (Exchange Traded Fund - quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) đa quốc gia. Riêng thị trường Đài Loan có thêm 3,8 tỷ USD nhờ dòng tiền vào các quỹ ETF nội và sức hút từ cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận rút ròng tháng thứ 6 liên tiếp với giá trị 186 triệu USD.

Riêng tại thị trường Việt Nam, các quỹ ETF tiếp tục đẩy mạnh rút vốn trong tháng 6, ghi nhận ở mức âm 3.300 tỷ đồng (chiếm 2,5% tổng tài sản), với tâm điểm đến từ việc giải thể quỹ iShares Frontier. Cụ thể, ước tính trong tháng 6, quỹ đã bán ra 100,4 triệu USD cổ phiếu tại Việt Nam, theo đó, tổng giá trị cổ phiếu tại Việt Nam trong danh mục quỹ đã giảm từ 117,7 triệu USD vào ngày 31/5, xuống còn 17,3 triệu USD vào ngày 28/6.

Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 15.700 tỷ đồng, tương đương giảm 21% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 66.000 tỷ đồng. Phần lớn các quỹ ETF chịu áp lực rút vốn trong tháng 6, tập trung nhiều nhất ở 3 quỹ lớn là DCVFM VNDiamond (1.070 tỷ đồng), Fubon (1.140 tỷ đồng) và iShares Frontier (2.360 tỷ đồng), bên cạnh một số quỹ bị rút vốn với giá trị nhỏ hơn như Xtrackers FTSE (183 tỷ đồng), VanEck (132 tỷ đồng), SSIAM VNFin Lead (117 tỷ đồng). 

Đặc biệt, tin đồn thời gian qua như SK Group đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh nên sẽ tập trung đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo dòng tiền. SK Group có ý định bán cổ phần đang nắm giữ tại các “gã khổng lồ” ở Việt Nam để thu hồi 1.000 tỷ won tiền đầu tư ban đầu (khoảng 720 triệu USD theo tỷ giá hiện tại). SK Group đã rót khoảng 450 triệu USD để đầu tư vào Masan Group trong năm 2018 và 1 tỷ USD đầu tư vào Vingroup thời điểm năm 2019.

Với thông tin này, khi Vingroup im lặng, thì Masan Group lên tiếng khẳng định, cả hai bên đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan Group.

Các quỹ đầu tư trong nước đều đang kỳ vọng áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ giảm trong thời gian tới, đặc biệt khi Fed tiến hành giảm lãi suất. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà khối ngoại còn rút ròng mạnh ở các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia, trong bối cảnh lãi suất được Fed giữ ở mức cao.

Đại diện SSIAM tin rằng, áp lực bán từ khối ngoại đối với thị trường Việt Nam trong thời gian qua phần lớn đến từ các hoạt động chốt lời và áp lực tỷ giá.

“Với số lượng doanh nghiệp có thể đầu tư khá hạn chế, đặc biệt không có nhiều lựa chọn trong các ngành đang được quan tâm như công nghệ và các rủi ro về lãi suất, tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại”, ông Nguyễn Phan Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, nhìn ở góc độ tích cực, nhà đầu tư trong nước tiếp tục là động lực chính hỗ trợ thị trường và cân bằng lực bán từ khối ngoại trong thời gian qua. Điều này giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu suất đầu tư vượt trội so với các thị trường khác trong khu vực.

Tuy nhiên, về dài hạn, với các động lực tăng trưởng kinh tế đã quay trở lại, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng tốc trong thời gian tới, giới phân tích tin rằng, khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam.

Với riêng SSIAM, đối với mảng đầu tư niêm yết vẫn đang duy trì trạng thái giải ngân mới và tái cấu trúc danh mục một cách ổn định, đảm bảo các nguyên tắc quản trị danh mục an toàn với phương pháp chọn lựa các công ty có nền tảng quản trị tốt nhất, minh bạch, triển vọng sáng, định giá hợp lý để tạo ra giá trị trong trung và dài hạn cho khách hàng.

Đối với mảng đầu tư PE, quỹ cũng đang tích cực kiến tạo các thương vụ đầu tư mới, thoái vốn cũ.

Ông Dũng chia sẻ, việc tìm kiếm những thương vụ có tiềm năng lợi nhuận vượt trội tuy là một mục tiêu hướng tới, nhưng quan trọng không kém là đồng hành giúp các công ty nhận vốn xây dựng kế hoạch kinh doanh bền vững 3-5 năm, cải thiện quản lý hoạt động, tái cơ cấu tài chính và xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Việc thoái vốn cũng phụ thuộc nhiều vào thời điểm, bối cảnh thị trường. Tìm được đối tác phù hợp tiếp quản vốn cũng là yếu tố quan trọng bên cạnh mức giá.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, trong năm 2024, các thị trường M&A tiếp tục sôi động, các nhà đầu tư nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ như bất động sản, xây dựng. Ngoài ra, sự tích cực và sôi động trên thị trường còn đến từ nguyên nhân nội tại của các doanh nghiệp nội địa, khi nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư để giải quyết sức ép về tài chính.

Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, TS. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn, bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Một yếu tố khác là phải tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ.

Xem thêm tại baodautu.vn