Thị trường M&A lộ diện “bom tấn”
Tasco Auto có hệ thống phân phối ô tô lớn nhất cả nước, hướng đến lắp ráp CKD, trong khi Mitsui định hướng công nghệ thông tin và vận chuyển (mobility) là ngành mũi nhọn trong tương lai |
Kỳ vọng cú hích lớn
Sau một giai đoạn bùng nổ, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đã chậm lại đáng kể. Trong 7 tháng đầu năm nay, trái ngược với sự gia tăng của các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại giảm về lượt giao dịch và giá trị vốn góp.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng phần vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đạt 1.795 giao dịch, giá trị vốn góp đạt 2,27 tỷ USD, giảm lần lượt 3,1% và 45,2% so với cùng kỳ.
Song bước sang tháng 8, thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) có nhiều tín hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp đồng loạt công bố chốt thương vụ thành công. Một trong những deal vừa công bố được nhiều người quan tâm là việc Mitsui & Co đầu tư chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - một đơn vị thành viên của Tasco.
Giá trị chưa được tiết lộ, song thương vụ trên vẫn được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích lớn trong lĩnh vực mobility (công nghệ thông tin và vận chuyển) tại Việt Nam, lĩnh vực vốn là thế mạnh của cả 2 bên. Quan hệ hợp tác giữa Tasco và Mitsui tại Tasco Auto được xem là bước tiến quan trọng giúp Tasco hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Công ty.
Bên cạnh việc huy động nguồn lực quan trọng về vốn, Tasco Auto sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm vận hành, quản trị quốc tế, tối ưu hiệu quả, cũng như tận dụng được vị thế, mạng lưới sẵn có từ đối tác. Đồng thời, Mitsui sẽ mang đến những giải pháp công nghệ, tư vấn và đồng hành cùng Tasco nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện cấu trúc quản trị, giúp bộ máy tinh gọn và hiệu quả.
Về phía Mitsui, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản tham gia sâu hơn các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại thị trường 100 triệu dân như Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện tại, quan hệ hợp tác chiến lược giữa Tasco và Mitsui được thúc đẩy bởi tầm nhìn chung về việc tận dụng các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn của lĩnh vực ô tô. Sự kết hợp giữa các lợi thế hàng đầu của Tasco trong lĩnh vực dịch vụ ô tô tại Việt Nam với kinh nghiệm, mạng lưới quốc tế và tiềm lực mạnh mẽ của Mitsui trên toàn thế giới sẽ giúp tận dụng tối đa các thế mạnh của cả hai bên, để phát triển và mở rộng kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động.
Tháng 5/2019, Mitsui đã thỏa thuận về việc mua lại 35,1% cổ phần với Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú), nhà sản xuất tích hợp tôm lớn nhất thế giới từ nuôi đến chế biến và bán hàng.
Vào tháng 3/2024, theo Nikkei Asia, Mitsui cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 84 tỷ yên (560 triệu USD) cho chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn tại Việt Nam. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ký loạt thỏa thuận thương mại liên quan đến việc phát triển chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn với các đối tác, bao gồm Mitsui Oil Exploration (MOECO) - công ty con của Tập đoàn Mitsui & Co.
Ngoài nhà đầu tư Nhật Bản như “ông lớn” Mitsui đã và đang có động thái rót vốn gián tiếp vào nhiều lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam, thì các nhà đầu tư của Hàn Quốc cũng có nhiều động thái. Điển hình như thương vụ mới đây của Samsung Engineering - thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Samsung Engineering đã đầu tư 41 triệu USD (gần 960 tỷ đồng) để mua lại toàn bộ khoản vay chuyển đổi của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP Water. Sau thương vụ, Samsung Engineering sở hữu 24% vốn chủ sở hữu của DNP Water. Hai bên đã hợp tác để nâng cao hiệu suất vận hành của các nhà máy nước sạch và nước thải, đồng thời nghiên cứu và phát triển các dự án xử lý nước thải tại các khu đô thị ở Việt Nam.
Một thương vụ khác cũng tạo được sự chú ý là Quỹ VIAC Limited Partnership (đơn vị đầu tư trực thuộc Quỹ đầu tư vào Việt Nam của Ủy ban Đầu tư Quốc gia Oman - Vương quốc Oman, thông qua việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu) sẽ trở thành cổ đông của Văn Phú-Invest trong thời gian tới.
Trong 15 năm qua, quỹ này đã thực hiện giải ngân khoảng 300 triệu USD, tập trung vào những ngành có lợi thế cạnh tranh và đóng góp cho sự phát triển bền vững lâu dài của nền kinh tế Việt Nam, như hạ tầng, năng lượng, giáo dục, bất động sản, chăm sóc sức khỏe…
Hút vốn nhờ lợi thế cạnh tranh riêng biệt
Môi trường toàn cầu cho đầu tư quốc tế vẫn gặp nhiều thách thức trong năm nay. Triển vọng tăng trưởng yếu, xu hướng phân mảnh kinh tế, căng thẳng thương mại và địa chính trị, chính sách công nghiệp và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tái định hình các mô hình đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này khiến một số doanh nghiệp đa quốc gia thận trọng hơn trong việc mở rộng ra nước ngoài. Tuy nhiên, lợi nhuận của các tên tuổi này vẫn ở mức cao, điều kiện tài chính đang dần được nới lỏng và số lượng các dự án đầu tư mới công bố trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng tích cực đến thu hút FDI trong năm nay.
Trong khi đó, năm 2023, thị trường M&A xuyên biên giới không tăng trưởng mạnh như dự đoán. Xu hướng ngành cho thấy, đầu tư vào hạ tầng và kinh tế số giảm, nhưng các lĩnh vực liên quan chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, gồm các ngành công nghiệp ô tô, điện tử và máy móc…, lại tăng trưởng mạnh.
Trong bối cảnh đó, thị trường M&A Việt Nam khá ảm đạm trong những tháng đầu năm 2024. Trước đó, câu hỏi được đặt ra là liệu những tháng cuối năm, thị trường này có khởi sắc trong bối cảnh chưa lường hết những tác động của tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu. Và thời điểm này, những tín hiệu về các thương vụ đầu tư nói trên cho thấy nhiều điểm sáng, những cơ hội để doanh nghiệp khởi động kế hoạch kinh doanh hoành tráng.
Thực tế, báo cáo được công bố gần đây của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định, với nhiều lợi thế cạnh tranh, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo HSBC, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh chi phí lao động trong khu vực châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn, dù người dân có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng. Các chi phí vốn sản xuất trong các ngành công nghiệp đều cho thấy lợi thế cạnh tranh về giá.
Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, chuyên gia HSBC cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong sản xuất những sản phẩm liên quan này.
Ngoài ra, những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới cũng bị chi phối bới các giải pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và sản xuất xanh, cải thiện cơ sở hạ tầng…
Đáng chú ý, có tín hiệu cho thấy, nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp thâm nhập Việt Nam. Năm 2022, Samsung thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn. Trong khi đó, Apple gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.
Và như trường hợp của Mitsui, việc trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto không chỉ là cơ hội để tham gia sâu hơn các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh tại thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, mà còn biến tầm nhìn của Tasco trong việc tiến lên thượng nguồn của ngành với dự án lắp ráp ô tô được phát triển ngay trong năm 2024.
Hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng chậm trong quý II/2024. Lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, môi trường pháp lý không thuận lợi và thị trường chứng khoán bị thổi phồng dẫn đến các mức định giá cao quá mức đã ảnh hưởng đến hoạt động M&A trong những tháng đầu năm nay.
Theo dữ liệu từ Dealogic, số lượng các thỏa thuận được ký kết trên toàn cầu trong quý II đã giảm 21%, xuống còn 7.949 thương vụ. Song tổng giá trị giao dịch tăng 3,7%, lên 769,1 tỷ USD, trong đó tổng giá trị giao dịch ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 18%.
Mặc dù các thương vụ lớn vẫn diễn ra đều, nhưng các chuyên gia nhận định, số lượng các siêu thương vụ, có trị giá hơn 25 tỷ USD, đã chậm lại so với các chu kỳ M&A trước đó, do giới quản lý thắt chặt giám sát chống độc quyền.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng đầu tư và luật sư chuyên về M&A hàng đầu đã gạt bỏ những lo ngại về thể trạng của thị trường M&A và dự báo triển vọng tích cực khi bước sang nửa cuối năm 2024.
Xem thêm tại baodautu.vn