Thị trường M&A sẽ “nóng” trong năm 2024
Thương vụ lớn nhất năm qua là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi 1,45 tỷ USD mua 15% cổ phần của VPBank |
Điểm sáng trong mùa đông ảm đạm
Dữ liệu mới nhất từ Bloomberg cho thấy, tổng giá trị của các giao dịch M&A và các giao dịch liên quan giảm 25% trong năm 2023, xuống còn 2.700 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013 và dưới mức 3.000 tỷ USD trong một năm.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia đánh giá, năm 2023, hoạt động M&A và giá trị giao dịch toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới, cùng với tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng, đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, phần nào khiến họ thận trọng hơn. Cùng với đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại những nền kinh tế lớn, dẫn đến lãi suất tăng cao, cũng tác động đến các thị trường mới nổi, khiến việc tiến hành giao dịch trở nên đắt đỏ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến chất cũng như lượng giao dịch trên thị trường.
Không nằm ngoài dòng chảy chung của thế giới, thị trường M&A Việt Nam năm 2023 cũng chững lại. Báo cáo M&A Việt Nam chuyển mình: Từ cơ hội đến chiến lược, do KPMG thực hiện cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt 4,414 tỷ USD, với hơn 260 thương vụ, giá trị trung bình mỗi thương vụ là 54,5 triệu USD. Như vậy, giá trị giao dịch giảm 23% so với đầu năm và số lượng thương vụ cũng thấp hơn so với 2 năm trước.
Tuy nhiên, KPMG Việt Nam đánh giá, các yếu tố kinh tế nội tại của Việt Nam vẫn duy trì, dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định và cam kết của Chính phủ trong xây dựng hạ tầng, cải cách kinh tế không suy giảm. Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn, với năm 2023 là một năm thị trường tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.
Điểm sáng của thị trường M&A năm 2023 là một loạt thương vụ lớn được thực hiện. Trong đó, thương vụ lớn nhất là việc Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trước đó, đối tác này đã mua FE Credit - một công ty tài chínhtiêu dùng, cũng từ ngân hàng này vào năm 2021.
Với lĩnh vực bất động sản, nổi lên thương vụ ESR Group Limited chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW Industrial), một trong những nhà phát triển công nghiệp và hậu cần (logistics) lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam. BW Industrial có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong việc phát triển hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế mới và tận dụng sự thay đổi trong sản xuất sang Việt Nam.
Trong lĩnh vực này cũng diễn ra thương vụ Gamuda Land (Malaysia) mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD tại Tập đoàn bất động sản Tâm Lực để mở rộng tại Việt Nam. Nhà đầu tư này đang lên kế hoạch cho một dự án phức hợp cao cấp trị giá 1,1 tỷ USD trên mảnh đất được mua lại ở trung tâm TP. Thủ Đức.
Lĩnh vực y tế nổi lên thương vụ Thomson Medical Group (Singapore) chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện Việt Pháp. Điều này cũng đánh dấu lần đầu tiên Tập đoàn y tế Thomson tiến vào Việt Nam.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới của Mỹ, đầu tư 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan. Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng cho ngành tiêu dùng trong nước và cho thấy triển vọng hấp dẫn của ngành này.
Trợ lực để thị trường M&A Việt Nam năm 2023 không đi xuống quá sâu là niềm tin của các nhà đầu tư vào sức chịu đựng của nền kinh tế và các giải pháp của Chính phủ, cũng như nội lực, tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ đã chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới của thế giới và trong nước. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; thực thi nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược. Ngoài ra, Chính phủ đã thiết lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế dù chưa đạt kỳ vọng, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
Triển vọng thị trường M&A năm 2024
Báo cáo Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024 của S&P Global mới phát hành cho thấy, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như cả năm 2023, nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới.
Theo các chuyên gia của S&P Global, hoạt động M&A trầm lắng trong hầu hết năm 2023, nhưng nhiều chất xúc tác khác nhau có khả năng thúc đẩy các nhà giao dịch nhập cuộc vào năm 2024. Đó là các yếu tố bao gồm ổn định về tỷ giá, nhu cầu bị dồn nén thúc đẩy hợp nhất hoặc thoái vốn trong một số ngành nhất định.
Ông Jens Kengelbach, người đứng đầu bộ phận M&A toàn cầu của Boston Consulting Group chia sẻ: “Chúng tôi tương đối lạc quan về triển vọng M&A năm 2024, vì hoạt động giao dịch có dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn. Trong lịch sử, M&A có xu hướng chậm lại trong thời kỳ kinh tế biến động hoặc không chắc chắn, nhưng đó thường là thời điểm mà việc định giá trở nên hấp dẫn hơn và các cơ hội mới bắt đầu xuất hiện”.
Động lực tăng trưởng năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại. Hơn nữa, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025, nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP, là những nền tảng cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến các cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.
Một tín hiệu tích cực là chính các doanh nghiệp trong nước cũng đang nổi lên với tư cách bên mua, sẵn sàng tiếp quản tài sản của các doanh nghiệp đồng hương cũng như của nước ngoài để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Cơ hội ngày một trở nên rộng mở để các bên tham gia tìm thấy điểm tựa chung, cùng chung tay đi đến thịnh vượng với sự ủng hộ, hỗ trợ từ các chính sách phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thị trường M&A Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội và triển vọng, nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Hoạt động thoái vốn, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian bị chậm lại sẽ được thúc đẩy.
Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững, không chỉ trong năm 2024, mà cả những năm tiếp theo. Khi kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A sẽ nhộn nhịp trở lại.
Những lĩnh vực “hot” năm 2024
“Thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024, được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI, với giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng hạ tầng và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số”, ông Warrick Cleine nhận định.
Đối với ngành y tế, dự kiến được thúc đẩy bởi thay đổi về dân số. Ngành bất động sản tiếp tục sôi động nhờ nhu cầu về tài sản chất lượng cao.
Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Gamuda Land Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi lạc quan đánh giá bất động sản sẽ là ngành có tiềm năng về hoạt động M&A năm 2024. Ngoài ra, hiện có xu hướng các tập đoàn tài chính vào Việt Nam để tìm những bất động sản mang tính chất đầu tư ngắn hạn hoặc dài hạn với kỳ vọng vào tỷ suất sinh lợi. Nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land thường muốn mua công ty sạch, sở hữu một dự án riêng lẻ và không bị vướng với các dự án khác trong công ty đó, nên khi nhận chuyển nhượng cổ phần, dự án đó sẽ được chuyển giao cho đơn vị đầu tư mới”.
Theo TS. Lê Minh Phiếu, Giám đốc LMP Lawyers và LMP Capital, nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài. Hiện, nhiều nhà đầu tư ưu tiên quay trở lại các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và thực phẩm. Tiếp theo là lĩnh vực y tế, bao gồm bệnh viện, dược phẩm và thiết bị y tế. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ khi thị trường Việt Nam đang đi xuống. Điển hình là bất động sản, xây dựng. Bên cạnh đó, những lĩnh vực thu hút được nhà đầu tư cũng thay đổi theo sự biến đổi của tình hình khu vực như sản xuất công nghiệp, logistics.
Còn ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu RECOF thì cho hay: "Tình hình kinh tế Nhật Bản đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư do đồng yên mất giá và các ràng buộc về kinh doanh với cổ đông. Từ đó, việc mang tiền đi đầu tư nước ngoài, như vào Việt Nam, vẫn là lựa chọn tốt hơn. Hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến logistics, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh. Họ cũng để mắt đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chưa có nhiều hành động cụ thể, bởi quy mô thị trường này còn nhỏ và chưa có quy định thật sự đầy đủ đối với hoạt động mua lại một công ty đại chúng".
Xem thêm tại baodautu.vn