Thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Singapore
Năng lượng tái tạo thu hút nhiều nhà đầu tư Singapore. Trong ảnh: Dự án điện gió của GELEX được Sembcorp Industries góp vốn |
Singapore quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam
Vào giữa tháng 7, Levanta Renewables, một công ty chuyên về năng lượng tái tạo có trụ sở tại Singapore, được hỗ trợ bởi Actis, công bố đang mua lại dự án điện mặt trời áp mái công suất 28,7 MWp từ các công ty liên quan của Công ty cổ phần Tiến Nga, một trong những nhà cung cấp logistics hàng đầu tại Việt Nam.
Đây là dự án điện mặt trời áp mái lớn nhất tỉnh Đồng Nai, cũng là một trong những dự án điện mặt trời áp mái lớn nhất Việt Nam, với diện tích gần 200.000 m2, dự kiến tạo ra hơn 34 GWh mỗi năm. Dự án sẽ cung cấp nguồn năng lượng xanh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Sudhir Nunes, Giám đốc điều hành Levanta Renewables cho biết: “Thương vụ mua lại này là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Levanta Renewables tại Việt Nam, là minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa ở cả thị trường công nghiệp, thương mại và tiện ích. Việc bổ sung tài sản điện gió và điện mặt trời vào danh mục đầu tư tại Việt Nam giúp chúng tôi hướng tới mục tiêu đạt được công suất hoạt động 1,5 GW trên khắp Đông Nam Á”.
Còn ông Rahul Agrawal, Giám đốc năng lượng khu vực Đông Nam Á tại Actis - quỹ đầu tư toàn cầu về phát triển hạ tầng bền vững nhận xét, việc mua lại dự án điện mặt trời áp mái này đánh dấu bước tiến của Levanta Renewables trong tham vọng đạt công suất hoạt động 1,5 GW. Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, Levanta Renewables sẽ cung cấp năng lượng sạch, ổn định với giá cả cạnh tranh cho khách hàng thương mại và công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Vào tháng 6, Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd - công ty con do Sembcorp sở hữu 100%, công bố hoàn tất việc mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn GELEX trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sau giao dịch này, Sembcorp bổ sung tổng cộng 196 MW công suất điện năng lượng mặt trời và điện gió đang hoạt động vào danh mục đầu tư của mình.
Ngoài ra, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 trong hệ thống của GELEX, dự kiến trong nửa cuối năm 2024. Công ty này đang sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49 MW. Sau khi hoàn thành toàn bộ 4 thương vụ, tổng công suất năng lượng tái tạo của Sembcorp tại Việt Nam sẽ đạt 455 MW, còn tổng công suất năng lượng tái tạo của tập đoàn này trên toàn cầu sẽ đạt 14,4 GW.
Một công ty Singapore khác là Great Master cũng đủ điều kiện mua lại 20% tổng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Trung Khởi - một nhà phát triển khu công nghiệp tại Quảng Trị. Trong khi đó, Công ty Atlantic, Gulf and Pacific LNG (AG&P) có trụ sở tại Singapore đã mua lại 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Seck Yee Chung, luật sư điều hành, Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam, chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là yếu tố quan trọng của thị trường M&A Việt Nam, phần lớn được thúc đẩy bởi sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam như một thị trường tăng trưởng. Singapore duy trì vị thế là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất tại thị trường M&A Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2024, Singapore xếp thứ 3, sau Hàn Quốc và Trung Quốc, trong số nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động M&A tại Việt Nam, với 142 thương vụ có giá trị khoảng 349 triệu USD.
“Chúng tôi tin rằng, các nhà đầu tư đến từ Singapore sẽ củng cố danh mục đầu tư của họ bằng cách thực hiện các thương vụ chiến lược mới tại Việt Nam như là một thị trường mới nổi ở khu vực Đông Nam Á”, ông Seck Yee Chung chia sẻ.
Xu hướng M&A lĩnh vực y tế
Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và dân số già, kéo theo nhu cầu các dịch vụ y tế ngày càng tăng cao, các thương vụ lớn trong lĩnh vực y tế có xu hướng tiếp tục trong thời gian tới. Tương tự, lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng hấp dẫn nhờ khung khổ pháp lý mới, cũng như xu hướng chuyển dịch các cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Trong bối cảnh sản xuất gia tăng, nhu cầu bất động sản công nghiệp và sản xuất vẫn rất lớn. Điều này được minh chứng qua thương vụ Keppel Corporation Ltd. và Keppel Vietnam Fund mua 49% cổ phần của 2 dự án nhà ở liền kề tại TP. Thủ Đức từ Tập đoàn Khang Điền, tổng giá trị giao dịch khoảng 138 triệu USD.
Một lĩnh vực tiềm năng khác là năng lượng và hạ tầng, được thúc đẩy bởi nỗ lực trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, cũng như cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc ban hành Quy hoạch Điện VIII, ông Seck Yee Chung bổ sung.
Nhấn mạnh những yếu tố thúc đẩy các thương vụ M&A của nhà đầu tư Singapore, ông Eric Johnson, Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer cho biết: “Singapore cung cấp nguồn vốn đầu tư nước ngoài quan trọng tại các thị trường mới nổi ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nhà đầu tư chính của Singapore gồm các quỹ đầu tư quốc gia, các công ty năng lượng và bất động sản lớn, cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm tọa lạc tại Singapore. Trong tương lai, Singapore sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng đáng kể trong dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, khi các công ty và quỹ đầu tư Singapore tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới tại thị trường này”.
Cũng theo ông Johnson, nhờ vị thế là trung tâm tài chính khu vực cũng như tính hiệu quả, khả năng dự đoán của hệ thống pháp luật Thông luật (Common Law) và mạng lưới hiệp định của Singapore mà nhiều công ty đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, cũng như các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu đã đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty con tại Singapore, hoặc các công ty phục vụ mục đích đặc biệt.
“Các công ty công nghệ mới nổi đang cần huy động vốn sẽ thành lập công ty mẹ tại Singapore để hỗ trợ việc huy động vốn hiệu quả ở nước ngoài từ các nhà đầu tư mạo hiểm”, ông Johnson nói thêm.
Xem thêm tại baodautu.vn