Thị trường phục hồi, thanh khoản sụt giảm chóng mặt

Chứng khoán Mỹ vượt qua cú rung lắc mạnh đêm qua và thông tin bão lũ tích cực dần giúp tâm lý nhà đầu tư khá tích cực trong sáng nay. Tuy nhiên lạc quan không có nghĩa là “xuống tiền” quyết liệt – số lượng cổ phiếu đang tăng giá áp đảo nhưng không nhiều mã tăng mạnh, đồng thời thanh khoản xuống mức thấp nhất 20 phiên.

Trọn phiên sáng VN-Index tăng giá và dao động rất hẹp. Trừ mức tăng lúc mở cửa, biên độ trong phiên chỉ khoảng 4 điểm, chốt phiên sáng tăng 4,83 điểm (+0,39%) so với tham chiếu. Nguyên nhân chính khiến thị trường dao động nhỏ là áp lực bán đã giảm đáng kể từ chiều qua và với các yếu tố tích cực mới, nhà đầu tư càng không muốn bán thêm. Tuy nhiên tiền lại quá thận trọng, chỉ lượng nhỏ chấp nhận mua giá cao nên cung cầu cân bằng trong tình thế bấp bênh.

Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay chỉ đạt gần 4.392 tỷ đồng, giảm 25% so với sáng hôm qua. Rổ VN30 thậm chí khớp dưới 2.000 tỷ đồng, giảm 20%. Tính cả HNX, giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 4.723 tỷ đồng, giảm 24%.

Thanh khoản nhỏ trong tình huống này chủ yếu là do dòng tiền bắt đáy rất chậm. Độ rộng VN-Index cuối phiên rất ổn với 235 mã tăng/121 mã giảm nhưng chỉ có khoảng 60 mã tăng được hơn 1% và đại đa số là các mã thanh khoản rất thấp. Phía giảm giá cũng vậy, chỉ 40 mã giảm hơn 1% với tổng thanh khoản chưa tới 200 tỷ. Như vậy đại đa số cổ phiếu rơi vào nhóm dao động hẹp và thanh khoản tổng thể thấp đồng nghĩa với không bên nào muốn thay đổi trạng thái vào lệnh một cách dứt khoát hơn.

Toàn sàn HoSE hiện chỉ có 8 cổ phiếu khớp được quá 100 tỷ đồng, trong đó duy nhất NVL là vẫn đang bị bán tháo, giá giảm 3,38% với thanh khoản gần 137 tỷ đồng. Nhóm tăng tốt có TPB tăng 1,4% khớp 324,3 tỷ; DCM tăng 2,41% với 258 tỷ; CSV tăng 2,99% với 122,5 tỷ.  Trong nhóm thanh khoản thấp hơn cũng có nhiều cổ phiếu trung bình giao dịch khá sôi động như DPM, DBD, BFC, SBT, BAF, BMP, HDG khớp từ 20 tỷ tới 70 tỷ đồng.

Thị trường phục hồi, thanh khoản sụt giảm chóng mặt - Ảnh 1

Rổ VN30 mặc dù thanh khoản rất thấp nhưng xét về tỷ trọng cũng chiếm gần 45% tổng giao dịch sàn HoSE. Đây là mức thị phần khá lớn so với trung bình. Nhóm này cũng đóng góp chủ yếu trong việc neo giữ VN-Index dao động hẹp ở chiều tăng. VN30-Index chốt phiên tăng 0,34% với 20 mã tăng/6 mã giảm. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là VIC cũng chỉ mất 0,58% so với tham chiếu.

Trạng thái lình xình hiện tại khó có thể thay đổi nếu không có diễn biến mạnh lên ở cổ phiếu trụ hoặc dòng tiền khá hơn. Top 10 vốn hóa của VN-Index duy nhất VCB tăng 0,9% là đáng kể, còn lại rất nhỏ. GVR tăng 2,05%, SAB tăng 1,08%, TPB tăng 1,4% nhưng không phải là những mã có khả năng dẫn dắt điểm số. Dòng tiền thì rõ ràng là kém dù thông tin bất lợi ngày càng giảm cường độ. Nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin tưởng vào khả năng thị trường tạo đáy.

Khối ngoại sáng nay bán ròng 206,5 tỷ đồng trên HoSE nhưng không tập trung nổi bật vào cổ phiếu nào. VPB bị rút vốn mạnh nhất cũng chỉ -38,9 tỷ. Nhóm VCI, MWG, HPG, NVL là những mã bị bán ròng quanh 20 tỷ đồng. Phía mua cũng nhạt, chỉ có DCM +22,1 tỷ, FPT +21,5 tỷ là đáng kể.

VN-Index phục hồi tăng 4,83 điểm sáng nay sau khi xuất hiện diễn biến “rút chân” chiều qua. Điểm thấp nhất chỉ số chạm tới phiên trước là 1244,79 điểm. Như vậy chỉ số có phản ứng nhất định với ngưỡng hỗ trợ 1250 điểm, tương đương với ngưỡng hỗ trợ tỷ lệ 0,38% của nhịp tăng tháng 8. Tuy nhiên các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật không nhất thiết sẽ giúp thị trường tạo đáy và sự nghi ngờ vẫn còn rất cao. Điều này khiến dòng tiền vào mua hạn chế, mặc dù áp lực bán đã không còn quyết liệt.

Xem thêm tại vneconomy.vn