Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán điều chỉnh, giá vàng và Bitcoin lập mức đỉnh mới

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/3 tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 80,20 – 82,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 19 USD lên 2.179,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,69 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.972 đồng/USD, giảm 24 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.450 – 24.790 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 69.800 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng vọt vào cuối ngày lên trên 71.700 USD/BTC vào cuối ngày, mức cao lịch sử mới.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,29%), lên 78,24 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,27 USD (+0,34%), lên 82,36 USD/thùng.

VN-Index lùi về 1.235 điểm

Thị trường duy trì đà tăng nhẹ từ sớm quanh ngưỡng 1.250 điểm với dòng tiền chậm lại đáng kể do áp lực tâm lý từ phiên giảm khá sâu cuối tuần trước.

Càng về cuối phiên, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dần mất kiên nhẫn và đã quay ra đẩy bán, khiến sắc đỏ lan rộng thị trường, chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến thêm phiên giảm khá mạnh khi để mất gần 12 điểm, lùi về gần mốc 1.235 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,79 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 73,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/3: VN-Index giảm 11,86 điểm (-0,95%) xuống 1.235,49 điểm; HNX-Index giảm 2,48 điểm (-1,05%) xuống 233,84 điểm; UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,63%) xuống 90,66 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (8/3), khi giới đầu tư thận trọng hơn với dữ liệu việc làm được công bố.

Dữ liệu việc làm tháng 2 của Mỹ trái chiều, với số việc làm tăng thêm đạt 275.000 việc làm so với dự báo chỉ 198.000 việc, ám chỉ nền kinh tế vẫn đang hoạt động khá nóng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 3,9% và tăng trưởng tiền lương thấp hơn lo ngại.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,93%, S&P 500 mất 0,26%, Nasdaq Composite giảm 1,17%.

Kết thúc phiên 8/3: Chỉ số Dow Jones giảm 68,66 điểm (-0,18%), xuống 38.722,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,67 điểm (-0,65%), xuống 5.123,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 188,26 điểm (-1,16%), xuống 16.085,11 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, các cổ phiếu liên quan đến chip đi xuống, trong khi đồng yên tăng giá cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,19% xuống 38.820,49 điểm. Chỉ số Topix mất 2,20% xuống 2.666,83 điểm.

Đồng yen mạnh lên so với đồng USD là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ từ bỏ chính sách lãi suất âm tại cuộc họp vào tuần tới.

Ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách của BOJ đang nói về ý tưởng chấm dứt lãi suất âm trong tháng này, nhờ kỳ vọng tiền lương tăng mạnh trong năm nay, bốn nguồn tin quen thuộc cho biết.

Phiên này, các cổ phiếu chip ảnh hưởng mạnh đến nhất thị trường, với các ông lớn như nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron mất 3,15% và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest giảm 4,78%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đã làm dấy lên hy vọng về một kinh tế phục hồi,

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,74% lên 3.068,46 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,25% lên 3.589,26 điểm.

Dữ liệu được công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 0,7% trong tháng 2 so với một năm trước đó, so với mức tăng 0,3% dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters.

Đây là lần tăng tỷ lệ lạm phát đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2023. Vào tháng 1, chỉ số này giảm với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm.

Đáng chú ý khác trong phiên này là nhóm cổ phiếu bất động sản tăng 3,3%, sau khi có thông tin các nhà quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn tăng cường tài chính hỗ trợ cho nhà phát triển China Vanke.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ khởi sắc, cũng như khả năng hạ thấp chuẩn cho nhà đầu tư trên Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,43% lên 16.587,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,63% lên 5.748,89 điểm.

Người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán Hồng Kông đã đề xuất hạ thấp rào cản đầu tư cho các nhà giao dịch Trung Quốc đại lục để nâng doanh thu thị trường và thúc đẩy tâm lý chung.

Yêu cầu tài sản tối thiểu để đầu tư vào chứng khoán Hồng Kông thông qua chương trình kết nối chứng khoán nên được hạ xuống 100.000 nhân dân tệ (13.900 USD) từ 500.000 nhân dân tệ hiện tại, theo một trong hai đệ trình của Tim Lui, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Tương lai (SFC).

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, cũng do các nhà sản xuất chip lùi khi giới đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 20,51 điểm, tương đương 0,77% xuống 2.659,84 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,23% và SK Hynix mất 3,08%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,5%.

Các mã khác giảm đáng kể như Hyundai Motor giảm 3,75% và Kia Corp mất 1,71%.

Kết thúc phiên 11/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 868,45 điểm (-2,19%), xuống 38.920,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,44 điểm (+0,74%), lên 3.068,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 234,18 điểm (+1,43%), lên 16.587,57 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,51 điểm (-0,77%), xuống 2.659,84 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thúc đẩy tín dụng: Ai cần vay, ai được cho vay?

Dự kiến, tuần này sẽ diễn ra hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Các ngân hàng thừa nhận ế vốn, song trong tình trạng: doanh nghiệp cần vốn thì không dám cho vay, trong khi đối tượng được chào đón lại không có nhu cầu vay..>> Chi tiết

- Hàng chục cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử

Đà tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu trong thời gian qua được hỗ trợ bởi yếu tố vĩ mô hoặc doanh nghiệp có câu chuyện riêng..>> Chi tiết

- Nhịp dừng cần thiết

Trong phiên giảm điểm cuối tuần qua, một số nhà đầu tư quyết định mua trở lại sau khi bán ra vào đầu tuần trước đó. Mức lợi nhuận họ kiếm được trong nhịp vừa rồi tầm 5-10%..>> Chi tiết

- Bước vào giai đoạn tích lũy

VN-Index tuần qua giảm gần 1%, nhưng có thể cảm nhận rõ áp lực chốt lời đang âm thầm diễn ra và phiên giảm mạnh cuối tuần là hệ quả tất yếu của quá trình dồn cung trước đó..>> Chi tiết

- Lãi suất âm cuối cùng trên thế giới sắp kết thúc

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là sẽ loại bỏ mức lãi suất âm cuối cùng trên thế giới trong những tuần tới, đánh dấu sự kết thúc cuộc thử nghiệm lớn của các ngân hàng trung ương toàn cầu với các chính sách tiền tệ không chính thống..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn