Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán điều chỉnh sẽ mang lại nhiều cơ hội

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 31/3 tăng 800.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 99,50 – 101,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 28,1 USD lên mức 3.084,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên vùng 3.120 USD, trước khi lùi về gần 3.110 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,99 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.837 đồng/USD, giảm 6 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.380 – 25.740 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ hơn 82.500 USD lên 82.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã suy giảm và lùi sát 81.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,35 USD (+0,50%), lên 69,71 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,52 USD (+0,71%), lên 74,15 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 10 điểm

Thị trường giảm điểm từ sớm khi áp lực bán dâng cao trên diện rộng. Mặc dù vậy, việc lực cung chững lại trong phiên chiều đã giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn và đà rơi của chỉ số đã ngừng lại quanh ngưỡng 1.305 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 31/3: VN-Index giảm 10,60 điểm (-0,80%), xuống 1.306,86 điểm; HNX-Index giảm 3,14 điểm (-1,32%), xuống 235,06 điểm; UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,58%), xuống 98,05 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (28/3), khi giới đầu tư ngày càng tỏ ra thận trọng bởi những ảnh hưởng tiềm tàng từ chính sách thương mại của ông Donald Trump cũng như chỉ số lạm phát gia tăng.

Dữ liệu quan trọng nhất được theo dõi là Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 2 đã 0,4% và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên lo ngại về lạm phát dai dẳng.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,96%, S&P 500 mất 1,53% và Nasdaq Composite giảm 2,59%.

Kết thúc phiên 28/3: Chỉ số Dow Jones giảm 155,09 điểm (-0,37%), xuống 42.299,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,89 điểm (-0,33%), xuống 5.693,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 94,98 điểm (-0,53%), xuống 17.804,03 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản bị bán tháo và lùi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng do lo ngại gia tăng về chính sách thuế quan của Mỹ

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,05% xuống 35.617,56, mức thấp nhất kể từ ngày 6/8/2024 và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ phiên 30/9/2024.

Chỉ số Topix giảm 3,57% xuống 2.658,73 điểm.

"Tâm lý của các nhà đầu tư đã suy yếu vì có rất nhiều điều không chắc chắn trước thông báo về thuế quan đối ứng của ông Donald Trump”, Hiroyuki Ueno, chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management cho biết.

Hôm Chủ nhật, ông Trump cho biết thuế quan có đi có lại mà ông sẽ công bố sẽ bao gồm tất cả các quốc gia, không chỉ một nhóm nhỏ hơn gồm 10 đến 15 quốc gia có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư đón nhận thông tin về mức thuế quan sâu rộng hơn từ Mỹ, trong khi dữ liệu tích cực về hoạt động sản xuất đã giúp thị trường cân bằng hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,46% xuống 3.335,75 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,71% xuống 3.887,31 điểm.

Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong một năm vào tháng 3, trong khi tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt mức cao nhất trong ba tháng.

Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất đạt 50,5 điểm, tăng so với mức 50,2 điểm của tháng 2. Chỉ số hoạt động phi sản xuất, bao gồm lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, đã tăng lên 50,8 điểm từ 50,4 điểm của tháng trước.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống trong bốn tuần, khi các nhà đầu tư lo lắng về thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,31% xuống 23.119,58 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,05% xuống 8.516,55 điểm.

Stephen Innes, giám đốc điều hành tại SPI Asset Management ở Bangkok cho biết "Những quốc gia sẽ chịu mức thuế đối ứng của Mỹ vẫn là ẩn số và điều đó khiến nhà đầu tư chùn bước. Nhưng có một điều rất rõ ràng: các quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ đang vào tầm ngắm".

Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc, trong bối cảnh lo ngại về thuế quan đối ứng của Mỹ, và những cảnh báo về việc đảo ngược lệnh cấm bán khống trong nước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 76,86 điểm, tương đương -3% xuống 2.481,12 điểm.

Đồng Won phiên này đã suy yếu rõ rệt so với đồng USD và chạm mức thấp nhất trong khoảng 16 năm, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tác động của các kế hoạch thuế quan sâu rộng của chính quyền Donald Trump và việc nối lại bán khống trong nước.

Kết thúc phiên 31/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.502,77 điểm (-4,05%), xuống 35.617,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,56 điểm (-0,46%), xuống 3.335,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 307,02 điểm (-1,31%), xuống 23.119,58 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 76,86 điểm (-3,00%), xuống 2.481,12 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng, các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay, ưu đãi về phí… cùng nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng nhằm đẩy vốn vào nền kinh tế..>> Chi tiết

- Các nhịp điều chỉnh của VN-Index do biến động tỷ giá không quá mạnh

Trong bối cảnh chỉ số USD-Index mạnh lên, Ngân hàng Nhà nước gần đây liên tục nâng tỷ giá trung tâm của VND so với USD, tăng khoảng 2% so với đầu năm 2025..>> Chi tiết

- Dòng tiền thận trọng và phân hóa

Chỉ số chung giảm điểm, khối ngoại bán ròng, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được nhiều nhà đầu tư quan tâm..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư có dấu hiệu gia tăng sử dụng đòn bẩy

Thị trường chứng khoán điều chỉnh kỹ thuật, trong khi nền tảng nội tại vững chắc, sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư..>> Chi tiết

- Kinh tế Mỹ với nỗi lo đình lạm

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tăng cao hơn dự báo trong tháng 2/2025, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng nhẹ..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn