Thị trường tài chính 24h: Cơ hội tích lũy các cổ phiếu chất lượng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 29/7 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 22,7 USD lên 2.387 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá tăng nhẹ lên gần 2.395 USD, trước khi lùi về gần 2.390 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,54 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.252 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.115 – 25.455 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 68.800 xuống 67.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục và lên gần 70.000 USD và hạ nhiệt nhje về 69.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,24 USD (-0,31%), xuống 76,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,21 USD (-0,26%), xuống 80,96 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục hồi phục nhẹ

Dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài khiến thanh khoản thị trường mất hút, nhưng áp lực bán được tiết chế đã giúp VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên.

Điểm nóng thị trường thuộc về các mã vừa và nhỏ với QCG bật hồi từ giá sàn lên mức giá trần. Hay HVN, HVH, BFC cũng được mua bắt đáy mạnh và đóng cửa ở sắc tím.

Trong khi đó, HBC và HNG về giá sàn sau khi nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc. Ba mã khác có tính đầu cơ cao là DLG, LDG và RDP cũng giảm về giá sàn.

Kết thúc phiên giao dịch 29/7: VN-Index tăng 4,49 điểm (+0,36%), lên 1.246,6 điểm; HNX-Index tăng 0,86 điểm (+0,36%), lên 237,52 điểm; UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,3%), lên 95,46 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (26/7), khi dữ liệu lạm phát được công bố thúc đẩy khả năng Fed hạ lãi suất.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 của Mỹ - một thước đo lạm phát ưa thích của Fed đã nhích 0,1% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp với dự báo.

Thông tin lạm phát tích cực này cũng làm tăng hy vọng về việc có nhiều đợt hạ lãi suất hơn trong năm nay.

Trong tuần, Dow Jones tăng 0,8% S&P 500 giảm 0,8%, còn Nasdaq Composite mất 2,1%.

Kết thúc phiên 26/7: Chỉ số Dow Jones tăng 654,27 điểm (+1,64%), lên 40.589,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 59,88 điểm (+1,11%), lên 5.459,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 176,16 điểm (+1,03%), lên 17.357,88 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt từ mức thấp nhất trong ba tháng nhờ lực cầu bắt đáy và ảnh hưởng tích cực từ Phố Wall có phiên tăng mạnh cuối tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,13% lên 38.468,63 điểm. Chỉ số Topix tăng 2,23% lên 2.759,67 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 trước phiên này đã có chuỗi giảm tám phiên liên tiếp và chạm mức yếu nhất kể từ cuối tháng 4, trong bối cảnh đồng yên tăng vọt và cổ phiếu công nghệ suy yếu.

"Sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ Mỹ cuối cùng đã tạm dừng... vì vậy điều đó dường như là yếu tố tích cực đến thị trường Nhật Bản”, Masahiro Ichikawa, chiến lược gia thị trường trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Các nhà đầu tư đã mua bắt đáy mạnh, với 215 cổ phiếu trên Nikkei 225 tăng điểm.

Trong đó, những tên tuổi lớn như hai cổ phiếu chip Tokyo Electron và Advantest lần lượt tăng 2,7% và 3,4%, trong khi SoftBank Group tăng gần 3% và Fast Retailing, tăng 1,4%.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi giới đầu tư có phần thận trọng trước cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị nước này vào cuối tuần.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,03% lên 2.891,85 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,54% xuống 3.390,74 điểm.

Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu sẽ có cuộc họp trong những ngày tới và dự kiến sẽ làm rõ một số các biện pháp chính sách ngắn hạn, sau các kế hoạch cải cách đã được đặt ra ra mắt tại Hội nghị Trung ương thứ ba hai tuần trước.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh nhất trong hai tuần, được thúc đẩy bởi lợi nhuận công nghiệp lạc quan và kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc sắp tới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,49% lên 17.275,69 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,45% lên 6.097,71 điểm.

Các cổ phiếu lớn như Alibaba tăng 5,5% và JD.com tăng 2%, trong khi Tencent tăng 1,64%.

Các nhà giao dịch hiện đang để mắt đến nhiều hỗ trợ chính sách hơn từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc trong tuần này, sau những động thái bất ngờ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) khi liên tiếp cắt giảm lãi suất chính sách gần đây.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, dẫn đầu là cổ phiếu ô tô và tài chính, sau khi Phố Wall có phiên cuối tuần trước đầy phấn khích.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 33,63 điểm, tương đương 1,23% lên 2.765,53 điểm.

Chỉ số thiết bị vận tải tăng 2,4% nhờ Hyundai Motor tăng 4,93% và hãng xe liên quan là Kia Corp tăng 1,43%.

Hai chỉ số phụ khác tăng tích cực là chỉ số ngành tài chính tăng 1,8%, và chỉ số chứng khoán tăng 2,59%.

Cổ phiếu ô tô và tài chính nằm trong số những ngành được coi là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình "nâng cao giá trị doanh nghiệp" của chính phủ, được thiết kế để thúc đẩy thị trường chứng khoán bằng cách khuyến khích chi trả cổ tức cao hơn.

Mặt khác vào tuần trước, Hàn Quốc đã có đề xuất cắt giảm thuế như một phần của thúc đẩy rộng hơn để thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước.

Kết thúc phiên 29/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 801,22 điểm (+2,13%), lên 38.468,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,95 điểm (+0,03%), lên 2.891,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 237,21 điểm (+1,39%), lên 17.258,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 33,63 điểm (+1,23%), lên 2.765,53 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Với kết quả 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ quay lại mục tiêu kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát

Những kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm qua là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quay lại mục tiêu ban đầu đó là kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát..>> Chi tiết

- Cơ hội tái cấu trúc danh mục

VN-Index tuần qua điều chỉnh, đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới. Tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp này mở ra cơ hội hạ tỷ trọng các cổ phiếu yếu kém và tích lũy các cổ phiếu chất lượng..>> Chi tiết

- “Thay máu” dòng tiền

Nhà đầu tư vừa trải qua một tuần giao dịch đầy khó khăn khi thị trường chung giảm khá sốc, ngay cả những cổ phiếu ngân hàng đã mở biên độ tăng mạnh trước đó cũng bị bán ra, hay các cổ phiếu chứng khoán có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II/2024 cũng bị bán tháo theo thị trường..>> Chi tiết

- VN-Index kích hoạt nhịp hồi

Tuần giao dịch từ ngày 22 - 26/7/2024 là một tuần giảm điểm sâu của VN-Index khi chỉ số đóng cửa tại 1.242,11 điểm, ghi nhận mức giảm 1,8%..>> Chi tiết

- Mỹ: "Dò" chính sách sau bầu cử

Nhiều tập đoàn lớn cũng như doanh nghiệp toàn cầu đang lên các kịch bản ứng phó với những động thái chính sách dự kiến sẽ được ban hành sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn