Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chưa tìm được nhóm dẫn dắt đủ chất lượng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 11/11 không đổi chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 81,90 – 85,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 22,4 USD xuống 2.684,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,39 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.263 đồng/USD, giảm 15 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.116 – 25.476 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 76.000 USD lên 79.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên ngưỡng 81.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,73 USD (-1,04%), xuống 69,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,61 USD (-0,83%), xuống 73,36 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau ít phút mở cửa le lói sắc xanh nhạt, nhóm bluechip đã gia tăng sức ép, đặc biệt tại các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán và khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh và có thời điểm lùi về sát mốc 1.240 điểm, trước khi bật hồi, thu hẹp đà giảm trong nửa sau của phiên lên 1.250 điểm khi đóng cửa.

Thanh khoản là điểm nhấn khi chạm mức cao nhất trong hơn 1 tháng, đạt gần 20.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Kết thúc phiên giao dịch 11/11: VN-Index giảm 2,24 điểm (-0,18%), xuống 1.250,32 điểm; HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,01%), xuống 226,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,27%) lên 92,4 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (8/11), khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào các chính sách của Trump và nới lỏng các quy định hơn.

Trong tuần, Dow Jones tăng 4,61%, chỉ số S&P 500 tăng 4,66%, Nasdaq tăng 5,74%.

Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số Dow Jones tăng 259,65 điểm (+0,59%), lên 43.988,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,44 điểm (+0,38%), lên 5.995,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 17,32 điểm (+0,09%), lên 19.286,78 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi sự ảm đạm bủa vây trong phần lớn thời gian giao dịch.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,08% lên 39.533,32 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,09% xuống 2.739,68 điểm.

Về mặt tích cực, Sony đã tăng hơn 6% sau khi lợi nhuận hoạt động của nhà sản xuất thiết bị âm thanh và trò chơi tăng 73% trong quý vừa qua.

Cổ phiếu Suzuki Motor tăng 4,4% sau khi nâng dự báo lợi nhuận ròng và cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025.

Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng, nhưng tâm lý giới đầu tư vẫn đang thất vọng khi thiếu vắng các kế hoạch kích thích quy mô lớn để phục hồi nhu cầu và chống giảm phát.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,51% lên 3.470,07 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,66% lên 4.131,13 điểm.

Hôm thứ Sáu, sau khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc đã công bố gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1.390 tỷ USD) để giảm bớt căng thẳng tài chính của chính quyền địa phương và ổn định tăng trưởng kinh tế đang suy giảm.

Tuy nhiên, cả hai chương trình đều gây thất vọng với nhiều nhà kinh tế cũng như giới đầu tư, những người kỳ vọng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn để vực dậy tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Các biện pháp được Trung Quốc công bố trông giống như một nỗ lực để sửa chữa bảng cân đối kế toán của chính phủ hơn là kích thích nền kinh tế trực tiếp và làm giảm hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ", Kyle Rodda, một nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi thông báo chính sách mờ nhạt của Bắc Kinh vào thứ Sáu khiến các nhà đầu tư thất vọng. Trong khi lo ngại cũng gia tăng về thuế quan của Mỹ sau cuộc bầu cử.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,45% xuống 20.426,93 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,42% xuống 7.355,57 điểm.

Cổ phiếu bất động sản dẫn đầu đà giảm chung ở Hồng Kông, với Longfor Group giảm 5,1%, New World Development giảm 1,88% và Sun Hung Kai Properties mất 2,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi Samsung Electronics giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, trong bối cảnh bất ổn gia tăng về chính sách thương mại của chính quyền mới của ông Trump mới.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI mất 29,49 điểm, tương đương 1,15% xuống 2.531,66 điểm.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tiếp tục bán ròng cổ phiếu Samsung Electronics trong chín phiên liên tiếp từ ngày 30/10. Chuỗi bán ròng diễn ra sau đợt bán ra trước đó trong 33 phiên liên tiếp từ ngày 3/9 đến ngày 25/10, với tổng giá trị 12,9 nghìn tỷ won, trong bối cảnh lo ngại rằng nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đã mất ưu thế trong bối cảnh nhu cầu chip AI bùng nổ.

Ngoài ra, sự thay đổi trong chính sách thương mại và kinh tế dưới thời chính quyền Trump sắp tới cũng đè nặng lên Samsung Electronics và các cổ phiếu bán dẫn khác.

Cổ phiếu Samsung Electronics giảm 3,51% xuống 55.000 won, đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/9/2022.

Kết thúc phiên 11/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 32,95 điểm (+0,08%), lên 39.533,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,77 điểm (+0,51%), lên 3.470,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 301,26 điểm (-1,45%), xuống 20.426,93 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 29,49 điểm (-1,15%), xuống 2.531,66 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Hết thời hạn, gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 3,05%

Đây là thông tin do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại Báo cáo ngày 6/11 gửi tới Quốc hội để phục vụ phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 11/11..>> Chi tiết

- Nỗ lực tạo đáy

Thị trường chứng khoán tuần từ 4 - 8/11/2024 chứng kiến nỗ lực hồi phục của VN-Index ở những phiên đầu tuần, nhưng dòng tiền chưa tìm được nhóm dẫn dắt đủ chất lượng để lan tỏa sự hưng phấn và tạo ra một xu hướng tăng trở lại, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất..>> Chi tiết

- Thử thách sự kiên nhẫn

Trong khi nhiều chỉ số chứng khoán thế giới khởi sắc thì thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận diễn biến rung lắc ở các cổ phiếu vốn hóa lớn..>> Chi tiết

- Trung Quốc có thể ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục trong năm nay

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đang trên đà đạt kỷ lục mới trong năm nay, ngày càng khiến nước này va chạm với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng cách làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng trong thương mại toàn cầu..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn