Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 12/11 giảm 1,3 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 80,50 – 84,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm tới 64,9 USD xuống 2.619,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và lùi về 2.595 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,83 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.267 đồng/USD, tăng nhẹ 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.160 – 25.480 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 79.700 USD lên 84.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên gần mốc 90.000 USD/BTC trước khi hạ nhiệt nhẹ về 88.000 USD vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,38 USD (+0,56%), lên 68,42 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,40 USD (+0,56%), lên 72,23 USD/thùng.
VN-Index thêm một phiên giảm nhẹ
Sau phiên sáng giao dịch khá ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều có phần tích cực hơn của dòng tiền giúp thanh khoản cải thiện.
Tuy nhiên, điều ngược lại là nhóm bluechip có thêm nhiều sắc đỏ, trong khi số mã giảm cũng gia tăng trên bảng điện tử đã khiến VN-Index lùi bước. Dù vậy, lực bán không quá mạnh nên VN-Index chỉ giảm về quanh 1.245 điểm và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Kết thúc phiên giao dịch 12/11: VN-Index giảm 5,50 điểm (-0,44%), xuống 1.244,82 điểm; HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,08%), xuống 226,69 điểm; UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 92,39 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Hai (11/11), với Dow Jones vượt ngưỡng 44.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.
Lực đẩy chính cho Dow Jones phiên đầu tuần đến từ nhóm ngân hàng, với JPMorgan Chase và Goldman Sachs lần lượt tăng 1% và 2,2%, Bank of America và Citigroup đều tăng 2%.
Kết thúc phiên 11/11: Chỉ số Dow Jones tăng 304,14 điểm (+0,69%), lên 44.293,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,81 điểm (+0,09%), lên 6.001,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 11,99 điểm (+0,06%), lên 19.298,76 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi nhóm cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn nới đà đi xuống.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 39.376,09 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,07% lên 2.741,52 điểm.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến chip là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, với Advantest giảm 3,2%, cùng với Tokyo Electron giảm 2,8%, Lasertec giảm 4,4% và Disco Corp mất 2,1%.
Trong khi đó, đồng yên yếu hơn đã hỗ trợ cho các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu, với các nhà sản xuất ô tô như Toyota Motor và Suzuki Motor đều nhích 2,4%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do lo ngại một nhân vật diều hâu sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ và có đường lối cứng rắn về thương mại và thuế quan với Trung Quốc.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,39% xuống 3.421,97 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,1% xuống 4.085,74 điểm.
Donald Trump dự kiến sẽ chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng, các đây được cho là lựa chọn diều hâu nhất trong danh sách rút gọn của Trump và là người ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Thông tin ảm đạm khác đến từ báo cáo cho biết các ngân hàng Trung Quốc chỉ cung cấp 500 tỷ Nhân dân tệ (69,51 tỷ USD) trong các khoản vay mới vào tháng 10, thấp hơn nhiều so với dự báo là 700 tỷ Nhân dân tệ. Con số này cho thấy tín dụng đang chậm lại, ảnh hưởng lớn đến sức mua của nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc và giảm xuống dưới 20.000 điểm khi các dữ liệu kinh tế tại Đại lục vẫn cho thấy sự ảm đạm của nền kinh tế.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,84% xuống 19.846,88 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,11% xuống 7.127,14 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, khi các nhà sản xuất chip tiếp tục lùi bước do lo ngại căng thẳng thương mại leo thang.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 49,09 điểm, tương đương 1,94%, xuống 2.482,57 điểm.
Nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 3,6% xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, trong khi công ty cùng ngành SK Hynix mất 3,5%.
Đảng cầm quyền của Hàn Quốc đã đề xuất một đạo luật đặc biệt liên quan đến ngành chip, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất chip để giải quyết rủi ro tiềm ẩn từ các biện pháp đe dọa thuế quan của ông Donald Trump.
Kết thúc phiên 12/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 157,23 điểm (-0,40%), xuống 39.376,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 48,10 điểm (-1,39%), xuống 3.421,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 580,05 điểm (-2,84%), xuống 19.846,88 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 49,09 điểm (-1,94%), xuống 2.482,57 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tiền điện tử được kỳ vọng bước vào "kỷ nguyên vàng"
Các giám đốc điều hành trong lĩnh vực tiền điện tử đang mong đợi sẽ sự thay đổi triệt để trong cách tiếp cận quản lý ở Mỹ sau thất bại trong cuộc đua bầu cử của đảng Dân chủ..>> Chi tiết
- Trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức, song có những cơ sở để kỳ vọng thị trường này sẽ hồi phục một cách tích cực, vững chắc trong thời gian tới..>> Chi tiết
- Thúc đẩy sự phát triển bền vững
Bầu cử Tổng thống Mỹ là sự kiện được giới đầu tư và doanh nhân quan tâm đặc biệt, theo dõi sát sao trong tuần qua..>> Chi tiết
- Goldman Sachs: Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia châu Á có nguy cơ gặp áp lực thuế quan từ chính quyền Trump
Theo Goldman Sachs, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã làm dấy lên nỗi lo về việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc, nhưng đây có thể không phải là quốc gia châu Á duy nhất phải đối mặt với tình trạng khó khăn này..>> Chi tiết