Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước đột ngột tăng mạnh

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 18/7 bất ngờ tăng vọt 2,52 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3,02 triệu đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 78,50 – 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,1 USD xuống 2.458,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 2.470 USD trước khi lùi về 2.465 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,83 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.251 đồng/USD, giảm 5 so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.150 – 25.450 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 64.500 xuống 64.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục dần và lên gần 65.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-0,76%), xuống 81,25 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,12 USD (-1,34%), xuống 83,73 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng điểm

Sau phiên sáng giảm với giao dịch ảm đạm do sự thận trọng trong phiên đáo hạn phái sinh, cũng như dư âm từ phiên lao dốc bất ngờ hôm qua, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục xu hướng đi xuống.

VN-Index rung lắc nhẹ hai nhịp quanh ngưỡng 1.260 điểm (MA100) trước khi để thủng ngưỡng điểm này và bất ngờ đảo chiều lên trên tham chiếu, chạm gần gần 1.275 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 42,23 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 1.052,29 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/7: VN-Index tăng 5,78 điểm (+0,46%), lên 1.274,44 điểm; HNX-Index tăng 1,59 điểm (+0,66%), lên 242,29 điểm; UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,35%), lên 97,61 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Tư (17/7), khi cổ phiếu bán dẫn lao dốc trước sự leo thang tiềm năng của xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Một báo cáo cho thấy chính quyền Biden đang xem xét đưa thêm các biện pháp hạn chế thương mại mới đối với Trung Quốc, khiến nhóm cổ phiếu liên quan đến chip lao dốc và đẩy chỉ số bán dẫn Philadelphia SE giảm 6,8%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Kết thúc phiên 17/7: Chỉ số Dow Jones tăng 243,60 điểm (+0,59%), lên 41.198,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,93 điểm (-1,39%), xuống 5.588,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 512,42 điểm (-2,77%), xuống 17.996,92 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi các cổ phiếu liên quan đến chip bị bán tháo, trong khi đồng yên mạnh lên đè nặng lên các nhà sản xuất ô tô và các nhà xuất khẩu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,36% xuống 40,126,35 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,6% xuống 2.868,63 điểm.

Gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225 khi giảm 8,8%. Các công ty cùng ngành Disco và Screen Holdings lần lượt mất 8,9% và 8,4%.

Trong khi đó, đồng yên đã tăng từ mức thấp nhất là 161,81 yên/USD lên 155,375 yên/USD khiến nhóm cổ phiếu ô tô đồng loạt giảm và ảnh hưởng xấu đến thị trường, với Toyota Motor giảm 3,5%, Nissan giảm 2,3% và Mazda giảm 5,03%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi kỳ vọng về các biện pháp kích thích nền kinh tế sẽ được công bố trong hội nghị quan trọng của đảng cầm quyền nước này sẽ kéo dài trong bốn ngày.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,48% lên 2.977,13 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,53% lên 3.520,93 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng, khi giới đầu đặt kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ sau hội nghị toàn thể lần thứ ba của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,61% lên 17.847,94 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,61% lên 6.335,80 điểm.

Các nhà đầu tư đang háo hức chờ đợi kết quả của Hội nghị Trung ương lần thứ ba của Trung Quốc – cuộc họp kín kéo dài 4 ngày rất được mong đợi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước này. Biên bản cuộc họp sẽ được công bố sau ngày hôm nay.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, với nhóm cổ phiếu và công nghệ chịu sức ép chung từ đà bán tháo nhóm cổ phiếu này trên Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 18,94 điểm, tương đương 0,67%, xuống 2.824,35 điểm.

Theo đó, các cổ phiếu công nghệ, chip với SK hynix giảm 3,63%. LG Electronics giảm 1,07%.

Kết thúc phiên 18/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 971,34 điểm (-2,36%), xuống 40.126,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,28 điểm (+0,48%), lên 2.977,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 70,83 điểm (+0,40%), lên 17.810,24 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 18,94 điểm (-0,67%), xuống 2.824,35 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tài chính tiêu dùng trên đà hồi phục

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính cuối tháng 6, dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, là một trong những động lực chính cho mức tăng trưởng tín dụng 6% toàn ngành trong 6 tháng..>> Chi tiết

- Nhiều ngành thêm bệ đỡ

Những chính sách mới được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tích cực thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực..>> Chi tiết

- Nhiều yếu tố hỗ trợ trong dài hạn

Hai tuần đầu đầu tháng 7/2024, VN-Index có nhịp hồi phục, nhưng chững lại khi chỉ số đối diện ngưỡng 1.300 điểm. Đây chỉ là ngưỡng tâm lý, bị cản trở trong ngắn hạn, còn trong trung hạn có nhiều yếu tố hỗ trợ để bứt phá lên các ngưỡng điểm cao hơn..>> Chi tiết

- Fed có thể sẽ không vội cắt giảm lãi suất

Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết dữ liệu lạm phát giảm đang cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chuyển hướng sang nới lỏng lãi suất, nhưng thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh có nghĩa là không cần phải vội vàng đưa ra quyết định..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn