Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 1/2 tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 76,00 – 78,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 2,3 USD lên 2.039,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 2.030 USD trước khi trở lại gần 2.040 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,68 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.960 đồng/USD, giảm 31 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.240 – 24.580 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 43.400 USD/BTC thì sang phiên hôm nay đã suy yếu và lùi về 42.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,67 USD (+0,88%), lên 76,52 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,64 USD (+0,79%), lên 81,19 USD/thùng.
VN-Index lên gần 1.175 điểm
Sau phiên sáng khá tích cực, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục nhích lên với sắc xanh phủ rộng hơn, cũng như một số bluechip nới thêm đôi chút đà tăng và kéo VN-Index lên gần 1.175 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu chững lại ở nhóm bluechip và dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khiến thị trường không thể tiến xa, VN-Index theo đó chỉ ngập ngừng dưới ngưỡng này cho đến khi đóng cửa, lấy lại một nửa số điểm đã mất trong phiên hôm qua.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,34 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là mua ròng 91,93 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/2: VN-Index tăng 8,71 điểm (+0,75%), lên 1.173,02 điểm; HNX-Index tăng 1,4 điểm (+0,61%), lên 230,57 điểm; UpCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,37%), lên 88,02 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ bị bán mạnh trong phiên thứ Tư (31/1), sau khi Fed thông báo chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất và để ngỏ khả năng tiếp tục duy trì mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp tháng 3.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Chủ tịch Fed đã có phát biểu rằng, Fed chưa đủ tự tin để bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tới vào tháng 3. Điều này khiến giới đầu tư thất vọng, khi đã định giá đầy đủ khả năng này vào thị trường trước đó, gián tiếp đưa các chỉ số chính trên phố Wall đạt mức kỷ lục.
Kết thúc phiên 31/1: Chỉ số Dow Jones giảm 317,01 điểm (-0,82%), xuống 38.150,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 79,32 điểm (-1,61%), xuống 4.845,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 345,88 điểm (-2,23%), xuống 15.164,01 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell dập tắt hy vọng về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng Ba.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei giảm 0,76% xuống 36.011,46 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn giảm 0,67% xuống 2.534,04 điểm.
Cổ phiếu Nomura Holdings tăng 5,15%, sau khi công ty môi giới và ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản tuyên bố rằng họ sẽ mua lại tới 4% tổng số cổ cổ phiếu đang lưu hành nhờ báo cáo doanh thu kỷ lục từ bộ phận ngân hàng đầu tư.
Trong khi đó, ngân hàng Aozora là ngân hàng hoạt động kém nhất, giảm 21,49%, tiếp theo là công ty dược phẩm Sumitomo Pharma Co, giảm 18,43%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi một cuộc khảo sát của khu vực tư nhân cho thấy hoạt động nhà máy mở rộng khiêm tốn trong tháng 1.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,64% xuống 2.770,74 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,07% lên 3.217,71 điểm.
Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của Caixin/S&P ở mức 50,8 điểm trong tháng 1, gần như, không thay đổi so với tháng 12/2033 và vượt nhẹ so với dự báo của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, kết quả tích cực trái ngược với nhiều cuộc khảo sát chính thức lớn hơn vào thứ Tư cho thấy hoạt động sản xuất vẫn trong vùng thu hẹp vào tháng trước, chỉ ra một nền kinh tế vẫn hoạt động kém hiệu quả cần được hỗ trợ chính sách nhiều hơn.
Một chiến dịch giải cứu đang được tiến hành trên thị trường chứng khoán Trung Quốc với dòng chảy lớn và bất thường vào các quỹ bluechip bởi các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các gã khổng lồ công nghệ và chăm sóc sức khỏe bật mạnh.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,52% lên 15.566,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,57% lên 5.223,48 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, sau khi dữ liệu xuất khẩu cao hơn một chút so với dự báo.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 45,37 điểm, tương đương 1,82%, lên 2542,46 điểm.
Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 18% và ghi nhận tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Giêng, với doanh số bán chip tăng mạnh nhất trong sáu năm.
Kết thúc phiên 1/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 274,35 điểm (-0,76%), xuống 36.011,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,81 điểm (-0,64%), xuống 2.770,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 81,14 điểm (+0,52%), lên 15.566,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 45,37 điểm (+1,82%), lên 2.542,46 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- “Lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên”
Đó là nhận định của ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu của HSBC về chính sách tiền tệ của Việt Nam..>> Chi tiết
- Thông tư 22 không cấm thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai khi vay vốn
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố những thông tin liên quan đến quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài..>> Chi tiết
- Dự báo kinh tế Eurozone tiếp tục trì trệ trong thời gian tới
Theo báo cáo sơ bộ của Eurostat, tăng trưởng của 20 nền kinh tế trong khu vực chững lại (0%) trong quý IV/2023..>> Chi tiết