Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước nhảy múa khi ngày Thần Tài đến gần

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/2 tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 76,20 – 78,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,1 USD lên 2.004 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ lên 2.005 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,33 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.971 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm quaQuý Mão (ngày 7/2). Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.340 – 24.680 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 52.200 USD thì sang phiên hôm nay đã chững lại và đi ngang cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,55 USD (-0,70%), xuống 77,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,73 USD (-0,88%), xuống 82,13 USD/thùng.

VN-Index vượt 1.200 điểm

Trong phiên sáng hôm nay, sự luân chuyển nhịp nhàng của dòng tiền đã giúp VN-Index vững vàng trên vùng kháng cự mạnh 1.200 điểm.

Lực cầu vẫn hoạt động tích cực giúp thị trường duy trì đà tăng điểm. Mặc dù nhóm ngân hàng điều chỉnh, nhưng các mã lớn khác, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản như GVR, VIC, VHM, đã trỗi dậy tiếp sức thị trường và VN-Index trở lại vùng giá cao nhất trong ngày và cũng là mức giá đóng cửa cao nhất từ cuối tháng 9/2023 đến nay tại gần 1.210 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,81 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 407,27 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/2: VN-Index tăng 7,2 điểm (+0,6%), lên 1.209,7 điểm; HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,13%), lên 233,04 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 90,06 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi trong phiên ngày thứ Năm (15/2), sau khi giảm mạnh vào đầu tuần.

Nhà đầu tư đã dành tuần này để đánh giá tình hình kinh tế Mỹ, nhưng cho đến nay, một loạt chỉ số đã đưa ra những tín hiệu trái chiều.

Dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 0,8% trong tháng 1, cao hơn so với dự báo giảm 0,3% từ các chuyên gia kinh tế. Điều này làm gia tăng một số lo ngại về sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ dưới sức ép của lạm phát dai dẳng và lãi suất cao, đồng thời khiến lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.

Kết thúc phiên 15/2: Chỉ số Dow Jones tăng 348,85 điểm (+0,91%), lên 38.773,12 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,11 điểm (+0,58%), lên 5.029,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 47,03 điểm (+0,30%), lên 15.906,17 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 34 năm và đang trên đà hướng tới mức đỉnh lịch sử đạt vào năm 1980.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,86% lên 38.487,24 điểm. Từ đầu năm, chỉ số này đã tăng 14%. Chỉ số Topix tăng 1,27% lên 2624,73 điểm.

"Tốc độ tăng của Nikkei 225 đang nhanh hơn tôi mong đợi, nhưng tôi nghĩ điều đó là hợp lý với những cải tiến cơ bản như cải cách quản trị doanh nghiệp, Kenji Abe, một nhà phân tích tại Daiwa Securities cho biết.

Thị trường được thúc đẩy bởi phiên tăng mạnh mẽ trên Phố Wall qua đêm, với các cổ phiếu lớn đều tăng như Toyota Motor tăng 0,95%, Fast Retailing tăng 1,08% và Recruit Holdings tăng 4%.

Thông tin đáng chú ý khác là Thống đốc BOJ Kazuo Ueda trả lời trước quốc hội Nhật Bản rằng ngân hàng trung ương sẽ xem xét liệu có nên duy trì các biện pháp nới lỏng tiền tệ hay không, khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Chứng khoán Trung Quốc đang trong dịp nghỉ tết Âm lịch.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu trước khi mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,45% lên 16.335,20 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,76% lên 5.560,15 điểm.

Các nhà giao dịch cho biết các nhà đầu tư đang đặt cược lớn cho một khởi đầu thuận lợi với tâm lý tích cực chờ đợi động thái của chính quyền Trung Quốc để hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm qua trên Phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 34,96 điểm, tương đương 1,34%, lên 2.648,76 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,27% và SK Hynix mất 1,28%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 3,7%.

Kết thúc phiên 16/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 329,30 điểm (+0,86%), lên 38.487,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 390,57 điểm (+2,45%), lên 16.335,20 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 34,96 điểm (+1,34%), lên 2.648,76 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bảy lực đỡ thị trường năm mới

Năm 2023, VN-Index tăng 12,2%, đạt gần 1.130 điểm. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024, với các lực đỡ đến từ cả trong và ngoài nước..>> Chi tiết

- Chủ tịch ECB cảnh báo sẽ không cắt giảm lãi suất quá sớm

Hôm thứ Năm (15/2), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo rằng không nên vội vàng cắt giảm lãi suất vì tiền lương tăng đang trở thành động lực ngày càng quan trọng của lạm phát..>> Chi tiết

- IEA: Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ yếu hơn trong năm nay

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng với tốc độ yếu hơn đáng kể trong năm nay, trong khi sản lượng tăng vọt từ châu Mỹ sẽ giúp thúc đẩy nguồn cung bất chấp việc hạn chế sản lượng từ OPEC+..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn