Thị trường tài chính 24h: Hé lộ triển vọng lợi nhuận quý III tích cực ở nhiều doanh nghiệp

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 25/9 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 81,50 – 83,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh 28,6 USD lên 2.657,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và lùi nhẹ về 2.655 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.134 đồng/USD, giảm 12 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.410 – 24.750 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng không đáng kể từ 63.200 USD lên 63.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã có lúc vượt 64.600 USD, trước khi lùi về 63.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,30 USD (-0,42%), xuống 71,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,26 USD (-0,35%), xuống 74,91 USD/thùng.

VN-Index chạm gần 1.290 điểm

Dòng tiền sôi động đã lan tỏa mạnh trên bảng điện tử giúp VN-Index bật tăng từ sớm và lên gần 1.290 điểm khi kết thúc phiên sáng.

Mặc dù VN-Index chưa thể chạm được mốc 1.290 điểm khi đóng cửa, nhưng với diễn biến tích cực từ các nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã lan sang các nhóm ngành khác như bất động sản, phân bón…, thanh khoản xác nhận phiên cao nhất trong hơn 1 tháng qua, đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào nhịp tăng được kéo dài hơn.

Kết thúc phiên giao dịch 25/9: VN-Index tăng 10,49 điểm (+0,82%), lên 1.287,48 điểm; HNX-Index tăng 1,52 điểm (+0,65%), lên 235,84 điểm; UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%) xuống 93,5 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (24/9), khi nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn được giới đầu tư ưu ái.

Cổ phiếu Nvidia tăng 4% sau khi có thông báo CEO Jensen Huang đã hoàn tất việc bán ra cổ phiếu.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy niềm tin tiêu dùng của người Mỹ đã giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua, đạt 98,7 điểm trong tháng 9, thấp hơn so với mức dự báo là 104 điểm từ các chuyên gia.

Kết thúc phiên 24/9: Chỉ số Dow Jones tăng 83,57 điểm (+0,20%), lên 42.208,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,36 điểm (+0,25%), lên 5.732,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 100,25 điểm (+0,56%), lên 18.074,52 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi áp lực chốt lời gia tăng về cuối phiên.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,19% xuống 37.870,26 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,23% xuống 2.650,50 điểm.

Các cổ phiếu chip như Advantest tăng 3,6%, trong khi Tokyo Electron giảm 0,71%% sau khi hoạt động chốt lời dâng cao về cuối ngày gây tác động mạnh đến chỉ số.

Tuy nhiên, hiệu suất tích cực đến từ các cổ phiếu liên quan đến máy móc, sau khi Trung Quốc thông báo loạt biện pháp kích thích kinh tế mới.

Theo đó, cổ phiếu ngành máy móc tăng 2,5%, dẫn đầu đà tăng trong số 33 chỉ số chính của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, với những cái tên như Daikin Industries tăng 3,4%, nhà sản xuất thiết bị điện Yaskawa Electric Corp, tăng 5,6%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khi các nhà giao dịch tiếp tục đặt kỳ vọng gói kích thích trên diện rộng của Bắc Kinh sẽ giúp thị trường đảo chiều và thúc đẩy nền kinh tế đang chậm chạp của nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,16% lên 2.896,31 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,48% lên 3.401,53 điểm.

"Các gói biện pháp nới lỏng mới nhất của Trung Quốc để hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán là một động thái tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư sẽ không thấy các biện pháp này là đủ để giải quyết vấn đề giảm phát. Các biện pháp này sẽ không hiệu quả trong việc thúc đẩy tiêu dùng rất cần thiết", các nhà kinh tế của Morgan Stanley lưu ý.

Các biện pháp hỗ trợ được chính quyền Trung Quốc công bố hôm thứ Ba bao gồm cắt giảm lãi suất, bơm thêm thanh khoản cho các ngân hàng, ưu đãi mua nhà và kế hoạch xem xét thành lập một quỹ bình ổn chứng khoán.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi giới đầu tư vẫn đang phản ứng tích cực với những gói kích thích kinh tế mới của Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,46% lên 19.087,23 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,51% lên 6.748,83 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều giảm, ảnh hưởng bởi lực bán chốt lời gia tăng sau khi leo lên mức cao nhất trong ba tuần qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 35,36 điểm, tương đương -1,34% xuống 2.596,32 điểm.

Các cổ phiếu lớn đều giảm, với Samsung Electronics giảm 1,6% và nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor giảm 0,59% và cổ phiếu liên quan là Kia giảm 0,96%.

Cổ phiếu tài chính cũng yếu. KB Financial giảm 4,88% và Samsung Life Insurance giảm 4,5%.

Kết thúc phiên 25/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 70,33 điểm (-0,19%), xuống 37.870,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 33,18 điểm (+1,16%), lên 2.896,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 86,67 điểm (+0,46%), lên 19.087,23 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 35,36 điểm (-1,34%), xuống 2.596,32 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Gánh nặng dự phòng nợ xấu có nguy cơ tăng vọt tại các ngân hàng

Nếu không có cơ chế hỗ trợ, năm nay, hàng loạt ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ trích lập dự phòng nợ xấu đột ngột tăng vọt, ăn mòn lợi nhuận..>> Chi tiết

- Hé lộ điểm sáng lợi nhuận quý III

Thông tin từ doanh nghiệp cũng như ước tính của giới phân tích đã hé lộ triển vọng lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng tích cực ở nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành..>> Chi tiết

- “Cánh cửa” minh bạch thông tin của doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tính biến động rất cao, đặc biệt với sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư cá nhân. Để xây dựng lòng tin bền vững giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, các hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) cần được quan tâm nghiêm túc, thường xuyên, với tinh thần tôn trọng cổ đông..>> Chi tiết

- Đọc nhanh và đọc chậm: Câu chuyện từ quy tắc Sahm và dự báo suy thoái

Trào lưu tiêu thụ nội dung nhanh, dễ tiếp thu, đơn giản hóa tối đa, không cần chuyên sâu, đang lên ngôi. Đây không chỉ đơn giản là một trào lưu, mà phản ánh một lối suy nghĩ: “đọc nhanh, nghĩ nhanh, ra quyết định nhanh”. Tuy nhiên, ra quyết định vội vã dựa trên những thông tin nhanh có thể “việt vị” do hành động trước khi nghĩ kỹ..>> Chi tiết

- Các nhà sản xuất thép châu Âu kêu gọi EU giải quyết tình trạng nhập khẩu thép từ Trung Quốc

Các nhà sản xuất thép châu Âu đã kêu gọi các nhà chức trách giải quyết tình trạng xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng đột biến khiến giá thép tại châu Âu giảm xuống dưới giá thành sản xuất..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn