Thị trường tài chính 24h: Không thể phủ nhận dấu ấn của nhóm nhà đầu tư thế hệ 9x

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/2 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 700.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 76,50 – 78,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 1,7 USD lên 2.025,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên gần 2.035 USD trước khi lùi về gần 2.030 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,68 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.981 đồng/USD, giảm 12 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.420 – 24.760 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ xuống gần 51.300 USD thì sang phiên hôm nay đã nhích dần và lên gần 52.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,21 USD (+0,27%), lên 78,12 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,26 USD (+0,31%), lên 83,29 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng chủ yếu giằng co, rung lắc nhẹ do bảng điện tử phân hóa và dòng tiền thận trọng hơn ở nhóm bluechip, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn xu hướng này và đóng cửa giảm nhẹ. Điểm khác biệt đến từ lực cầu có phần gia tăng mạnh hơn ở nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ, giúp giảm bớt sự nhàm chán chung.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 27,29 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 922,03 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/2: VN-Index giảm 2,73 điểm (-0,22%), xuống 1.227,31 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,07%), lên 234,01 điểm; UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,04%), xuống 90,57 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Tư (21/2), khi giới đầu tư càng trở nên thận trọng trước khi Nvidia công bố kết quả kinh doanh cho quý cuối cùng của năm 2023.

Đáng chú ý khác là biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố đã cho thấy rằng các quan chức của ngân hàng trung ương đã có sự đồng thuận về việc sẽ không có đợt hạ lãi suất nào xảy ra cho đến khi Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có “niềm tin lớn hơn” rằng lạm phát đang hạ nhiệt.

Kết thúc phiên 21/2: Chỉ số Dow Jones tăng 48,44 điểm (+0,13%), lên 38.612,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,29 điểm (+0,13%), lên 4.981,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 49,91 điểm (-0,32%), xuống 15.580,87 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, vượt qua mức đỉnh 34 năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,19% lên 39.098,68 điểm. Kỷ lục trước đó là 38.915,87 điểm, được thiết lập vào ngày 29/12/1989.

"Thật khó để đo lường tác động tâm lý đối với người dân Nhật Bản khi Nikkei 225 quay trở lại, vì một thế hệ chưa bao giờ thấy mức cao như vậy. Sức hút của thị trường có thể thu hút lượng thanh khoản trong nước không lường trước được", Richard Kaye, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Comgest có trụ sở tại Nhật Bản cho biết.

Chỉ số này đã tăng gần 17% trong năm nay sau khi tăng 28% vào năm 2023 và là thị trường chứng khoán lớn ở châu Á hoạt động tốt nhất. Trong khi đó, Nasdaq đã tăng 43% vào năm ngoái và tăng 6% cho đến nay vào năm 2024.

Đà tăng của Nikkei 225 đã thách thức suy thoái kinh tế ở Nhật Bản, xung đột ở châu Âu và Trung Đông, cú sốc lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng trên toàn thế giới.

Những thay đổi về quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản đang thúc đẩy việc mua lại cổ phiếu để tăng giá trị cho cổ đông và tháo gỡ các khoản sở hữu chéo, và các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang thúc đẩy những khoản đầu tư lớn, chẳng hạn như Warren Buffett vào năm 2020.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 6,3 nghìn tỷ yên (42 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán vào năm ngoái và mua 1,16 nghìn tỷ yên vào chứng khoán Nhật Bản vào tháng 1.

Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ tư liên tiếp, dẫn đầu là cổ phiếu than và trí tuệ nhân tạo.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,27% lên 2.988,36 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,86% lên 3.486,67 điểm.

Cổ phiếu than tăng 5,3%, sau khi khu vực đứng đầu sản xuất than Sơn Tây đã phát động chiến dịch hạn chế tăng sản lượng.

Cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI) tăng gần 4% trước khi đóng cửa quanh mức 2,9%, sau khi Nvidia dự báo doanh thu quý IV/2023 vượt dự báo của giới phân tích.

Trong đó, cổ phiếu Cambricon Technologies, một trong những công ty hàng đầu của Trung Quốc liên quan đến chip AI, tăng khoảng 10%.

Mặc dù hiệu suất thị trường chứng khoán được cải thiện gần đây, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn mong manh. "Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung vẫn thận trọng. Họ tin rằng sự phục hồi gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố ngắn hạn”, các nhà phân tích tại UBS cho biết và nói thêm rằng suy thoái bất động sản và giảm phát vẫn còn mối quan tâm lớn.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên lên mức cao nhất trong bảy tuần, khi lợi nhuận của nhà điều hành nền tảng du lịch Trip.com Group đưa cổ phiếu lên mức cao nhất mọi thời đại.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,45% lên 16.742,95 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,05% lên 5.758,46 điểm.

Công ty du lịch trực tuyến Trip.com Group cho biết rằng doanh số quý IV/2023 đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó, được hỗ trợ bởi lượng đặt phòng khách sạn ở Trung Quốc tăng 130%, trong khi lượng đặt phòng khách sạn và đường hàng không ra nước ngoài đã phục hồi hơn 80% mức trước Covid.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi nhà sản xuất chip khởi sắc, sau khi cổ phiếu liên quan của Mỹ Nvidia báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 10,96 điểm, tương đương 0,41% lên 2.664,27 điểm.

Các nhà sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 0,14% và 5,03%.

Hiện tại, trọng tâm theo dõi của nhà đầu tư là bài phát biểu của Thống đốc Ngân hàng trung ương (BOK) Rhee Chang-yong tại một cuộc họp báo vào buổi chiều.

Kết thúc phiên 22/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 836,52 điểm (+2,19%), lên 39.098,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 37,40 điểm (+1,27%), lên 2.988,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,85 điểm (+1,45%), lên 16.742,95 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,96 điểm (+0,41%), lên 2.664,27 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng tại TP.HCM giảm 0,93% trong tháng đầu năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay, đến cuối tháng 1/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.508 nghìn tỷ đồng, giảm 0,93% so với cuối năm 2023 và tăng 9,27% so với cùng kỳ. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, tín dụng giảm 0,48%..>> Chi tiết

- F0 trở lại...

Dù sau đợt sụt giảm của thị trường từ tháng 9/2022, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng sụt giảm, nhưng hiện tại, không ai có thể phủ nhận dấu ấn của F0, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư thuộc thế hệ 9x..>> Chi tiết

- Chứng khoán Việt Nam 2024 sẽ “hóa Rồng”?

Về cơ hội, quan trọng nhất là việc thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng - không chỉ đóng góp vào tăng trưởng, mà còn đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, giúp DN mạnh dạn mở rộng kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế dài hạn. Nhờ đó, kỳ vọng tiêu dùng trong nước cũng phục hồi..>> Chi tiết

- Các quan chức Fed không muốn hạ lãi suất quá nhanh

Theo biên bản cuộc họp được công bố hôm thứ Tư (21/2), các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết, sẽ không vội cắt giảm lãi suất và bày tỏ sự lạc quan cũng như thận trọng về lạm phát..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn