Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư đang rất khao khát các cơ hội đầu tư

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/1 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại đúng 200.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 74,00 – 76,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,6 USD lên 2.054,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và lùi về gần 2.040 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,21 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.987 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.340 – 24.680 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ xuống 42.500 USD thì sang phiên hôm nay đã nhích lên và chạm gần 43.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,32%), lên 72,91 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,49 USD (+0,63%), lên 78,64 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.160 điểm

Nhích nhẹ với giao dịch thận trọng trong phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái rung lắc, giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Tuy nhiên, lực cầu tích cực nhập cuộc sau thời điểm 14h, hướng vào nhóm bluechip và lan tỏa tốt trên bảng điện tử nói chung, đặc biệt là đà tăng tích cực ở nhóm thép. Qua đó, giúp VN-Index có nhịp tăng dứt khoát lên gần ngưỡng 1.160 điểm và vượt qua ngưỡng này trong đợt khớp lệnh ATC.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,12 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 132,42 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/1: VN-Index tăng 9,00 điểm (+0,78%), lên 1.163,12 điểm; HNX-Index tăng 1,95 điểm (+0,86%), lên 229,5 điểm; UpCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,48%), lên 87,02 điểm.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày sinh Martin Luther King.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm sau chuỗi sáu phiên tăng liên tiếp khi áp lực chốt lời gia tăng tại vùng đỉnh 34 năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,79% xuống 35.619,18 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,82% xuống 2.503,98 điểm.

Chỉ số Nikkei 2225 đã tăng nhanh lên 36.008,23 điểm vào ngày hôm trước, mức cao nhất kể từ tháng 2/1990.

Thị trường đang chạm mức phi lý với các chỉ báo kỹ thuật đã vào vùng quá mua rất sâu, Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ về cuối phiên, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ được thông báo vào ngày mai.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,27% lên 2.893,99 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,61% lên 3.330,88 điểm.

“Thị trường chứng khoán Trung Quốc có sự phân hóa cao về lợi nhuận riêng lẻ. Vì vậy, chiến lược tốt nhất là tìm kiếm công ty có sự tăng trưởng mang tính cấu trúc và không nhạy cảm với những gì đang diễn ra trong nền kinh tế hoặc thị trường nói chung", Herald Van Der Linde, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại HSBC, cho biết.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc cho năm 2023 để xem liệu nước này có vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% hay không.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, chạm mức thấp nhất trong hơn một năm, bị kéo xuống bởi cổ phiếu công nghệ và bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,16% xuống 15.865,92 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,90% xuống 5.343,30 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng trước giao dịch ảm đạm ở châu Âu, sau khi các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu dè dặt trong việc cắt giảm lãi suất sớm,

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,40 điểm, tương đương 1,12% xuống 2.497,59 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,76% và SK Hynix mất 1,49%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,25%.

Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 282,61 điểm (-0,79%), xuống 35.619,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,70 điểm (+0,27%), lên 2.893,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 350,41 điểm (-2,16%), xuống 15.865,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,40 điểm (-1,12%), xuống 2.497,59 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Xóa độc quyền sẽ thu hẹp chênh lệch giá vàng

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, nếu cho nhập vàng nguyên liệu, xóa độc quyền vàng miếng nhãn hiệu SJC..., sẽ thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế..>> Chi tiết

- Đầu tư chứng khoán: Kỳ vọng "Tết có bánh chưng"

Áp lực chốt lời sau gần hai tuần năm tăng điểm khiến chỉ số VN-Index có nhịp điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua. Tuy vậy, diễn biến thị trường cho thấy nhà đầu tư đang rất khao khát các cơ hội đầu tư, khi thanh khoản sôi động rõ rệt..>> Chi tiết

- Quản trị danh mục trước các diễn biến mới

Thay vì nhìn vào diễn biến từng phiên để rồi lo lắng, nhà đầu tư nên nhìn vào chu kỳ lớn để thấy được bức tranh toàn cảnh hơn..>> Chi tiết

- Giá cước vận tải tăng cao có thể giúp hồi sinh ngành vận tải toàn cầu

Căng thẳng ở Biển Đỏ đã dẫn đến giá cước vận tải tăng đột biến. Một số nhà quan sát thị trường kỳ vọng rằng điều này có thể mang lại sự đảo ngược vận mệnh của một ngành đã sa lầy vào cuộc suy thoái trong năm ngoái..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn