Thị trường tài chính 24h: Nhiều yếu tố hỗ trợ chứng khoán trong năm 2024

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/2 giảm 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 75,00 – 78,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 9,2 USD lên 2.013,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên quanh 2.020 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,22 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.979 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.340 – 24.680 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 51.900 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và lên 52.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,44 USD (-0,56%), xuống 78,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,82 USD (-0,98%), xuống 82,65 USD/thùng.

VN-Index tăng hơn 15 điểm

Diễn biến thị trường xanh vỏ đỏ lòng trong phiên sáng, nhưng sự sôi động của dòng tiền là động lực chính để nhà đầu tư kỳ vọng vào xu hướng khởi sắc sẽ còn tiếp diễn.

Trong phiên chiều, lực cầu tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ đã giúp sắc xanh lan rộng hơn trên thị trường, đặc biệt là đà tăng tốc của nhiều mã bluechip với điểm nhấn vẫn là bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup, khi VIC và VRE tăng trần, VHM tăng áp sát giá trần đã giúp VN-Index tăng tốc lên gần 1.225 điểm khi đóng cửa.

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tăng vọt, đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng, với giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng đột biến 77,95 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 1.786,52 tỷ đồng,

Kết thúc phiên giao dịch 19/2: VN-Index tăng 15,27 điểm (+1,26%), lên 1.224,97 điểm; HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,14%), lên 233,37 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,43%), lên 90,45 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (16/2), khi chỉ số sản xuất tăng cao hơn dự kiến đã làm gia tăng lo ngại rằng Fed sẽ chưa sớm kích hoạt việc giảm lãi suất

Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 1 của Mỹ đã tăng 0,3%, cao hơn so với dự báo tăng 0,1% Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, PPI cốt lõi tăng 0,5%, vẫn cao hơn so với dự báo tăng 0,1%.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,11%, S&P 500 mất 0,42%, Nasdaq Composite giảm 1,34%.

Kết thúc phiên 16/2: Chỉ số Dow Jones giảm 143,13 điểm (-0,37%), xuống 38.627,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,16 điểm (-0,48%), xuống 5.005,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 130,52 điểm (-0,82%), xuống 15.775,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, chịu áp lực bởi các cổ phiếu liên quan đến chip sau do chịu ảnh hưởng các cổ phiếu cùng ngành của Mỹ giảm trong phiên Sáu tuần trước

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,04% xuống 38.470,38 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,57% lên 2.639,69 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 15% trong năm nay và các chỉ báo kỹ thuật đang lóe lên cảnh báo về sự quá nóng.

Chỉ số RSI đang ở khoảng 76,4 điểm. Mức trên ngưỡng 70 điểm báo hiệu thị trường đã đi vào vùng quá mua trong một tuần qua.

Các cổ phiếu lớn chip như Advantest và Tokyo Electron là những cổ phiếu kéo lùi Nikkei 225 lớn nhất, lần lượt lấy đi 60 và 55 điểm của chỉ số với mức giảm 3,2% và 1,6%.

Đi ngược xu hướng là SoftBank Group, khi đóng góp thêm 47 điểm tích cực với mức tăng 2,8% sau một báo cáo truyền thông rằng người sáng lập Masayoshi Son đang tìm cách huy động tới 100 tỷ USD cho dự án mang tên Izanagi, nhằm mục đích xây dựng một công ty chip AI hỗ trợ cho Arm Holdings, công ty thiết kế chip mà SoftBank nắm giữ phần lớn cổ phần.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu tư trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và mua mạnh cổ phiếu du lịch và giải trí trong bối cảnh chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ ở mức cao.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,56% lên 2.910,54 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,16% lên 3.403,81 điểm.

Doanh thu du lịch ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng 47,3% so với một năm trước đó. Về mặt giải trí, doanh thu phòng vé phim của Trung Quốc đã vượt quá 8 tỷ nhân dân tệ (1,11 tỷ USD) trong thời gian nghỉ 8 ngày, đánh dấu mức cao kỷ lục.

"Đây là những con số mạnh mẽ, phần nào phản ánh nhu cầu tụ họp gia đình bị dồn nén trong đợt Tết Nguyên đán bình thường đầu tiên kể từ Covid", nhà kinh tế Hui Shan của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.

"Dữ liệu du lịch mạnh mẽ đang khiến dự báo tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình thực tế 6% của chúng tôi khả quan hơn cho năm 2024”, Hui Shan nói thêm.

Thêm vào đó, một số người vẫn đặt kỳ vọng rằng chính phủ sẽ sớm đưa ra nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường đang gặp khó khăn của Trung Quốc, mặc dù ngân hàng trung ương nước này vẫn giữ lãi suất chính sách cơ bản không thay đổi trong thông báo vào ngày Chủ nhật.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi giới đầu tư thất vọng về động thái giữ nguyên lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, một động thái để bảo vệ đồng nội tệ, nhưng gửi tín hiệu mâu thuẫn về sự sẵn sàng ra tay phục hồi nền kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,13% xuống 16.155,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,33% xuống 5.484,88 điểm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ lãi suất cho vay trung hạn ở mức 2,5% trong thông báo vào ngày Chủ nhật, không thay đổi trong tháng thứ sáu liên tiếp, một quyết định được coi là bảo vệ sự suy giảm của đồng nhân dân tệ khi đã giảm xuống mức 7,21 ăn một USD.

"Các nhà chức trách tin rằng tâm lý yếu kém, thay vì các nguyên tắc cơ bản kinh tế đang là nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm giá cổ phiếu. Do đó, họ sẽ sử dụng các biện pháp quản lý thay vì cung cấp kích thích lớn cho nền kinh tế. Điều này cũng ngụ ý rằng bất kỳ đợt phục hồi nào do can thiệp vào thị trường có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”, các nhà phân tích tại BCA Research cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng được thúc đẩy bởi dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 31,50 điểm, tương đương 1,19% lên 2.680,26 điểm.

Khối ngoại mua ròng phiên thứ 18 trong số 20 phiên gần nhất tiếp tục là động lực lớn.

Hàn Quốc sẽ sớm công bố một chương trình để thúc đẩy giá trị của các công ty niêm yết tại Seoul, bao gồm các ưu đãi thuế để khuyến khích lợi nhuận cho cổ đông cao hơn, Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết hôm thứ Sáu.

Kết thúc phiên 19/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 16,86 điểm (-0,44%), xuống 38.470,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 44,64 điểm (+1,56%), lên 2.910,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 184,35 điểm (-1,13%), xuống 16.155,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 31,50 điểm (+1,19%), lên 2.680,26 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Các ngân hàng đẩy mạnh kích cầu cho vay đầu năm

Ngành ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay những ngày sau Tết Giáp Thìn khi mặt bằng lãi suất giảm dần, song tín dụng được dự báo khó tăng cao trong quý I/2024 và dự báo cả năm 2024 chưa thể đột biến..>> Chi tiết

- Hành trang đầu tư năm Rồng

Năm Giáp Thìn sang, cũng là lúc người ta lại nói nhiều về câu chuyện vượt Vũ Môn, nhưng nếu ai cũng vượt được thì Vũ Môn đâu còn nhiều ý nghĩa. Con số tổng kết chỉ 5% nhà đầu tư chiến thắng trên thị trường chứng khoán cũng là một dạng "Vũ Môn bảng điện" mà thôi..>> Chi tiết

- "Mùa Xuân chứng khoán"?

Thị trường chứng khoán đang nhận về nhiều hơn các góc nhìn lạc quan và được dự báo 2024 là năm "Mùa Xuân chứng khoán"..>> Chi tiết

- Tiền tệ châu Á nào sẽ được hưởng lợi khi Fed cắt giảm lãi suất ​

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Điều này có thể không phải là tin tốt cho đồng USD, nhưng một số loại tiền tệ châu Á sẽ được hưởng lợi..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn