Thị trường tài chính 24h: Những nhịp điều chỉnh ngắn hạn có thể mở ra cơ hội

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 20/8 tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 3,9 USD xuống 2.504,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều hồi phục và lên trên 2.520 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,84 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.251 đồng/USD, giảm 10 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.740 – 25.080 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 59.900 lên 58.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục mạnh và lên 60.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,76 USD (-1,02%), xuống 73,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,44 USD (-0,57%), xuống 77,29 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.270 điểm

Sau phiên sáng có phần thận trọng và sắc xanh được giữ lại chủ yếu nhờ một số mã lớn, thị trường bước vào phiên chiều đã tích cực hơn, khi lực mua tìm đến đến các mã bất động sản, xây dựng, giúp VN-Index lên trên 1.275 điểm.

Tại ngưỡng điểm này, áp lực bán có phần gia tăng, nhưng không quá lớn VN-Index chỉ bị đẩy nhẹ xuống gần 1.270 điểm, trước khi bật nhẹ và đi ngang trong phiên ATC.

Kết thúc phiên giao dịch 20/8: VN-Index tăng 10,93 điểm (+0,87%), lên 1.272,55 điểm; HNX-Index tăng 1,29 điểm (+0,55%), lên 237,31 điểm; UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,41%), lên 94,1 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Hai (19/8), khi những lo ngại xung quanh một cuộc suy thoái tại Mỹ giảm bớt và thị trường tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell tại Jackson Hole vào cuối tuần này.

Biên bản cuộc họp chính sách cuối cùng của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư và Chủ tịch Powell sẽ phát biểu tại hội nghị chuyên đề thường niên ở Jackson Hole vào thứ Sáu và các nhà đầu tư sẽ hướng sự tập trung lớn vào sự kiện này.

Kết thúc phiên 19/8: Chỉ số Dow Jones tăng 236,77 điểm (+0,58%), lên 40.896,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 54,00 điểm (+0,97%), lên 5.608,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 245,05 điểm (+1,39%), lên 17.876,77 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, được hỗ trợ bởi đồng yên yếu đi và cổ phiếu công nghệ tăng, trong khi triển vọng kinh tế đáng khích lệ của Mỹ tiếp tục hỗ trợ các tài sản rủi ro trên toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,8% lên 38.062,92 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 1/8. Chỉ số Topix tăng 1,11% lên 2.670,54 điểm.

Các cổ phiếu lớn và công nghệ phiên này đều tăng, với SoftBank Group tăng 3,1%, trong khi cổ phiếu liên quan đến chip Tokyo Electron và Advantest tăng lần lượt 1,6% và 2,1%.

Việc đồng yên chững lại và suy yếu cũng góp thêm phần trấn an các nhà đầu tư, mặc dù các nhà phân tích cho biết thị trường chứng khoán vẫn nhạy cảm với các động thái của biến động tỷ giá.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Seven &; I Holdings đã giảm hơn 10%, do tin tức về đề xuất tiếp quản từ Alimentation Couche-Tard của Canada.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các chỉ số kinh tế gần đây hầu như không cung cấp bất kỳ động lực tích cực nào đến thị trường, trong khi thiếu các chính sách kích thích mới cũng giữ các nhà đầu tư đứng ngoài.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,93% xuống 2.866,66 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,72% xuống 3.332,70 điểm.

Động thái đáng chú ý hôm nay là việc Trung Quốc đã giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn ở mức cố định hàng tháng vào ngày 20/8, phù hợp với dự báo của thị trường.

Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm được giữ nguyên ở mức 3,35%. LPR kỳ hạn 5 năm cũng không đổi ở mức 3,85%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp thường niên của Fed vào cuối tuần, sau khi Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,33% xuống 17.511,08 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,49% xuống 6.195,58 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ động lực tích cực phiên đêm qua trên Phố Wall.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI tăng 22,27 điểm, tương đương 0,83% lên 2.696,63 điểm.

Các cổ phiếu lớn như hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics tăng 0,77% và SK hynix tăng 3%.

Các nhà sản xuất ô tô cũng nhích lên, với Hyundai Motors tăng 0,39% và Kia Corp tăng 0,19%.

Kết thúc phiên 20/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 674,30 điểm (+1,80%), lên 38.062,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,01 điểm (-0,93%), xuống 2.866,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 58,49 điểm (-0,33%), xuống 17.511,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 22,27 điểm (+0,83%), lên 2.696,63 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng tiêu dùng khởi sắc

Kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh sáng sủa hơn của khối công ty tài chính sau một năm khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động..>> Chi tiết

- Điều chỉnh ngắn hạn, cơ hội dài hạn

Những nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường chứng khoán có thể mở ra cơ hội giải ngân cho các nhà đầu tư chưa có vị thế, hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, nhất là khi có chiến lược đầu tư trung và dài hạn..>> Chi tiết

- USD về 'đáy' 7 tháng, tỷ giá đồng loạt trượt sâu

Chỉ số DXY hiện giao dịch ở mức 101,8 điểm, rơi sâu về mức thấp nhất 7 tháng từ đầu năm 2024. Đồng đô-la yếu đi tạo điều kiện cho tỷ giá trong nước giảm sâu, tạo khoảng cách lớn với trần tỷ giá..>> Chi tiết

- Các ngân hàng trung ương phân tán về đường đi của lãi suất trước thềm Jackson Hole

Các lãnh đạo ngân hàng trung ương sẽ tụ họp trong tuần này tại một trong những diễn đàn kinh tế thường niên nổi bật nhất thế giới..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn