Thị trường tài chính 24h: Tâm lý canh mua khi thị trường điều chỉnh có thể sẽ mạnh hơn

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 5/2 tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 400.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 76,20 – 78,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 15,1 USD xuống 2.039,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và lùi về gần 2.020 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,26 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.954 đồng/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.200 – 24.540 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống 42.900 USD thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên trên 43.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,23 USD (-0,32%), xuống 72,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,24 USD (-0,31%), xuống 77,09 USD/thùng.

VN-Index lên trên 1.185 điểm

Thị trường nhích nhẹ từ sớm với dòng tiền tương đối tốt, nhưng bước ngoặt lại diễn ra ở phiên chiều, khi lực cầu gia tăng đã lan rộng toàn nhóm ngân hàng, giúp VN-Index thẳng tiến hướng tới mốc 1.190 điểm.

Tuy nhiên, thị trường chỉ tiệm cận vùng giá trên rồi hạ độ cao đôi chút về cuối phiên khi một số mã bank bớt nóng. Điểm tích cực vẫn là thanh khoản thị trường khá tốt với sự đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi top 10 mã giao dịch sôi động nhất thì có tới 7 mã bank.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,91 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 134,18 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 5/2: VN-Index tăng 13,51 điểm (+1,15%) lên 1.186,06 điểm; HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,12%) xuống 230,28 điểm; UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%), lên 88,53 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Sáu (2/2), được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu Meta (Facebook) tăng hơn 20% sau khi kết quả kinh doanh quý cuối cùng của năm 2023 đã vượt kỳ vọng từ các nhà phân tích. Đồng thời sẽ chi trả cổ tức hàng quý lần đầu tiên và cho phép thực hiện chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 50 tỷ USD.

Tuần qua, Dow Jones tăng 1,4%, chỉ số S&P 500 tiến cũng tăng 1,4% và Nasdaq Composite tăng 1,1%.

Kết thúc phiên 2/2: Chỉ số Dow Jones tăng 134,58 điểm (+0,35%), lên 38.654,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 52,42 điểm (+1,07%), lên 4.958,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 267,31 điểm (+1,74%), lên 15.628,95 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi đồng yên yếu hơn và mức tăng trên Phố Wall vào cuối tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 226 tăng 0,54% lên 36.354,16 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,67% lên 2.556,71 điểm.

Các nhà sản xuất ô tô là một trong những nhóm được lợi chính từ sự trượt giá của đồng yên so với đồng USD kể từ thứ Sáu, với Toyota Motor tăng 1,37%, Nissan tăng 3,31% và Honda tiến 2,97%. Cổ phiếu Mazda Motor, vốn đặc biệt phụ thuộc vào doanh số bán hàng tại Mỹ, tăng 4,13%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ sáu liên tiếp, với các công ty vốn hóa nhỏ dẫn đầu đà lao dốc, khi sự bi quan của nhà đầu tư trở nên tồi tệ hơn do thiếu đi các tín hiệu rõ ràng về hỗ trợ chính sách.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,02% xuống 2.702,18 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,65% lên 3.200,42 điểm.

Tuần trước, chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018, khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trút sự thất vọng và tức giận của họ thông qua phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm một tài khoản blog của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Cuối tuần qua, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc tuyên bố sẽ ngăn chặn những biến động bất thường của thị trường, nhưng không công bố biện pháp cụ thể.

Các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn đã tăng cường mua các chứng chỉ quỹ bluechip để hỗ trợ thị trường trong những tuần gần đây, nhưng cho đến nay vẫn không thể ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường.

Thêm vào sự bi quan của nhà đầu tư, các chỉ số kinh tế gần đây không có dấu hiệu cải thiện và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Sáu dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,6% vào năm 2024 và giảm hơn nữa trong trung hạn với mức tăng trưởng khoảng 3,5% vào năm 2028.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do thiếu các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn của chính phủ và rủi ro địa chính trị tiềm ẩn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,15% xuống 15.510, điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,03% xuống 5.217,36 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ làm tiêu tan hy vọng về việc cắt giảm lãi suất nhanh từ Fed.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 24,00 điểm, tương đương 0,92%, xuống 2.591,31 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,46% và SK Hynix mất 1,26%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,26%.

Hyundai Motor tăng 3,08%, trong khi nhà sản xuất ô tô Kia Corp mất 2,51%.

Kết thúc phiên 5/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 196,14 điểm (+0,54%), lên 36.354,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,97 điểm (-1,02%), xuống 2.702,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 23,55 điểm (-0,15%), xuống 15.510,01 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 24,00 điểm (-0,92%), xuống 2.591,31 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nỗi lo nợ xấu

Các ngân hàng dồn dập công bố kết quả kinh doanh 2023 vào những ngày sát Tết Nguyên đán. Bên cạnh con số lợi nhuận, các báo cáo cũng thu hút sự chú ý với số liệu nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro..>> Chi tiết

- Hào hứng và hụt hẫng vì hàng mới

Nhiều cổ phiếu mới lên sàn, chuyển sàn có diễn biến tích cực trong thời gian đầu, khiến nhà đầu tư hào hứng, nhưng sau đó hụt hẫng, thất vọng vì giá quay đầu giảm sâu và mất thanh khoản..>> Chi tiết

- Nhóm ngân hàng vẫn là ẩn số

Tâm lý canh mua khi thị trường điều chỉnh có thể sẽ mạnh hơn trong các phiên giao dịch tới, phục vụ cho danh mục đầu tư sau Tết Âm lịch..>> Chi tiết

- Căng thẳng ở Biển Đỏ làm thay đổi dòng chảy của dầu thô

Thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng mang tính địa phương khi căng thẳng ở Biển Đỏ và giá cước vận tải tăng cao khiến nguồn cung từ các thị trường lân cận trở nên hấp dẫn hơn..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn