Thị trường tài chính 24h: Tỷ giá ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/5 tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 87,70 – 90,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 21,8 USD lên 2.358 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục nới đà tăng và lên trên 2.370 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,83 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.269 đồng/USD, không đổi so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.182 – 25.482 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 63.100 USD xuống dưới 61.500 USD thì sang ngày hôm nay đã đi ngang trước khi có nhịp tăng lên trên 62.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,17 USD (+0,22%), lên 78,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,16 USD (+0,19%), lên 82,55 USD/thùng.

VN-Index tăng hơn 11 điểm

Lực cầu sôi động từ sớm đã tiếp sức giúp thị trường tăng tốt hơn về cuối phiên và VN-Index đã sớm vượt qua ngưỡng cản 1.250 điểm.

Mặc dù trong phiên VN-Index đã không giữ được mức giá cao nhất trong ngày, nhưng thị trường đã xác nhận phiên giao dịch tích cực với mức tăng hơn 11 điểm lên mức 1.254 điểm, đây là mức giá đóng cửa cao nhất trong hơn 1 tháng, đồng thời thanh khoản cũng tăng vọt và vượt mức 22.000 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/5: VN-Index tăng 11,11 điểm (+0,89%), lên 1.254,39 điểm; HNX-Index tăng 1,82 điểm (+0,77%), lên 238,78 điểm; UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,53%), lên 92,1 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (14/5) sau khi dữ liệu giá sản xuất tháng 4 được công bố.

Số liệu chỉ số giá sản xuất PPI tháng 4 của Mỹ cao hơn dự báo khi tăng 0,5% so với tháng trước, làm giảm kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Phản ứng ban đầu của thị trường là tiêu cực, tuy nhiên, những động thái này đã được kìm hãm khi số liệu PPI tháng 3 của Mỹ được điều chỉnh từ tăng 0,2% xuống giảm 0,1%. Điều đó đủ để xoa dịu mối lo ngại về lạm phát cao.

Kết thúc phiên 14/5: Chỉ số Dow Jones tăng 126,60 điểm (+0,32%), lên 39.558,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,26 điểm (+0,48%), lên 5.246,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 122,94 điểm (+0,75%), lên 16.511,18 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản thu hẹp đà giảm, do sự thận trọng về triển vọng doanh nghiệp trong nước và chỉ số giá tiêu dùng Mỹ sẽ vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,07% lên 38.385,73 điểm, sau khi tăng hơn 1% trong phiên.

Chỉ số Topix thậm chí còn đảo chiều về dưới tham chiếu, đóng cửa giảm nhẹ còn 2.730,88 điểm.

Những cái tên đáng chú ý trong phiên này là cổ phiếu Sony Group tăng 8,23%, sau khi cam kết tăng thu nhập cho cổ đông và dự báo lợi nhuận năm nay sẽ cao hơn.

Cổ phiếu Isetan Mitsukoshi Holdings tăng 13,57% và là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên Nikkei 225, sau khi nhà điều hành cửa hàng bách hóa báo cáo lợi nhuận và doanh thu vượt dự báo.

Trái lại, cổ phiếu Nitori Holdings giảm 16%, sau khi dự báo lợi nhuận ròng trong năm của nhà điều hành cửa hàng đồ gia dụng không như kỳ vọng của thị trường.

Cổ phiếu Rakuten Group giảm 3,15% sau khi tập đoàn internet này ghi nhận quý thứ 15 liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 vừa qua.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, chịu áp lực bởi quyết định của Mỹ đánh thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,82% xuống 3.119,90 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,85% xuống 3.626,06 điểm.

Tổng thống Mỹ Biden hôm thứ Ba đã công bố tăng thuế đối với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm pin xe điện (EV), chip máy tính và các sản phẩm y tế…

Thuế quan được coi là một dấu hiệu mới của sự leo thang căng thẳng Trung-Mỹ. Mối quan hệ từ lâu đã là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường tài chính Trung Quốc.

"Chúng tôi lo ngại Trung Quốc có thể phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại tương tự từ các khu vực khác. EU và Anh chiếm khoảng 40% xuất khẩu EV của Trung Quốc vào năm 2023, lĩnh vực EV có thể phải đối mặt với áp lực gia tăng nếu châu Âu theo chân Mỹ và áp thuế trừng phạt cao đối với xe điện Trung Quốc”, các nhà phân tích tại Nomura lưu ý.

Đáng chú ý khác là nhóm cổ phiếu bất động sản, khi vượt trội so với thị trường chung sau khi Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc đang xem xét đề xuất để chính quyền địa phương trên cả nước mua hàng triệu ngôi nhà chưa bán, một nỗ lực để giải cứu thị trường bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Phật đản.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Phật đản.

Kết thúc phiên 15/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 29,67 điểm (+0,07%), lên 38.385,73. điểm Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,87 điểm (-0,82%), xuống 3.119,90 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Các ngân hàng tự tin với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024

Không ít ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay trên dưới 10% và tự tin với kế hoạch 2024 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng dần cải thiện..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp “ngấm đòn” tỷ giá

Tỷ giá VND/USD hiện có mức tăng 5,9% so với đầu năm 2024, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong quý I và dự kiến quý II..>> Chi tiết

- Nam Land và trái chủ "leo phải cành cụt..."

Gần 2 năm trước, dự án Shizen Home là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trị giá 900 tỷ đồng của Công ty TNHH Nam Land bất ngờ bị cơ quan quản lý ở địa phương từ chối cấp phép mở bán để rà soát lại nguồn gốc khu đất, đến nay vẫn chưa có kết quả..>> Chi tiết

- Chủ tịch Fed: Lạm phát đang giảm chậm hơn dự đoán

Hôm thứ Ba (15/5), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã nhắc lại rằng lạm phát đang giảm chậm hơn dự kiến và sẽ khiến ngân hàng trung ương phải trì hoãn cắt giảm lãi suất trong thời gian dài..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn