Thị trường tài chính 24h: Vẫn còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2025

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 20/1 giảm 200.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 84,90 – 86,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 11,7 USD xuống 2.703,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng rung lắc nhẹ quanh 2.705-2.710 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 109,16 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.341 đồng/USD, không đổi so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.140 – 25.500 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ gần 103.600 USD lên 105.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại đôi chút, trước khi tiếp tục nhích lên và vượt 108.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,28 USD (-0,36%), xuống 77,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,21 USD (-0,26%), xuống 80,58 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ

Thị trường sau ít phút mở cửa rung lắc đã bật lên và vượt mốc 1.250 điểm nhờ đà tăng nhẹ của các nhóm trụ cột bank – chứng – thép.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn rất yếu và khi lực cung dâng lên, dù không lớn nhưng cũng đủ khiến VN-Index hạ độ cao, thậm chí còn lùi về dưới tham chiếu trước khi bật tăng về cuối phiên, đóng cửa tăng điểm không đáng kể.

Thanh khoản thị trường càng cận kề dịp nghỉ tết càng suy yếu, với giá trị giao dịch trên sàn HOSE phiên này chưa đạt tới 10.000 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/1: VN-Index tăng 0,44 điểm (+0,04%), lên 1.249,55 điểm; HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,36%), xuống 221,69 điểm; UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%), xuống 92,8 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (17/1), khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục là lực đẩy tích cực nhất.

Theo đó, những cái tên như Tesla tăng 3%, cổ phiếu Nvidia tăng 3,1%, còn cổ phiếu Alphabet tăng hơn 1%.

Trong tuần, Dow Jones tăng 3,7%, S&P 500 tăng 2,9%, còn Nasdaq Composite tăng 2,5%.

Kết thúc phiên 17/1: Chỉ số Dow Jones tăng 334,70 điểm (+0,78%), lên 43.487,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 59,32 điểm (+1,00%), lên 5.996,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 291,91 điểm (+1,51%), lên 19.630,20 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi đà tăng của Phố Wall phiên cuối tuần trước và đồng yên yếu đi.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,17% lên 38.902,50 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,19% lên 2.711,27 điểm.

Phiên hôm nay, cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô là những công ty hoạt động hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ, tăng 2,19% sau khi đồng yên giảm 0,8% so với USD vào thứ Sáu. Trong đó, Toyota tăng 2,94%. Subaru tăng 2,9%.

Cổ phiếu tăng tốt nhất trên Nikkei 225 là Daiichi Sankyo, khi tăng 8,23% sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt một phương pháp điều trị ung thư vú mà họ đang phát triển cùng đối tác AstraZeneca.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi nhận ảnh hưởng từ cuộc điện đàm tích cực giữa Tập Cận Bình và Donald Trump vào thứ Sáu. Tuy nhiên, việc ngân hàng trung ương Trung Quốc chưa có động thái nới lỏng đã khiến tâm lý thị trường chững lại.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,08% lên 3.244,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,45% lên 3.829,68 điểm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong động thái mới nhất đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong tháng thứ ba liên tiếp, do đồng nhân dân tệ suy yếu hạn chế khả năng nới lỏng chính sách nữa của PBOC.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước đưa tin vào tuần trước rằng PBOC có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trước Lễ hội mùa xuân vào cuối tháng này.

Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao là 5,1% vào cuối tháng 12. Trong khi đầu tư tài sản cố định cả năm chỉ tăng 3,2%, thấp hơn dự báo, do lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy giảm với mức giảm 10,6% trong 11 tháng đầu năm.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt sau cuộc điện đàm tích cực giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và việc TikTok hoạt động trở lại tại Mỹ sau một ngày bị cấm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,79% lên 19.933,82 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,83% lên 7.238,98 điểm.

Dẫn đầu đà tăng hôm nay là cổ phiếu của là gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, tăng 7%, trong khi Alibaba Group Holding tăng 4,5 và gã khổng lồ công nghệ Baidu tăng 2,5%.

Ông Tập ​​Cận Bình và Donald Trump đã trao đổi quan điểm về các vấn đề chính trong cuộc điện đàm vào thứ Sáu, bao gồm cuộc khủng hoảng ở Ukraine, xung đột Israel-Palestine cũng như lệnh cấm TikTok của tòa án tối cao Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà giao dịch có cách tiếp cận thận trọng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 3,50 điểm, tương đương 0,14% xuống 2.520,05 điểm.

Ông Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vào cuối ngày thứ Hai, đã cam kết sẽ ký một loạt các sắc lệnh hành pháp về các chủ đề từ an ninh biên giới đến sản xuất dầu khí trong ngày đầu tiên nhậm chức

"Tất nhiên, các chính sách thuế quan và nhập cư sẽ là quan trọng nhất. Tuy nhiên, các chính sách thuế quan của ông ấy dự kiến sẽ không phải là một thảm họa và mở ra không gian cho các cuộc đàm phán", Huh Jae-hwan, một nhà phân tích tại Eugene Investment Securities cho biết.

Hàn Quốc cam kết hỗ trợ tài chính kỷ lục cho các nhà xuất khẩu để giảm thiểu bất kỳ tác động tiêu cực nào từ những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.

Kết thúc phiên 20/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 451,04 điểm (+1,17%), lên 38.902,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,56 điểm (+0,08%), lên 3.244,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 349,76 điểm (+1,79%), lên 19.933,82 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,50 điểm (-0,14%), xuống 2.520,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất điều hành sẽ giảm thêm để hỗ trợ tăng trưởng?

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ năm 2025, song khó có khả năng nhà điều hành cắt giảm thêm lãi suất điều hành hoặc phá giá mạnh VND..>> Chi tiết

- Thị trường đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng

VN-Index dần tiến lên vùng kháng cự 1.245 - 1.260 điểm, được thúc đẩy bởi dòng tiền và sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn..>> Chi tiết

- Kiên định với những cổ phiếu tốt đang nắm giữ

Thanh khoản thấp và khối ngoại bán ròng mạnh là điều diễn ra trong suốt tuần hồi phục vừa qua. Điều này cho thấy, lực cầu còn khá dè dặt, nhưng thể hiện nội lực tốt..>> Chi tiết

- Đặt kỳ vọng đúng cho năm 2025

Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán năm 2024 và tổng hợp dữ liệu trong bối cảnh nhiều yếu tố cần phân tích, định lượng của năm 2025 cho thấy, yếu tố quản trị rủi ro cần được quan tâm, dù thị trường có triển vọng sáng..>> Chi tiết

- Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đang chật vật

Trung Quốc vẫn đang sản xuất nhiều thép đến mức khiến ngành công nghiệp này chịu nhiều thiệt hại hơn khi mức tiêu thụ trong nước suy giảm và các nhà máy liên tục trải qua thời kỳ không có lãi..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn