Thị trường tài chính - ngân hàng sẽ bình yên hơn

Tỷ giá duy trì áp lực tăng trong nửa đầu năm 2024

Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm đầy biến động của cặp tỷ giá USD/VND, cho dù biên độ không lớn như nửa sau của năm 2022. Tính từ đầu năm 2023, VND đã mất giá khoảng 3% và những tác động chính tới tỷ giá trong năm qua nằm trong những biến động giữa lãi suất và rủi ro, lạm phát và tăng trưởng.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho biết, kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng và giảm bớt lo ngại về thanh khoản đã khiến ưu tiên chính sách của Việt Nam tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng. Điều này hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ, nơi thị trường việc làm không hạ nhiệt và lạm phát cơ bản neo cao đã khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ trong phần lớn thời gian của năm 2023. Chính sự khác biệt ngày càng gia tăng về chính sách tiền tệ cùng với bối cảnh thanh khoản tiền đồng dồi dào đã đẩy cặp tỷ giá USD/VND tăng theo.

“Bên cạnh đó, ‘đồng bạc xanh’ đã có một năm nhiều diễn biến bất ngờ. Đặc biệt, bước sang những tháng cuối năm, khi lạm phát tiếp tục giảm so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương và tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức yếu, thị trường bắt đầu nhìn nhận nhiều hơn về việc cắt giảm lãi suất điều hành vào năm 2024, cùng với việc Fed ‘xoay trục’ vào tháng 12/2023 khiến USD có xu hướng yếu hơn. Điều này góp phần khiến tỷ giá hạ nhiệt về vùng giá 24.250-24.350 đồng/USD và nhiều khả năng sẽ đóng cửa năm 2023 ở mức giá này, tương đương với mức tăng khoảng 3% cho cả năm”, ông Khoa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế chia sẻ, trong năm 2024, có dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu đi ngang, cũng có dự báo có thể phục hồi đôi chút. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại từ 2,1% xuống 1,7%; châu Âu khá hơn, tăng từ 0,7% lên 1,2%; Trung Quốc nhiều khả năng đi ngang, thậm chí có thể giảm, trong khi Ấn Độ và Đông Nam Á tích cực hơn.

“Với xu thế đó, đồng đô-la Mỹ sẽ giảm giá và sức ép tỷ giá hối đoái đối với đồng Việt Nam ở mức độ vừa phải, ngoại trừ những rủi ro bất thường có thể xảy ra như giá nguyên liệu tăng do xung đột địa chính trị, giá năng lượng trên toàn cầu tăng…, dẫn đến lạm phát khó đưa về mức như các ngân hàng trung ương mong muốn trong năm 2024 và lạm phát toàn cầu có thể vẫn duy trì ở mức cao hơn 2,5%. Điều này có thể khiến tỷ giá hối đoái của Việt Nam chịu sự biến động, chứ không hoàn toàn ổn định như mong muốn, dù biến động này không mạnh”, ông Nghĩa phân tích.

Còn nhóm nghiên cứu của HSBC Việt Nam nhận định, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì áp lực tăng trong nửa đầu năm 2024 vì 4 lý do chính: Thứ nhất, sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước Việt nam vẫn lớn; thứ hai, thanh khoản VND tiếp tục dồi dào, đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng, do tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng và giải ngân đầu tư công chưa cho thấy nhiều đột phá; thứ ba, trong khi thặng dư thương mại và FDI của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao, những biến động trên thị trường quốc tế tiếp tục tác động tiêu cực tới thương mại, thứ tư, đồng đô-la Mỹ nói chung được dự báo sẽ mạnh lên trong nửa đầu năm 2024, bên cạnh sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (CNY), từ đó tác động trực tiếp lên biến động của tỷ giá USD/VND.

Rủi ro suy giảm chất lượng tài sản vẫn lớn

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tại thời điểm quý III/2023 đạt 2,2% - tăng 64 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 và là mức nợ xấu cao nhất kể từ năm 2015.

Liên quan đến câu chuyện lãi suất, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, bên cạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cùng thanh khoản VND dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh chỉ tiêu này chỉ tăng khoảng 9,87% tính đến ngày 13/12/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 14% trong cả năm 2023. Với triển vọng toàn cầu ổn định và lạm phát ở mức vừa phải, nhóm nghiên cứu HSBC Việt Nam kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, cầu tiêu dùng “nóng” thời kỳ Covid đã qua, trong khi sức cầu yếu và chi phí rục rịch tăng trở lại, đặc biệt là chi phí năng lượng sạch. Do đó, sức ép tăng lãi suất sẽ không lớn, trừ khi nợ xấu tăng mạnh và vốn khả dụng của các ngân hàng suy giảm.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB nhận định, rủi ro suy giảm chất lượng tài sản vẫn lớn trong năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tại thời điểm quý III/2023 đạt 2,2% - tăng 64 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 và là mức nợ xấu cao nhất kể từ năm 2015. Hầu như tất cả các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong quý III/2023 so với đầu năm. Trung bình, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có tỷ lệ nợ xấu tăng 0,4% so với đầu năm và con số này ở nhóm ngân hàng tư nhân là 0,7%.

“Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ở mức 93,8% (năm 2022 là 136,9%), trong đó tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cao hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng tư nhân”, bà Hiền nhận định.

Cũng theo bà Hiền, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ đã giúp tỷ lệ nợ xấu và sự sụt giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm tốc. Nợ xấu toàn ngành tăng mạnh từ 1,4% cuối năm 2022 lên 2,1% cuối quý II/2023, nhưng chỉ tăng 10 điểm cơ bản trong quý III/2023. Tương tự, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm hơn 21% vào cuối quý II/2023, nhưng chỉ giảm 5,8% trong quý III/2023.

“Do đó, kỳ vọng nợ xấu toàn ngành sẽ tăng nhẹ 10-20 điểm cơ bản và đạt đỉnh trong quý IV/2023. Ngoài ra, việc sử dụng một lượng lớn trích lập dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng góp phần giúp nợ xấu các ngân hàng giảm xuống”, bà Hiền nói.

Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực (quý I/2023 tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng 9 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 5,4%), nhưng bà Hiền nhấn mạnh, áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2024 vẫn là đáng kể do dư địa trích lập của các ngân hàng không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo kém khả quan. Do đó, khi hiệu lực của Thông tư 02/2023 hết hạn vào ngày 30/6/2024 (đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc gia hạn), áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp sẽ có nhiều dư địa xử lý hơn, từ đó có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn”, bà Hiền nói.

Có thể thấy, kết quả kinh doanh dự báo kém khả quan trong năm 2023 là “điểm tối”, nhưng lại tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng năm 2024. Theo đó, bà Hiền kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan, đạt 13-14% với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 5,9%; cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, lợi nhuận sau thuế của hầu hết ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan.

“Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng mà chúng tôi theo dõi dự báo sẽ tăng 25,1% so với cùng kỳ trong năm 2024”, bà Hiền chia sẻ thêm.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn