Thị trường Tết 'nóng' từng ngày

Nhộn nhịp

Trưa 11/1, tại chợ Bến Thành (quận 1), nhiều quầy hàng bánh mứt, trà - cà phê, thực phẩm khô như mực tẩm cay, khô bò xé sợi… thu hút khá đông khách hàng đến chọn lựa, mua sắm.

Nét vui hiện rõ trên gương mặt, nhanh tay đóng gói và hút chân không gần chục ki-lô-gam các loại mứt, khô bò, tôm khô… cho khách gửi đi nước ngoài, bà Nguyễn Thị Trang, chủ sạp thực phẩm khô chế biến, cho biết: “Vài ngày gần đây, lượng khách đến chợ mua sắm khả quan hơn.

Khách du lịch đến chợ mua thực phẩm về làm quà, khách trong nước mua hàng Tết gửi cho người thân ở nước ngoài. Nhờ vậy, sức mua dần tăng lên. Với đà này, trong những ngày tới, sức mua sẽ còn tốt hơn” - bà Trang kỳ vọng.

Thị trường Tết 'nóng' từng ngày ảnh 1

Khách mua sắm tại siêu thị chờ gói quà Tết. Ảnh: U.P

Tại chợ Bình Tây (quận 6), nơi phân phối các mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết và hàng hóa khác đến các tỉnh thành trong nước, sức mua cũng “nóng” dần.

Cẩn thận đóng những thùng hàng Tết để gửi cho kịp chuyến xe trưa đi miền Trung, ông Lê Văn Thành (chủ sạp thực phẩm chế biến Thành) chia sẻ: “Khách không đến trực tiếp tại chợ nhưng mua qua online (trực tuyến) nhiều lắm.

Đa số là bạn hàng quen, họ chỉ cần xem các sản phẩm tôi đăng trên Facebook, Zalo, sau đó gọi điện thoại “chốt đơn”. Tuy sức mua năm nay, tính đến hiện tại vẫn chưa thể bằng so với hồi trước dịch, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, được như thế này là mừng rồi”.

Bà Ứng Thị Liên, trưởng ngành hàng bánh kẹo chợ, mứt Bình Tây, cho biết, 80% hàng bánh kẹo, mứt dịp Tết tại chợ đều nhập nguồn sản xuất trong nước, ưu tiên rõ nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng.

“Nhiều mặt hàng sản xuất thủ công nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu các cơ sở cung cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nơi mua hàng để khi cần mình có thể truy được nguồn gốc. Giá cả năm nay hầu như không tăng, dù nguyên liệu đầu vào cao hơn nhưng chúng tôi chấp nhận lời ít lại, để ai cũng có thể mua được những sản phẩm cho ngày Tết” - bà Liên nói.

Khảo sát giá tại nhiều chợ truyền thống khác như Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Hòa Bình, An Đông (quận 5), Phú Lâm (quận 6)…, các mặt hàng Tết đều có giá bình ổn.

Cụ thể, mứt bí là 60.000 đồng/kg, mứt gừng 90.000-120.000 đồng/kg, nho sấy dẻo 150.000 đồng/kg, me ngào đường 170.000-180.000 đồng/kg, hạt điều 200.000 đồng/kg, hạt mắc-ca 250.000 đồng/kg…

“Kinh tế khó khăn đã khiến nhu cầu và thói quen mua sắm Tết của người tiêu dùng dần thay đổi. Họ dè dặt hơn và tiêu dùng thông minh hơn. Do đó, người mua cũng cân nhắc lựa chọn những sản phẩm có uy tín, giá cả hợp lý với mục đích chi tiêu rõ ràng. Khoảng giữa tháng Chạp, sức mua sẽ khả quan hơn” - chị Lê Thị Chi, tiểu thương chợ An Đông, nói.

Chợ đầu mối cũng tấp nập

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết, trước Tết 1 tháng, chợ tăng lượng hàng khoảng 8% so với năm 2023, tương ứng 2.500 tấn/ngày đêm. Từ ngày 4 - 9/2 (25-30 tháng Chạp), lượng hàng tăng khoảng 10%, có ngày tăng tới 50% so với bình thường. Riêng mặt hàng thịt heo, ngày 8/2 (29 tháng Chạp), lượng hàng về dự kiến tăng 100% so với bình thường, ở mức 780 tấn/ngày đêm.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết, công tác tích trữ hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn đang được khẩn trương chuẩn bị. Trung bình, lượng thịt giao dịch tại chợ đầu mối Bình Điền đạt 250 tấn/ngày, rau vào khoảng 700 tấn…; riêng lượng hàng hóa dịp Tết năm nay dự báo tăng từ 3-5 lần ngày bình thường.

Nhiều sản phẩm mới

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, theo ghi nhận của phóng viên, khách đến chọn mua quà Tết cũng tấp nập hơn trước đó ít ngày.

Khu vực gói quà Tết ở các siêu thị, nhân viên làm việc luôn tay để đáp ứng kịp nhu cầu của khách.

“Siêu thị có những giỏ quà nhưng khách có thể chọn từng sản phẩm theo nhu cầu, sau đó nhân viên siêu thị sẽ gói miễn phí cho khách. Hiện lượng khách đến gói quà đã tăng hơn 20% so với vài tuần trước, cuối tuần còn đông hơn.

Chúng tôi đang tuyển thêm nhân viên gói quà, thu ngân; mở thêm quầy thanh toán để khách không phải chờ đợi lâu” - đại diện siêu thị Aeon tại quận Bình Tân cho biết.

Các doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này để tung sản phẩm mới, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dịp Tết.

Năm nay, Công ty Vissan gia nhập đường đua hàng Tết với 3 mặt hàng mới là chả lụa que, chả lụa bì ớt xiêm và lạp xưởng tươi trứng muối. Theo đại diện Vissan, chả lụa que là bữa ăn tiện lợi, đóng gói nhỏ gọn so với phiên bản thông thường. Còn chả lụa ớt xiêm sẽ có vị cay kết hợp cùng chả bì dai giòn; lạp xưởng tươi trứng muối rất “bắt trend” nhu cầu gần đây của thị trường.

Đặc biệt, từ đây đến ngày 9/2, Vissan khuyến mãi “mua 2 tặng 1”, “mua 1 tặng 1”, giảm giá đến 30% nhiều sản phẩm Tết.

Tập đoàn KIDO cũng chào hàng đến người tiêu dùng sản phẩm nước mắm cá cơm và hạt nêm rau củ mang nhãn hiệu Tường An. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO, đánh giá, ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu nhằm mục tiêu “lấp đầy gian bếp Việt” trong dịp Tết 2024 đã được tập đoàn đặt ra.

Bà Nguyễn Thụy Thùy Linh, Trưởng phòng Marketing Công ty Cholimex Food, cho biết, công ty tung thêm nhiều hàng hóa mới lạ, bắt mắt theo xu hướng, trong đó tập trung vào các dòng sản phẩm sốt ướp tiện lợi để giúp người nội trợ dễ dàng sử dụng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, theo kế hoạch, lượng hàng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024 chiếm từ 25 - 43% nhu cầu, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...

Sở đã phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai đến Ban quản lý các chợ, tập trung kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh và kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, kiểm soát giá cả, tập trung tổ chức chương trình khuyến mại, thực hiện kết nối cung cầu.

Chống hàng giả, hàng lậu

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, đơn vị sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu hàng hóa, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cao điểm là trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, các đơn vị sẽ xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để đẩy mạnh các biện pháp quản lý thị trường, đảm bảo nhân dân đón Tết Nguyên đán an toàn, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

“Các mặt hàng bị cấm như pháo nổ, hóa chất hay các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho người dân trong dịp Tết như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, nước giải khát, dược phẩm... sẽ được lực lượng quản lý thị trường giám sát, quản lý chặt chẽ” - ông Đạt nhấn mạnh.

Xem thêm tại tienphong.vn