Đối với thị trường trong nước, sự khởi sắc từ cuối năm ngoái đã tạo bước chạy đà cho ngành thép duy trì ổn định. Ảnh tư liệu |
PV:Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường sắt thép trong nước và thế giới từ đầu năm đến nay?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Trong giai đoạn từ đầu năm tới nay, thị trường sắt thép thế giới biến động khá mạnh, chia ra làm hai giai đoạn giá giảm - tăng khá rõ ràng. Kể từ đầu năm tới cuối tháng 3, giá ghi nhận đà lao dốc mạnh, trong đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Trung Quốc đã giảm khoảng 13% về 3.662 nhân dân tệ/tấn; trong khi giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore có thời điểm rơi khỏi mốc 100 USD/tấn, giảm về mức đáy 7 tháng.
Tuy nhiên, từ tháng 4 tới nay, giá sắt thép thế giới đang dần phục hồi trở lại. Nguyên nhân chính chi phối tới giá chủ yếu đến từ yếu tố nhu cầu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, thị trường sắt thép trong nước lại ghi nhận diễn biến trầm lắng hơn. Sau giai đoạn giá phục hồi từ mức đáy 3 năm và tăng mạnh vào cuối năm ngoái, giá thép nước ta liên tục đi ngang từ đầu năm đến nay.
Các dự án hạ tầng trọng điểm là yếu tố hỗ trợ cho thị trường thép nộiTrong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm. Trong đó, nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai… sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép. |
Sau một số lần điều chỉnh, hiện giá đang dao động quanh mức 14,1 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 14,4 triệu đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300.
PV:Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng gần đây?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đối với giá sắt thép thế giới, như tôi đã đề cập ở trên, diễn biến giá chia thành hai giai đoạn giảm - tăng khá rõ rệt. Trong quý I, nguyên nhân chính khiến giá giảm là do yếu tố tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc. Ở giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu. Trong khi đó, chính phủ nước này lại hạn chế ban hành các chính sách kích thích kinh tế mới. Chính những điều này đã khiến cho nhu cầu sắt thép giảm mạnh. Theo dữ liệu thống kê, tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc trong thời điểm này đã tăng lên khoảng 140 triệu tấn, cao nhất trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4 tới nay, giá sắt thép thế giới đang dần phục hồi trở lại khi tiêu thụ tại Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc hơn, đặc biệt là khi nước này bước vào mùa xây dựng cao điểm. Hơn nữa, Chính phủ nước này đang bắt đầu đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế hồi phục và vực dậy lĩnh vực bất động sản yếu kém kéo dài, củng cố cho triển vọng tiêu thụ sắt thép. Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu khởi động kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ với tổng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 tỷ USD).
Đối với thị trường trong nước, sự khởi sắc từ cuối năm ngoái đã tạo bước chạy đà cho ngành thép duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Thị trường bất động sản dần ấm lên trong khi đang trong mùa xây dựng cao điểm đầu năm, cả sản xuất và tiêu thụ thép đều cải thiện. Chỉ tính trong quý I năm nay, sản xuất thép thô đạt tổng cộng 5,32 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tiêu thụ đạt 5,38 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, giá thép nước ta vẫn đang tiếp nối đà tăng từ cuối năm ngoái và duy trì ổn định. Tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều thách thức đã khiến giá chưa thể bứt phá.
PV: Thời gian tới, dự báo giá sắt thép trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Sang tới quý III, tôi cho rằng, giá sắt thép thế giới khó có thể tăng mạnh khi mùa xây dựng cao điểm tại Trung Quốc kết thúc. Tuy nhiên về dài hạn, xu hướng tăng giá vẫn là xu hướng chính, do tiêu thụ tăng cao ở Ấn Độ - quốc gia sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, sẽ bù đắp cho mức tiêu thụ yếu hơn tại Trung Quốc.
Các chuyên gia trong ngành đều cảnh báo rằng tiêu thụ sắt thép tại Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm ngoái và dự kiến tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Do đó, Ấn Độ có thể thay thế nước này để dẫn dắt nhu cầu sắt thép toàn cầu. Theo dự báo, nhu cầu thép của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng ở mức 5 - 7% vào năm 2024 và 2025, cao hơn so với mức 4% của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô cải thiện khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều dự kiến hạ lãi suất vào cuối năm, tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi, cũng sẽ là trợ lực quan trọng hỗ trợ cho giá sắt thép tăng vào cuối năm.
Đối với giá thép trong nước, khoảng đầu quý III thường là mùa mưa, hoạt động xây dựng nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều sự bứt phá. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu “ấm lên” nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Tiêu thụ sắt thép có thể tiếp tục duy trì ổn định, nên tôi cho rằng giá thép xây dựng sẽ dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng xu hướng sẽ tích cực hơn vào khoảng cuối quý III, đặc biệt là với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, sự thúc đẩy đầu tư công, khi đó giá thép có thể có nhịp phục hồi rõ rệt hơn.
PV:Xin cảm ơn ông!