Thị trường thép năm 2025: Xuất khẩu bị kiềm chế do xu hướng bảo hộ gia tăng

Thị trường thép năm 2025 tiếp tục xu hướng hồi phục, tuy vậy hoạt động xuất khẩu bị kiềm chế do xu hướng bảo hộ gia tăng… hiệu quả hoạt động có thể được cải thiện nhưng chậm và thiếu bền vững.

Đây là nhận định của ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về hoạt động sản xuất-kinh doanh trong năm nay đối với ngành thép.

- Xin ông cho biết kết thúc 2024 kết quả sản xuất kinh, doanh nói chung của ngành thép cũng như của Tổng công ty Thép Việt Nam như thế nào?

Ông Phạm Công Thảo: Năm 2024 là một năm phục hồi tích cực của ngành thép Việt Nam. Về mặt tăng trưởng chung, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ các sản phẩm thép đạt hơn 29 triệu tấn, tăng 10,4% so cùng kỳ, trong đó thép xây dựng đạt hơn 11,9 triệu tấn, thép cuộn cán nóng trên 6,5 triệu tấn, thép cuộn cán nguội trên 2,6 triệu tấn, tôn mạ đạt trên 5,4 triệu tấn, ống thép trên 2,5 triệu tấn.

Xuất khẩu là điểm nhấn cho tăng trưởng năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng lượng xuất khẩu sắt thép các loại năm 2024 của Việt Nam đạt trên 12,6 triệu tấn, tăng trưởng 13,5% so với năm 2023. Một số mặt hàng tăng trưởng tốt như phôi thép tăng trưởng 30%, tôn mạ tăng 34,7%, thép cán nguội tăng 18,8%, ống thép tăng 16% và thép xây dựng tăng 11,8%. Các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc,… đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung toàn ngành.

Mặc dù ngành thép đạt được mức tăng trưởng khá trên 10% nhưng nền tảng tăng trưởng chưa bền vững, nhiều nút thắt của ngành chưa được tháo gỡ để có thể phát huy hết được tiềm năng phát triển trong thời gian qua.

Cụ thể, mức tăng trưởng tiêu thụ 10% của năm 2024 dựa trên mặt bằng nhu cầu rất thấp của năm 2023, khi tiêu dùng suy giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 và thị trường bất động sản suy thoái trong những năm gần đây.

Mặc dù nhu cầu thép nội địa có hồi phục trong năm 2024 nhưng vẫn ở mức thấp, đặc biệt là đối với các sản phẩm thép cây, thép cuộn phục vụ xây dựng công trình. Việc này cũng được thể hiện qua hoạt động giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, nhiều công trình, dự án nhà ở thương mại vẫn đình trệ, số lượng dự án xây dựng khởi công mới không nhiều. Hoạt động xây dựng dân dụng cũng kém sôi động, sức mua của người dân còn yếu.

dsc00950.jpg
Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhu cầu yếu dẫn đến mức độ cạnh tranh trên thị trường tiếp tục gia tăng, tỷ lệ phát huy công suất thấp, sức ép giảm giá dẫn đến biên lợi nhuận không được cải thiện nhiều. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành năm 2024 chỉ ở mức trung bình thấp so với những giai đoạn trước đây và vẫn có những doanh nghiệp thua lỗ.

Bên cạnh đó, thép nhập khẩu vẫn tiếp tục thâm nhập và đe dọa thị trường trong nước. Theo số liệu hải quan, nhập khẩu sắt thép các loại vào Việt Nam năm 2024 đạt trên 17,7 triệu tấn, tăng 32,9% so với năm 2023.

Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam, năm 2024 cũng là một năm tương đối khả quan khi hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất-kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, hiệu quả được cải thiện.

Về sản xuất kinh doanh, tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm của VNSteel đạt 3,65 triệu tấn, vượt 13,4% so với kế hoạch năm, tăng trưởng 21,3% so với năm 2023; doanh thu hợp nhất, đạt 33.000 tỷ đồng, đạt trên 104% kế hoạch năm và tăng gần 7% so với năm 2023; Lợi nhuận trên Báo cáo tài chính hợp nhất ước lãi 230 tỷ đồng, vượt 91,7% kế hoạch năm.

Năm 2024 cũng là một năm có dấu ấn lớn của Tổng công ty khi các sản phẩm Thép VNSTEEL, Thép Miền Nam /V/ và Thép Việt Úc đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, đây là sự khẳng định về giá trị và chất lượng đối với các sản phẩm của VNSTEEL, giúp tăng uy tín, vị thế cạnh tranh của VNSTeel trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Với các chính sách bảo hộ ngày càng gia tăng, điều này sẽ tác động như thế nào đến tình hình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp thép trong năm 2025, thưa ông?

Ông Phạm Công Thảo: Tổng công ty Thép Việt Nam nhận định thị trường thép năm 2025 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen.

Theo đó, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) đưa ra mức dự báo lạc quan nhưng thận trọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu năm 2025, dự kiến đạt 1.771,5 triệu tấn, tăng trưởng 1,2% so với năm 2024. Theo một số dự báo, nhận định khác, diễn biến và xu hướng giá trên thị trường thép thế giới năm 2025 sẽ bị tác động bởi nhiều nhân tố khó đoán định, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong việc nhận định, đánh giá thị trường để chuẩn bị kế hoạch nguyên vật liệu cho sản xuất.

Năm 2025, thị trường thép khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không chỉ gặp khó khăn từ nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng chậm lại, mà còn tiếp tục chịu thêm áp lực từ thép xuất khẩu của Trung Quốc-quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và nằm ngay cạnh khu vực ASEAN. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á còn đưa vào hoạt động các nhà máy thép mới khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường khu vực ASEAN càng tăng cao.

Các chính sách thuế của Mỹ sẽ có tác động lớn tới dòng chảy thương mại sản phẩm thép trên thị trường thế giới, có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% cho năm 2025 (thậm chí 8%), ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu thép trong nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.

bhpt0212.jpg
Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngoài ra, thị trường bất động sản năm 2025 đang được kỳ vọng sẽ có thay đổi tích cực và có thể bước vào một chu kỳ phát triển mới, song theo một số nhận định, xu hướng và tốc độ phục hồi chỉ thực sự rõ nét dần từ nửa cuối năm 2025. Thị trường xuất khẩu năm 2025 được nhận định không còn thuận lợi do xu hướng bảo hộ gia tăng trên thế giới. Trong nước, thêm nhiều nhà máy thép mới đi vào hoạt động, dẫn đến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn tại thị trường nội địa.

Từ những yếu tố trên, VNSTeel nhận định thị trường thép năm 2025 tiếp tục xu hướng hồi phục, tuy vậy tăng trưởng nhu cầu trong nước ở mức trung bình trong bối cảnh thị trường bất động sản, công trình, dự án xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn.

Hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh cao, đối mặt với sản phẩm thép giá rẻ từ nước ngoài, hoạt động xuất khẩu bị kiềm chế do xu hướng bảo hộ gia tăng… hiệu quả hoạt động có thể được cải thiện nhưng chậm và thiếu bền vững.

- Để giúp ngành thép phát triển ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động, theo ông cần chú trọng các giải pháp như thế nào trong thời gian tới?

Ông Phạm Công Thảo: Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, kích cầu tiêu dùng, các giải pháp về phòng vệ thương mại, xúc tiến xuất khẩu, cũng như các nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể là việc điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, kiềm chế lạm phát, tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hay việc mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành vay vốn với mức lãi suất phù hợp, đồng thời Chính phủ đẩy mạnh có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung trong năm 2025.

Doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, tạo điều kiện để tái khởi động các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở thương mại, phát triển dự án mới. Đây là một trong những phân khúc thị trường chính của ngành thép.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần vận dụng các cơ chế phòng vệ thương mại trong WTO nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thép nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bán phá giá thép nhập khẩu trên thị trường, tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường thép trong nước.

9 tháng, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn hệ thống VNSTEEL đạt 2,61 triệu tấn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)9 tháng, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn hệ thống VNSTEEL đạt 2,61 triệu tấn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Việc Trung Quốc tăng xuất khẩu sẽ gia tăng áp lực lên thị trường thép thế giới và Việt Nam, đồng nghĩa cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp, cần có sự chuẩn bị tốt cho hoạt động sản xuất-kinh doanh năm 2025, xây dựng các kịch bản và giải pháp để đối phó tốt với các biến động của thị trường. Trong dài hạn, cần có kế hoạch để chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và các nước xuất khẩu trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông./.

Sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Theo các chuyên gia, việc áp thuế này sẽ có tác động đến xuất khẩu mặt hàng này của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Xem thêm tại vietnamplus.vn