Nguồn: VSEP. Đồ họa: Phương Anh |
Tín hiệu khởi sắc
Theo nhiều nông dân nuôi cá tra tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), hiện cá tra nguyên liệu có giá dao động từ 26.000 - 26.500 đồng/kg (kích cỡ từ 800g - 1,1kg), tăng 200 - 300 đồng/kg so với tuần trước. Giá cá tra tăng do thị trường có tín hiệu khởi sắc và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang trong quá trình khẩn trương hoàn tất các đơn hàng ký kết trước đó...
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với năm trước. Hiện tại, dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh…
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Vasep cho biết: “Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore".
Bà Trần Thị Hoàng Thư - Giám đốc khối kinh doanh Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đánh giá, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, châu Âu thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Đây là động thái khiến các nhà nhập khẩu bắt đầu quan tâm hơn đến cá tra.
Đồng thời, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2024.
Bên cạnh đó, với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra Việt Nam của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 thấp (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.
Dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại
Thị trường thuận lợi, xuất khẩu cá tra thêm cơ hội |
Theo VASEP, năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP nhận định, ngành Thuỷ sản năm 2024 có nhiều điểm tựa nhưng vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm do lượng hàng tồn kho thế giới còn cao, cùng một loại thuỷ sản có nhiều nhà cung cấp, lực cung đang lớn hơn lực cầu.
Đối với ngành cá tra, sau dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, chi phối 70% giá thành sản phẩm thuỷ sản chủ lực, giá nguyên liệu cá tra hiện nay chỉ đủ trang trải chi phí thức ăn. Hiệu suất và hiệu quả của ngành đang ở mức thấp, gây áp lực lớn cho nông dân, doanh nghiệp.
Năm 2024 dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại song những căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải, nhất là những thách thức về cước vận chuyển gia tăng. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Thành Mãi - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Quốc tế cho biết, sản phẩm cá tra Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu từ những thị trường xuất khẩu và được người tiêu dùng thế giới đón nhận. Tuy nhiên, với thị trường trong nước, doanh nghiệp cần tìm giải pháp để sản phẩm có giá thành phù hợp.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng, thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra. Việc nới lỏng chính sách kiểm soát xét nghiệm axit nucleic phần nào giúp cải thiện nhu cầu thực phẩm và hải sản tại thị trường này. Người tiêu dùng tại Trung Quốc đại lục vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về tiêu thụ cá tra. Như thời điểm cuối năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc tích trữ hàng để cung cấp cho nhu cầu khổng lồ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho các khách sạn, nhà hàng và ngành dịch vụ, du lịch. |