Ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.843 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên trước. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong khoảng 23.600 - 26.085 VND/USD. Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tham khảo được điều chỉnh giảm 3 đồng so với phiên trước, hiện ở mức 23.651 - 26.035 VND/USD.

Giá bán USD vẫn trên đỉnh

Tại các ngân hàng thương mại, nhiều đơn vị tăng chiều mua, song giảm chiều bán. Đơn cử, BIDV niêm yết ở mức 25.405 - 25.755 VND/USD, tăng 5 đồng chiều mua và giảm 5 đồng chiều bán. Vietinbank niêm yết ở mức 25.405 - 25.761 VND/USD, tăng 151 đồng chiều mua và giảm 69 đồng chiều bán. Còn Vietcombank tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua - bán, giao dịch ở mức 25.370 - 25.760 VND/USD hai chiều mua vào - bán ra.

Thị trường tiền tệ tuần 24 - 28/3: Tỷ giá leo trên đỉnh, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt
Tỷ giá vẫn leo trên đỉnh, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trong tuần qua. Ảnh tư liệu

Tỷ giá trung tâm lập đỉnh lịch sử, nhưng hạ nhiệt vào cuối tuần

Tính chung tuần qua (24 - 28/3), tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng ba phiên đầu tuần tổng cộng 38 đồng, trong đó hai phiên tăng mạnh (18 đồng và 16 đồng). Tỷ giá trung tâm lập đỉnh lịch sử vào ngày 26/3, đạt 24.851 VND/USD, sau đó, giảm nhẹ hai phiên cuối tuần. Chốt ngày 28/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.843 VND/USD, tăng 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó, thấp hơn mức tăng tuần trước (tăng 34 đồng).

Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 25.860 - 25.960 VND/USD, tăng 25 đồng chiều mua và 25 đồng chiều bán.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra vẫn ở mức cao và gần như không đổi so với tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua cũng ít biến động so với tuần trước. Chốt phiên 28/3, tỷ giá tự do giảm nhẹ 10 đồng ở cả hai chiều, thay vì mức tăng mạnh 130 đồng cuối tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, đo lường giá trị của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ chính trên thế giới chạm mức cao nhất trong ba tuần, khoảng 104,68 điểm, nhưng sau đó đã giảm nhẹ. Chỉ số DXY hiện khoảng 104,4 điểm, tương ứng giảm khoảng 3% trong tháng 3/2025.

Ngày 2/4 tới đây được Tổng thống Mỹ gọi “Ngày giải phóng”, khi Mỹ công bố các mức thuế đối ứng nhằm trả đũa các hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các quốc gia khác. Điều này dẫn đến đồng USD có diễn biến trái chiều vào tuần qua, khi các nhà giao dịch cân nhắc mức độ nghiêm trọng của các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố vào tuần tới.

Bơm ròng hạn chế giữa áp lực tỷ giá

Ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ bị chi phối bởi các tác động kinh tế và lạm phát từ các chính sách của Tổng thống Trump.

Thị trường tiền tệ tuần 24 - 28/3: Tỷ giá leo trên đỉnh, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt

Dự báo biến động tỷ giá USD/VND

"Hầu hết các đồng tiền châu Á đều suy yếu hơn so với USD trong giời gian gần đây, ví dụ như VND đã giảm chỉ còn khoảng 25.600 VND đổi một USD vào đầu tháng 3. Đà giảm này có thể sẽ tiếp tục do sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và khả năng Mỹ áp thuế lên Việt Nam.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND, bao gồm triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của NHNN trong việc đảm bảo ổn định tỷ giá. Dự báo cập nhật của chúng tôi về tỷ giá USD/VND là 25.800 trong quý II/2025, 26.000 trong quý III/2025, 25.800 trong quý IV/2025 và 25.600 trong quý I/2026" - ông Abel Lim đánh giá.

Trước tình hình đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thận trọng theo dõi diễn biến lạm phát và thương mại để đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất phù hợp. Riêng tại Mỹ, quan điểm của chuyên gia Ngân hàng UOB cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ chỉ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong quý II.

Về diễn biến của đồng USD, ông Abel Lim nhìn nhận, những lo ngại mới về tăng trưởng của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của đồng USD gần đây và thị trường ngày càng kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm nay. Mỹ hiện vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, điều này có thể khiến đồng USD phục hồi trong quý II/2025 trước khi giảm trở lại vào quý III/2025.

Hiện NHNN vẫn đang đẩy mạnh việc cung ứng thanh khoản cho thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO). Theo đó, ở kênh cầm cố, phiên ngày 28/3, có 4.589,1 tỷ đồng trúng thầu, gồm 1.107,01 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày và 3.482,09 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 4%; có 12.710,12 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.

Như vậy, NHNN hút ròng 8.121,02 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm nay. Có 81.647,72 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Tính chung tuần qua, ở kênh cầm cố, có 53.094,85 tỷ đồng trúng thầu; trong đó, nhà điều hành bơm thanh khoản mạnh hai phiên đầu tuần. Tuy nhiên, do khối lượng các khoản vay cầm cố đến hạn phải thanh toán lớn, nên dù bơm thêm tiền vào hệ thống, lượng tiền ròng thực tế bổ sung cho thị trường vẫn không đáng kể, tương ứng mức bơm ròng 798,46 tỷ đồng tuần qua.

Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 27/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm ở các kỳ hạn ngắn, trong khi tăng 6 điểm cơ bản kỳ hạn 3 tháng so với phiên trước đó. Cụ thể, qua đêm 3,88%; 1 tuần 4,34%; 2 tuần 4,4% và 1 tháng 4,6%.

Tính chung tuần qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng, VND cũng có xu hướng giảm ở kỳ hạn qua đêm, giảm 43 điểm cơ bản; 2 tuần giảm 13 điểm cơ bản; 3 tháng giảm 39 điểm cơ bản; ngược lại, kỳ hạn 1 tuần nhích tăng nhẹ 1 điểm cơ bản và 1 tháng tăng 41 điểm cơ bản./.