Ngày 4/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng vọt, ở mức 24.886 VND/USD, tăng 32 đồng so với phiên trước. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong khoảng 23.642 - 26.130 VND/USD. Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tham khảo được điều chỉnh tăng 30 đồng chiều mua và 34 đồng chiều bán so với phiên trước, hiện ở mức 23.692 - 26.080 VND/USD.
Tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới, USD ngân hàng hạ nhiệt sau cú sốc
Ngược lại, tại các ngân hàng thương mại, nhiều đơn vị điều chỉnh giảm nhẹ sau khi tăng sốc phiên hôm qua. Đơn cử, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.570 - 25.960 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 20 đồng so với phiên trước đó ở cả hai chiều. BIDV cũng điều chỉnh giảm tỷ giá USD 35 đồng, xuống 25.600 - 25.960 VND/USD (mua vào - bán ra).
Đà tăng tỷ giá trung tâm chưa dừng lại Về diễn biến trong tuần qua (31/3 - 4/4), tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm hai phiên đầu tuần tổng cộng 8 đồng, song tăng mạnh 51 ba phiên cuối tuần. Tính chung, tỷ giá trung tâm tăng 43 đồng tuần qua, cao hơn mức tăng 30 đồng tuần trước và ở đỉnh cao lịch sử 24.886 VND/USD ngày 4/4. |
Trên thị trường tự do, đồng USD được giao dịch ở mức 25.936 - 26.036 VND/USD, tăng 66 đồng cả hai chiều.
Tính chung tuần qua (31/3 - 4/4), tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD tăng khoảng 200 đồng chiều bán ra, trong khi tuần trước giữ nguyên. Đáng chú ý, ngày 3/4, các ngân hàng tăng mạnh giá USD bán ra, lên tới 160 đồng sau khi Mỹ công bố biểu thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua biến động ít hơn so với ngân hàng thương mại, song chiều bán ra vẫn tăng 76 đồng, đảo chiều so với xu hướng giảm tuần trước (giảm 10 đồng).
![]() |
Diễn biến tỷ giá USD/VND ba tháng qua. Nguồn: Topi. |
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, đo lường giá trị của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ chính trên thế giới vẫn ở mức thấp trong vòng 6 tháng qua, hiện khoảng 102,03 điểm, giảm mạnh 9,4% so với đầu năm. Đồng USD bị bán tháo trên diện rộng khi giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong bối cảnh điều chỉnh mạnh trên toàn cầu.
Nhóm phân tích từ VPBankS đánh giá, sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ kéo theo việc thu hẹp nguồn cung USD vào Việt Nam, trong khi nhu cầu nhập khẩu gia tăng lại làm tăng áp lực lên cầu ngoại tệ. Diễn biến này có thể tạo sức ép lên tỷ giá và khiến đồng VND chịu áp lực mất giá.
Trong bối cảnh đó, nếu NHNN lựa chọn can thiệp thông qua việc bán ra dự trữ ngoại hối, hiện ước tính tương đương khoảng 2,4 tháng nhập khẩu, thì tỷ giá USD/VND vẫn có khả năng tăng từ 3 - 5% trong năm 2025, dao động trong vùng 26.000 - 26.200 VND/USD.
Giằng co điều hành tỷ giá và lãi suất
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Mỹ áp thuế quan lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam là mức rất cao, gần sát ngưỡng tối đa 50%. Trong danh sách các quốc gia bị áp thuế, Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất, chỉ sau Campuchia (49%), Lào (48%), Madagascar (47%), Trung Quốc phải chịu tổng mức thuế lên tới 54%.
Mức thuế này được coi là "cú sốc" đối với cộng đồng xuất nhập khẩu Việt Nam, khi trực tiếp làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Mỹ. Hàng hóa Việt Nam sẽ khó đứng vững khi bị đánh thuế cao như vậy, trong khi nhiều sản phẩm từ các nước khác có chất lượng tương đương nhưng chịu mức thuế thấp hoặc không bị áp thuế, dẫn đến giá bán rẻ hơn.
Theo ông Hiếu, đây là mức thuế chưa từng có trong tiền lệ với Việt Nam, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt bị áp thuế lên đến hàng trăm phần trăm, còn lại thuế quan thông thường chỉ dao động khoảng 10 -15%.
![]() |
"Bão" thuế quan từ Mỹ đã đẩy tỷ giá lên đỉnh mới. Ảnh minh hoạ. |
Hiện NHNN vẫn đang đẩy mạnh việc cung ứng thanh khoản cho thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO). Theo đó, ở kênh cầm cố, phiên ngày 4/4, có 12.387,47 tỷ đồng trúng thầu, gồm 5.559,38 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày và 5.889,14 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 4%; có 10.095,21 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.
Như vậy, NHNN bơm ròng 2.292,26 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm nay. Có 95.885,27 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Lo sụt giảm xuất khẩu, tỷ giá chịu sức ép đến cuối năm "Dù thuế quan đối ứng chưa chính thức có hiệu lực cho đến ngày 9/4, nhưng với các nhà đầu tư và các đơn vị giao dịch liên quan đến ngoại thương, xuất nhập khẩu, đây là một "cú đấm", "cú sốc" mạnh. Điều này không chỉ làm suy yếu hoạt động xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn và trọng yếu, mà còn gây ảnh hưởng lan rộng đến toàn nền kinh tế. Tác động này đang khiến áp lực lên tỷ giá tăng cao và có thể sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá lên mạnh từ nay đến cuối năm" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá. |
Tính chung tuần qua (31/3 - 3/4), ở kênh cầm cố, có 64.201,66 tỷ đồng trúng thầu; trong đó, nhà điều hành bơm thanh khoản mạnh hai phiên đầu tuần, gần 50 nghìn tỷ đồng. Khối lượng các khoản vay cầm cố đáo hạn là 49.964,11 tỷ đồng. Tính chung tuần qua, lượng tiền bơm thêm vào hệ thống là 14.237,55 tỷ đồng, cao hơn mức bơm ròng tuần trước đó (798,46 tỷ đồng).
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 3/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm ở các kỳ hạn ngắn, trong khi tăng 54 điểm cơ bản kỳ hạn 1 tháng; 4 điểm cơ bản kỳ hạn 3 tháng so với phiên trước đó. Cụ thể, qua đêm 3,99%; 1 tuần 4,2%; 2 tuần 4,28%; 1 tháng 4,33%; 3 tháng 5,05%.
Tính chung tuần qua (31/3 - 3/4), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng, VND có xu hướng tăng ở kỳ hạn qua đêm, tăng 46 điểm cơ bản. Các kỳ hạn còn lại đều giảm, trong đó, 1 tuần giảm 11 điểm cơ bản; 2 tuần giảm 16 điểm cơ bản; 1 tháng giảm 3 điểm cơ bản; 3 tháng giảm 47 điểm cơ bản.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp hiện nay đang đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá. Hai mục tiêu này về bản chất có xu hướng xung đột, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 8%, thậm chí 10% trong thời gian tới, việc hạ lãi suất là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp lại làm gia tăng áp lực lên tỷ giá, đặc biệt trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục bị thu hẹp.
Ngược lại, để ổn định hoặc kéo giảm tỷ giá, Việt Nam buộc phải nâng lãi suất, điều này lại đi ngược với nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, đang đặt các nhà hoạch định chính sách trước một bài toán nhiều ràng buộc và không dễ dung hòa trong ngắn hạn./.